Visa du lịch làm việc được nâng tuổi và kéo dài hơn trước

Scott Morrison and David Littleproud

Agriculture Minister David Littleproud (right) was leading the push for a new agriculture visa. Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chính phủ liên bang cho biết sẽ nới lõng visa vụ mùa và du lịch để tìm cách bù đắp thiếu hụt nhân công trong khu vực này. Hiệp hội Nông gia hoan nghênh quyết định này, nhưng Nghiệp đoàn Lao động Úc lo sợ điều đó sẽ khiến lao động ngoại quốc càng bị bóc lột nhiều hơn.


Thủ tướng Scott Morrison thông báo một số thay đổi trong việc cấp visa cho lao động vụ mùa, cũng như loại visa du lịch được phép làm việc để giúp các nông trại đang thiếu hụt nhân công.

Theo những thay đổi này thì du lịch balô không cần phải đổi việc mỗi 6 tháng, và visa của họ sẽ được gia hạn gấp ba lần nếu họ làm thêm công việc đồng áng.

Những người làm công đến từ các đảo quốc Thái Bình Dương có thể được ở lại làm việc trong 9 tháng, thay vì chỉ có 6 tháng như hiện nay.

Độ tuổi áp dụng cho loại visa cho phép làm việc trong lúc đi du lịch cũng sẽ được nâng lên đến 35 tuổi, thay vì 30.

Ông Morrison cho biết mục đích chính của những thay đổi này là vì kinh tế ở vùng quê.  

"Tất cả những thay đổi này là để giúp các doanh nghiệp gia đình và doanh nghiệp vừa ở nông thôn trên khắp cả nước."

"Các bạn cũng biết đó, khách du lịch đi đến đâu kiếm tiền đến đó và tiêu xài chứ không đem về. Tất cả tiền sẽ quay lại giúp cho kinh tế địa phương tăng trưởng và tạo thêm việc làm cho người địa phương.”

Chủ tịch của Hiệp hội Nông gia Liên bang, bà Fiona Simson hoan nghênh quyết định của chính phủ.

"Những thay đổi công bố hôm nay thật là tin tốt cho các nhà nông đang chuẩn bị thu họach nhưng lo lắng không biết đâu ra lao động. Như vậy không chỉ du lịch balô mà cả các lao động vụ mùa sẽ giúp cho khu vực nông nghiệp rất nhiều."

Theo khảo cứu của tổ chức thăm dò kinh tế Deloitte Access Economics, hiện lao động trong khu vực nông nghiệp đang thiếu hụt do lão hóa.

Bà Simpson cho bo biết ngành nông nghiệp đang có nhiều việc làm, nhưng các chủ nông trại lại không tìm đâu ra cho đủ nhân công.

"Theo các số liệu chúng tôi có chúng ta thiếu hụt hàng ngàn nhân công trên cả nước, đặc biệt trong mùa cao điểm. Điều đó làm cho các nông trại và kinh tế địa phương thất thu hàng triệu đôla vì đành phải để cho trái cây hư thúi mà không có người hái.”

Chính phủ chịu nhiều sức ép phải giúp các nông trại đang gặp khó khăn, và thủ tướng Morrison thậm chí còn tính buộc những người lãnh trợ cấp xã hội phải đi hái trái cây thì mới được tiếp tục nhận trợ cấp.

Đảng Quốc gia cũng đề nghị loại visa giành riêng cho nông nghiệp nhưng không được ủng hộ vì sợ sẽ mở cửa cho làn sóng lao động bất hợp pháp.

Ông Morrison cho biết chính phủ sẵn sàng cứu xét loại visa nông nghiệp nếu khi sau khi đã thay đổi visa vụ mùa và du lịch balô mà vẫn cho tìm đủ nhân công cho các nông trại.

Chủ tịch của Hiệp hội Nông gia Liên bang, bà Fiona Simson cho biết visa nông nghiệp là sáng kiến hay.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với chính phủ về nhu cầu của loại visa dành riêng cho nông nghiệp, cần bao nhiêu, và nó sẽ giúp bù đắp cho thiếu hụt nhân công trong khu vực nông nghiệp như thế nào.”

Nhưng Nghiệp đoàn Lao động Úc (AWU) không ủng hộ những thay đổi chính phủ chuẩn bị áp dụng. Chủ tịch AWU Daniel Walton các nhân công ngoại quốc lâu nay vẫn than phiền là họ bị bóc lột, kể cả làm việc không lương, vì vậy nới lõng visa cho du lịch balô chỉ làm cho họ càng bị bóc lột thêm.

"Các nhân công này không được trả lương đầy đủ, thậm chí không được đồng nào mà còn phải sống trong những nhà trọ tồi tàn, rồi còn dễ bị lạm dụng, xâm hại tình dục, và nhiều chuyện khác. Họ bị giữ passport để không thể đi đâu khác trong lúc ở đây, những chuyện như vậy nhan nhãn khắp nơi.”

Dân biểu hàng ghế trước của Lao Động, Andrew Leigh nói rằng chính phủ cần phải giải thích rõ hơn họ sẽ ngăn chặn thế nào những trường hợp nhân công nước ngoài bị bóc lột.

Bà Simson quả quyết hiệp hội nông gia luôn tìm cách bảo đảm nhân công làm việc trong những điều kiện tốt nhất.

"Chúng tôi hoàn toàn không chấp nhận chuyện nhân công bị bạc đãi trong các nông trại, từ chuyện trả lương thấp hay laàm việc trong những điều kiện không tốt, chúng tôi đều không chấp nhận. Nếu những chuyện như vậy xãy ra thì phải bị trừng phạt, nhưng đại đa số làm ăn đúng đắn.”

Nhưng ông Walton, của nghiệp đoàn AWU, nói rằng vấn đề chính ở đây là tình trạng nhân công bị bóc lột cứ lập đi lập lại.

"Đó là lý do tại sao thế hệ trẻ sẽ không làm nghề nông. Đó là vì lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ, đương nhiên họ sẽ tìm việc khác tốt hơn. Vì vậy chính phủ bây giờ phải để cho lao động rẻ từ ngoại quốc vào, nhưng làm như vậy có nghĩa là tiếp tục duy trì điều kiện làm việc tồi tệ khi việc xin visa được nới lõng.”

Bà Simson nói lý do khó tìm nhân công địa phương là bởi vì dân Úc không chịu đi xa chứ không phải sợ bị bóc lột.

Thủ lãnh Đảng Một Quốc gia Pauline Hanson cũng đồng ý và nói với Đài Số 7 là cần thay đổi cách nghĩ của người Úc đối với nghề nông.

"Khi ra khỏi vùng nông thôn tỉ lệ thất nghiệp, nhất là trong giới trẻ, có thể lên đến 27, thậm chí 30%. Câu hỏi là tại sao giới trẻ Úc không muốn kiếm tiền bằng cách đi hái trái cây? Đó là lý do tại sao chúng ta cần đến du khách, và các nông trại đang rất cần nhân công.”

 


Share