Việc triển khai vaccine Oxford-AstraZeneca gặp khó khăn nhưng Úc sẽ không trì hoãn

A healthcare worker prepares a syringe with the AstraZeneca Covid19 vaccine

A healthcare worker prepares a syringe with the AstraZeneca Covid19 vaccine Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Bốn trường hợp gặp phản ứng phản vệ đáng báo động sau khi tiêm vaccine coronavirus đã khiến giới y tế phải điều chỉnh kế hoạch triển khai vaccine trên cả nước. Trong khi đó chính phủ Morrison tuyên bố cấm bay các chuyến bay qua lại giữa Úc và nước láng giềng Papua New Guinea khi số ca nhiễm tại quốc gia này tăng lên chóng mặt.


Bốn trường hợp đều xảy ra tại Queensland và đều có phản ứng phản vệ đáng báo động sau khi tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca. Họ đều có tiền sử bị dị ứng trầm trọng.

Giới chức y tế đã hoãn lại việc cung cấp vaccine này cho những người bị nhạy cảm với phản ứng phản vệ và sẽ điều chỉnh kế hoạch khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia.

Theo kế hoạch trước đó thì đa số người Úc sẽ được nhận hai liều vaccine Oxford-AstraZeneca, nhưng kế hoạch còn bị ầm ĩ hơn sau khi nghe tin nhiều quốc gia Âu Châu cũng sẽ  hoãn lại chương trình tiêm vaccine này, vì họ cho biết đã có những trường hợp bệnh nhân bị đông máu sau khi tiêm.

Dân biểu độc lập Craig Kelly kêu gọi nước Úc hãy làm theo Âu Châu, Thượng nghị sĩ Quốc gia Matt Canavan cũng đồng ý với ý kiến trên.

‘Chúng ta nên chú ý đến những mối lo ngại này. Các nước Âu châu có kinh nghiệm lâu hơn chúng ta trong việc triển khai vaccine. Bản thân các nước đó cũng gặp nguy cơ bùng phát coronavirus lớn hơn nước ta. Nên rõ ràng là họ không có động cơ gì để tạm ngừng triển khai vaccine. Họ đang làm như vậy vì họ thật sự có những lo ngại chính đáng. Mỹ cũng chưa chuẩn thuận AstraZeneca. Úc thì vẫn còn khá an toàn, chúng ta không phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch trực tiếp nào, vì vậy chúng ta cần tiếp cận vaccine một cách thận trọng. Một trong những biện pháp thận trọng nhất là nên tạm dừng triển khai và hãy tập trung chú ý đến những bằng chứng xảy ra trong vài tháng tới’.

Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu tạm ngừng triển khai cũng thừa nhận rằng không có bằng chứng nào cho thấy vaccine gây ra tình trạng máu đông.

Các quốc gia bao gồm Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha đã đình chỉ việc sử dụng vaccine sau khi ghi nhận vài trường hợp tại đây đã hình thành máu đông au khi tiêm AstraZeneca.

Công ty AstraZeneca thì chỉ ra rằng 17 triệu người ở Anh và EU đã được tiêm ít nhất một liều, và số ca bị máu đông được ghi nhận thấp hơn so với dự kiến và rất thấp so với số người đã được tiêm chủng.

Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu và cơ quan quản lý y tế Úc là TGA, còn gọi là Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu, đều tin tưởng vào việc sử dụng vaccine.

Giáo sư Paul Kelly, Trưởng ban Y tế Úc cho biết chỉ vì một vài người bị tình trạng máu đông sau khi tiêm vaccine không có nghĩa là máu đông là do vaccine gây ra.

Phát ngôn nhân về Y tế phe Lao Động Mark Butler nói Lao Động tin tưởng vào lời khuyên của chuyên gia, và ở đây là cơ quan quản lý dược phẩm trị liệu Úc.

‘Chúng tôi tin tưởng khả năng của Cơ quan Quản lý Dược phẩm trị liệu có thể kiểm soát bất kỳ tình huống bất lợi nào trên thế giới, và cung cấp tin tức chính xác đến cộng đồng Úc và chính phủ Úc. Những lời bình luận của Thượng nghi sĩ Canavan thật sự nguy hiểm, chúng gây chia rẽ và gây bất lợi cho chương trình triển khai tiêm chủng tại Úc, vốn đã lên kế hoạch rồi.’

Ông Butler nói không chỉ việc triển khai đang bị chậm trễ, mà chính phủ cũng chưa đưa ra một hệ thống đặt lịch hẹn tiêm chủng cho cả nước.

Đến nay chỉ có một công ty tư nhân được chọn làm hệ thống đặt lịch hẹn tiêm chủng cho Bộ Y tế.

Ông Butler nói lẽ ra việc này phải xong từ nhiều tháng trước.

‘Việc triển khai tiêm chủng sẽ nhanh chóng trở thành một đống lộn xộn. Nó bị chậm so với kế hoạch và một hệ thống đặt lịch hẹn vẫn còn dang dở. Cùng lúc đó chính phủ lại nhanh chóng chấm dứt hỗ trợ JobKeeper, rút hết mọi gói tiêm kích kinh tế, và vẫn cứ chậm như sên trong việc triển khai vaccine.’

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ngày càng bùng phát tại nước láng giềng Papua New Guinea.

Úc đã cử một đoàn y tế đến Papua New Guinea và sẽ tung ra những sự hỗ trợ nhằm đối phó với số ca nhiễm đang tăng cao.

Tuy nhiên chính phủ Morrison cũng áp dụng lệnh cấm bay với hàng loạt chuyến bay qua lại giữa Úc và Papua New Guinea, chuyên chở những công nhân và nhân viên làm việc giữa hai quốc gia, trong đó bao gồm cả những nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên cứu trợ.

Tất cả hành khách của các chuyến bay từ Papua New Guinea đến Cairns sẽ phải tạm dừng bay trong hai tuần lễ, cũng như mọi giấy phép ngoại lệ được đi lại giữa hai nước cũng bị chặn lại.

Trong khi đó cả hai tiểu bang New South Wales và Queensland đều đang giám sát chặt chẽ tình huống y tế trong tiểu bang.

Hôm nay cả hai tiểu bang đều không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào.

Queesland vẫn giới hạn người thăm viếng tại bệnh viện, nhà dưỡng lão và các cơ sở khuyết tật cho tới thứ Sáu.

Thủ hiến Annastacia Palaszczuk nói bà hy vọng sẽ nới lỏng phong tỏa vào cuối tuần này.

‘Chúng tôi sẽ cập nhật cho mọi người vào thứ Sáu và đó sẽ là một tin tốt lành. Điều đó có nghĩa là vào cuối tuần, mọi người sẽ có thể đi gặp người thân yêu của mình. Còn bây giờ, chúng tôi chỉ yêu cầu cộng đồng hãy kiên nhẫn thêm 72 giờ nữa trong khi chúng tôi hoàn thiện tất cả dữ liệu và nhận kết quả kiểm tra của những người có liên quan đến đường dây.’


Share