WHO: 'Đại dịch coronavirus đang tăng tốc'

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Director-General of the WHO

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Director-General of the WHO Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo đại dịch coronavirus đang tăng tốc các nước cần có thêm các biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn. Hiện đã có 1/5 dân số trên toàn bắt buộc hoặc được kêu gọi hãy ở trong nhà.


Giám đốc WHO, Dr Tedros Ghebreyesus nói coronavirus đang lây lan với tốc độ chóng mặt.

"Đại dịch đang tăng tốc. Phải mất 67 ngày để từ ca nhiễm đầu tiên tăng lên 100 ngàn ca. Nhưng chỉ mất có 11 ngày để tăng đến 200 ngàn ca, và chỉ mất 4 ngày để tăng đến 300 ngàn ca nhiễm."

Dr Tedros nói có thể thay đổi tốc độ gia tăng của coronavirus, nhưng các nước cần phối hợp với những biện pháp quyết liệt hơn.

WHO cho biết điều đáng lo ngại là một lượng lớn các nhân viên y tế đã nhiễm bệnh trong khi điều trị cho các bệnh nhân.

Tại Tây Ban Nha, có gần 4 ngàn nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, chiếm 12 phần trăm của 33 ngàn ca nhiễm trên toàn quốc. Nước này đã có 462 ca tử vong chỉ trong 24 giờ qua, tổng số người chết vì coronavirus là 2.200 ở Tây Ban Nha.

Tại Pháp đã có 860 người chết, 186 ca tử vong chỉ trong 24 giờ qua. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết lệnh đóng cửa có thể kéo dài trong nhiều tuần và chính phủ dự trù sẽ ban hành thêm các giới hạn khắc khe hơn.

“Đi dạo với gia đình hay thể dục ngoài trời 1 lần trong ngày và chỉ được kéo dài trong 1 giờ và không xa quá nhà trên 1 cây số. Điều đó có nghĩa mọi người phải điền vào mẫu đơn chính xác giờ nào, ngày nào họ muốn đi ra ngoài. Đây là quy định vô cùng quan trọng mà tôi kêu gọi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm trong chuyện này."

Lệnh cấm tương tự cũng được áp dụng cho đến ngày 1 tháng Tư ở Cộng hòa Cezh, nơi có trên 1,200 ca nhiễm. Những ai đi làm xa ở Áo hay Đức phải ở lại đó luôn nếu không sẽ bị cách ly. Chính phủ Cezch đã cấm tất cả du khách đến đến nước họ.

Anh quốc có 335 ca nhiễm, cũng tăng cường các biện pháp. Thủ tướng Boris Johnson yêu cầu mọi người hãy ở trong nhà, ngoại trừ những lúc thật cần thiết, và khi ra ngoài cố gắng không đứng gần người khác. 

"Đừng gặp bạn bè nữa, nếu họ muốn gặp thì đừng cho gặp. Cũng cần tránh gặp thân nhân ở nơi khác. Chỉ ra shop để mua những thứ cần thiết như thực phẩm thuốc men, và hạn chế số lần đi mua mà kêu người ta giao hàng tận nhà nếu có thể. Nếu quý vị không chấp hành những quy định này, cảnh sát sẽ phạt hoặc có quyền giải tán những ai tụ tập trên 2 người."

Tại Đức thì Thủ tướng Angela Merkel xét nghiệm âm tính với coronavirus nhưng vẫn phải làm xét nghiệm thêm. Bà đã phải tự cách ly sau khi bác sĩ của bà xét nghiệm dương tính.

Tại Ý thì số ca nhiễm đã giảm trong 2 ngày liền. Số người chết tại Ý cũng giảm nhưng giới chức vẫn không chắc khuynh hướng này có tiếp tục hay không sau khi Ý trở thành nơi có nhiều người nhiễm coronavirus nhất chỉ sau có Trung Quốc.

Tại Trung Quốc lục địa số ca nhiễm cũng giảm trong 4 ngày liền, với các ca nhiễm mới đều từ ngoại quốc mang về, đa số là sinh viên về nước. Tại Myanmar, 2 ca nhiễm đầu tiên cũng từ Anh và Mỹ trở về.

Tại Nam Phi đã có trên 400 ca nhiễm và chính phủ bắt đầu áp dụng lệnh đóng cửa trên toàn quốc trong 21 ngày. Tổng thống Cyril Ramaphosa cho hay người dân vẫn có thể ra ngoài mua thực phẩm hay đi khám bệnh.

“Đóng cửa trên cả nước là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan trong xã hội. Tôi đã ra lệnh cho quân đội hỗ trợ cảnh sát để thực thi những quy định mới mà tôi đã công bố."

Tại Hoa Kỳ số ca nhiễm đã lên đến 43,000 với ít nhất 500 ca tử vong. Các chuyên gia tin rằng Hoa Kỳ phải tiếp tục đóng cửa ít nhất trong 4 tháng nữa để các biện pháp ngăn chặn có hiệu lực, nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn quả quyết dịch bệnh sẽ không kéo dài.

"Chúng ta không thể việc đối phó tệ hại hơn là bản thân dịch bệnh. Sau thời hạn 15 ngày chúng tôi sẽ quyết định xem bước kế tiếp là gì. Điều quan trọng là chúng ta chỉ có thể mở cửa trở lại là nhờ chúng ta đã đóng cửa hoàn toàn để diệt trừ kẻ thù vô hình này."

Tại Iran đã có thêm 127 người chết vì coronavirus, nâng con số tử vong lên hơn 1.800 người. Nhiều nơi tin rằng Iran đáng lý nên có các biện pháp ngăn chắn sớm hơn.

Trong khi đó dân chúng ở Syria đổ xô đi mua lương thực và xăng dầu vì sợ chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp khắc khe hơn sau khi ghi nhận được ca nhiễm đầu tiên. Syria và dải Gaza được xem là nơi không kiểm soát được nếu bị coronavirus tấn công.

Tại Úc, số ca nhiễm riêng trong tiểu bang NSW đã vượt qua 800 người, với 7 ca tử vong và nhà chức trách đang có biện pháp kiểm tra những ai không chấp hành lệnh cách ly và cũng như cấm tụ tập.

Share