Úc tụt hậu trong giải quyết biến đổi khí hậu

BOM image of Cyclone Debbie making landfall near Airlie Beach, QLD, 28 March 2017

Hình ảnh bão Debbie đổ bộ gần biển Allie, QLD Source: AAP

Ngày càng có nhiều thiên tai khắc nghiệt ập đến, nhưng nước Úc lại đang tụt lại so với thế giới trong việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, do thiếu một phương cách giải quyết thống nhất mang tầm quốc gia trong dài hạn.


Úc là quốc gia vẫn phải gánh chịu nhiều thiên tai, trong đó có những cơn bão có sức tàn phá ở Sydney, cho đến các trận hỏa hoạn gây chết người ở Victoria, Những thiên tai này thường xảy ra đều đặn nhưng vào những thời điểm bất thường khiến nhiều người chết và nhà cửa cũng như môi trường bị tàn phá

Các nhà khoa học cảnh báo, tình hình thời tiết sẽ chỉ ngày một khắc nghiệt hơn nếu không có cách giải quyết nghiêm túc về vấn đề thay đổi khí hậu.

Một phúc trình mang tên ‘Thập kỷ khắc nghiệt’ của Hội đồng Khí hậu đã chỉ rõ nước Úc đang tụt lại phía sau so với thế giới khi bàn về cách giải quyết các vấn đề thay đổi khí hậu.

Lãnh đạo Hội đồng, bà Amanda McKenzie, thúc giục nước Úc phải có hành động khẩn cấp trong vòng 2 năm tới.

“Kể từ năm 2015 đến nay, chúng tôi chứng kiến sự ô nhiễm vẫn đang diễn ra ở Úc và sẽ tiếp tục nặng nề hơn, dù cho lượng khí thải toàn cầu đã ở mức ổn định. Cho nên, rõ ràng nước Úc còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề này. Chúng ta đang thiếu một giải pháp mang tính chính sách ở tầm quốc gia đối với vấn đề thay đổi khí hậu và còn rất nhiều việc phải làm để nước Úc bắt kịp với thế giới.”

Nhà khoa học hàng đầu về khí hậu, Will Steffen, cảnh báo, vấn đề đã bị chính trị hóa và quốc gia hiện đang ở trong tình trạng hết sức khẩn cấp.

“Rất ngán ngẩm, mỗi ngày sự việc càng khiến người ta nản lòng hơn, vì giải pháp thì đã có, kỹ thuật công nghệ đã có, nhưng hệ tư tưởng và chính trị lại đang cản đường, chúng ta phải có cách vượt qua rào cản đó.”

Bản phúc trình trên đã đề xuất một chính sách thống nhất, lưỡng đảng, loại bỏ hoàn toàn khí thải cho đến năm 2040, dựa trên những sáng kiến đã được ủng hộ và nước Úc sẽ trở thành nước dẫn đầu trong việc giải quyết thay đổi khí hậu.

Phúc trình cũng cảnh báo những thiên tai đang ngày càng tồi tệ hơn, và có thể gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Cho đến nay, khoảng $226 tỷ giá trị tài sản dọc theo vùng duyên hải nước Úc đã tiêu tan do lũ lụt và sạt lở.

Về phía Chính phủ, chính sách năng lượng mới của Chính phủ Liên bang nhấn mạnh những đề xuất từ Hiệp hội các nhà khoa học để đạt mục tiêu năng lượng sạch.

Phía Lao động thì vẫn cam kết đạt 50% mục tiêu năng lượng tái tạo từ nay tới năm 2030.

Hồi tháng 7, khoảng 800 người trẻ ở Melbourne đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành nhằm kêu gọi chính phủ có hành động nghiêm túc về biến đổi khí hậu.

Họ đề nghị Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull bỏ việc cung cấp khoản vay $1 tỉ cho tập đoàn Adani để thực hiện dự án khai thác mỏ than đá Carmichael đang gây tranh cãi ở bang Queensland. Họ còn kêu gọi chính phủ cam kết đưa ra lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo 100%.

Giáo sư Steffen nói rất là ngán ngẩm khi cứ phải cố gắng phá bỏ tình trạng bế tắc chính trị khiến quốc gia bị thụt tùi.

Bà Amanda McKenzie cũng đồng thời ghi nhận vai trò đang phát triển của Trung Quốc

“Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong vấn đề khí hậu, ngoài ra, qua phúc trình này tôi còn nhận thấy Trung Quốc đã thay đổi theo một tốc độ rất ổn định để từ một quốc gia tụt hậu trong vấn đề khí hậu trở thành một trong những quốc gia đi đầu hiện nay. Trung Quốc đã đáp ứng mục tiêu Hiệp định biến đổi khí hậu Paris năm 2030 cũng như chuyển toàn bộ từ năng lượng than đá sang năng lượng tái tạo.”

Một số khách đi biển Manly ở Sydney thì nói họ hi vọng những cảnh báo sẽ được chính phủ quan tâm trước khi trở nên quá trễ.

“Tôi nghĩ chúng ta đã đến lúc phải làm gì đó, phải có hành động ngay khi mà tình hình đang trở nên ngày một cấp bách. Tôi bắt đầu cảm thấy rất giận dữ khi mà chúng ta vẫn chưa làm gì cả.”

“Tôi cho là thế hệ tiếp theo có thể sẽ mang đến sự thay đổi. Trẻ em đang quan tâm nhiều hơn đến môi trường, cho nên tôi hi vọng là 20 năm nữa tình hình sẽ khác.”


Share