Tổng thống Donald Trump để lộ tin mật: Đối tác tình báo của Mỹ có lo ngại?

An undated file photo shows the radar domes of the top secret joint US-Australian missile defence base at Pine Gap near Alice Springs

An undated file photo shows the radar domes of the top secret joint US-Australian missile defence base at Pine Gap near Alice Springs Source: Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Sau cáo buộc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chia sẻ thông tin mật với các quan chức cấp cao Nga tại Washington hồi tuần trước, xuất hiện tình trạng báo động ngay trong cộng đồng các cơ quan tình báo và đối tác của Mỹ, trong đó có Úc.


Tổng thống Donald Trump đứng trước cáo buộc đã tiết lộ thông tin mật về một âm mưu của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS, cho các quan chức hàng đầu của Nga tại một cuộc họp vào hồi tuần trước ngay trong văn phòng tổng thống.

Tờ Washington Post đã trích dẫn những điều mà họ nghe từ các quan chức hiện tại và cựu quan chức Hoa Kỳ nói rằng việc tiết lộ thông tin mật này có thể gây nguy cơ tiềm ẩn cho một nguồn tin tình báo Hoa Kỳ.

Theo đó, có thông tin liên quan đến một mối đe dọa khủng bố từ IS có dính đến sử dụng các máy tính xách tay hay Laptop trên các chuyến bay.
“Liên minh Ngũ nhãn vô cùng quan trọng với nước Úc. Chúng ta được hưởng lợi rất lớn từ những hoạt động trong mối liên hệ đó. Mức độ tin cậy trong khối là rất đáng kể. Vì vậy, chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ hay quan ngại về bất cứ vấn đề gì như thế,” Zed Seselja, Bộ trưởng trong chính phủ Úc
Đối tác tình báo của Mỹ có lo lắng?

Người ta cũng tin rằng cáo buộc rò rỉ thông tin của ông Trump xảy ra trước khi Hoa Kỳ chia sẻ tin tức này với các đối tác tình báo thân cận nhất của mình, thuộc nhóm Five Eyes alliance (Liên minh Ngũ nhãn), bao gồm: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, New Zealand, và Úc.

Được biết, Liên minh Ngũ nhãn được thành lập sau Đệ Nhị Thế Chiến và nhóm này hoạt động như những đôi mắt và đôi tai thông minh của thế giới phương Tây.

Họ có mạng lưới các trạm quan sát kỹ thuật và vệ tinh bí mật, cùng với các vệ tinh nghe trộm thông tin liên lạc và trao đổi thông tin internet trên toàn thế giới.

Phó Giáo sư Patrick Walsh, nghiên cứu tại Khoa Chính sách và An ninh thuộc Đại học Charles Sturt, cho rằng tình hình địa chính trị hiện tại, cùng với sự tham gia của Úc trong Liên minh Ngũ nhãn có nghĩa là một sự quan tâm đặc biệt đến Úc.

“Rõ ràng đang có mối quan tâm đến cơ quan tình báo Hoa Kỳ và cả cộng đồng các cơ quan tình báo thuộc Liên minh Ngũ nhãn, trong đó, chúng ta đóng vai trò là một thành viên.”

“Nói chung, có chuyện các lãnh đạo bàn thảo về các sự kiện chính trị và một số tin tức trong đó là từ nguồn tình báo.”

“Thế nhưng, nếu cáo buộc lần này là có thật thì đây là vấn đề tệ hại xảy ra vào đúng thời điểm mà mối quan hệ giữa Phương Tây và Nga đang ở mức thấp nhất.”

“Không còn có một mức độ tin tưởng nào thấp hơn nữa để chấp nhận cho chuyện như thế này xảy ra,” ông Walsh nói.

Ông Walsh cũng khẳng định sự kiện mới nhất này sẽ gây ra tâm lý căng thẳng cho những nhân vật đứng sau cơ quan tình báo cấp cao của Úc.

Ông nói sự việc sẽ không hủy hoại quan hệ tình báo giữa Úc và đồng minh lớn nhất của mình, thế nhưng sẽ gióng lên những hồi chuông cảnh báo.

“Các nhà hoạch định sách lược chính trị ở Canberra sẽ không bình luận vấn đề này một cách công khai đâu, nhưng lẽ dĩ nhiên, từ góc độ là cơ quan tình báo Úc thì họ quan ngại về vụ này.”

“Chúng ta có một lịch sử lâu dài chia sẻ hoạt động tình báo với Hoa Kỳ và các thành viên trong Liên minh Ngũ nhãn, và điều đó vấn sẽ tiếp tục bởi vì nó bảo đảm cho lợi ích quốc gia một cách rộng rãi.”

“Tuy nhiên, đây là điều gây quan ngại sâu sắc, tôi phải nói rằng với những nhân vật ở Canberra, sẽ có người hoài nghi về việc chia sẻ mối quan hệ này.”

“Rồi người ta sẽ tính đến một số rủi ro trong việc quản lý, đánh giá tình báo, những điều có thể sẽ xảy ra ở Canberra xung quanh việc chia sẻ tin tức tình báo này.”

“Tôi không sẽ đề xuất đến chuyện chấm dứt hợp tác tình báo vì đó không phải là mối quan tâm của chúng ta, mà tôi chỉ nói rằng sẽ có những mối hoài nghi về việc này,” ông Walsh nói.

Đây không phải là lần đầu ông Trump đụng độ một cách rất công khai với các cơ quan tình báo Hoa Kỳ.

Cựu Đại sứ Úc tại Mỹ Kim Beazley nói với đài ABC rằng các cơ quan tình báo và có liên hệ với tình báo tại Mỹ không vui vẻ gì với ông Trump.

“Trump và các mối quan hệ của ông ta hoàn toàn chẳng có tí giá trị nào, vai trò của ông ta với cơ quan hành pháp và giới tình báo, những bên vốn thường im lặng nay không còn nữa,” ông Beazley nói.

Chính phủ Úc phản ứng thận trọng

Bộ trưởng trong chính phủ, ông Zed Seselja nói với Sky News rằng mối quan hệ tình báo với Mỹ là vô cùng quan trọng với Úc, bất cứ mối quan ngại nào từ phía Úc cũng sẽ không bao giờ được tuyên bố công khai.

“Liên minh Ngũ nhãn vô cùng quan trọng với nước Úc. Chúng ta được hưởng lợi rất lớn từ những hoạt động trong mối liên hệ đó.”

“Mức độ tin cậy trong khối là rất đáng kể. Vì vậy, chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ hay quan ngại về bất cứ vấn đề gì như thế.”

“Tất nhiên, trong phạm vi của những vấn đề nằm trong các mối quan hệ này thì tôi không cho là chuyện này nên được đề cập một cách riêng tư hay vì công khai,” ông Seselja nói.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các báo cáo đều chỉ là giả mạo.


Share