WHO báo động Covid-19 tăng mạnh ở châu Phi và Indonesia

Testing for COVID19 in Johannesburg, South Africa.

Testing for COVID19 in Johannesburg, South Africa. Source: AAP/ AP Photo/Themba Hadebe

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

WHO nói rằng đại dịch vẫn là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần sự quan tâm của quốc tế và vẫn chưa chấm dứt trước nỗ lực chống trả của các nước.


WHO cho biết các ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh ở châu Phi, tăng một triệu ca trong một tháng. Cho đến nay, biến thể Delta đã được phát hiện ở 21 quốc gia châu Phi.

Giám đốc Châu Phi của WHO, Matshidiso Moeti, cho biết đây là làn sóng lây nhiễm nhanh nhất mà lục địa này từng chứng kiến.

"Trong tháng qua, châu Phi đã ghi nhận thêm một triệu ca nhiễm. Đây là thời gian ngắn nhất cho đến nay để ghi nhận thêm một triệu trường hợp, vốn thông thường phải mất khoảng ba tháng. Các ca nhiễm mới đã tăng trong 8 tuần liên tiếp. Và dịch đang bùng phát trở lại ở 18 quốc gia châu Phi."

Chỉ hơn một phần trăm người dân trên khắp châu Phi đã được tiêm chủng đầy đủ chống lại COVID-19 giữa khi các quan chức y tế thất vọng vì vắc-xin đến chậm. WHO cho biết cần thêm 190 triệu liều vắc-xin khác để tiêm chủng đầy đủ cho chỉ 10% dân số châu Phi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ cho biết các ca nhiễm COVID-19 đã tăng khoảng 11% so với tuần trước, với mức tăng cao nhất ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng dưới 40%.

Indonesia hiện đã trở thành điểm nóng mới của châu Á sau hơn 56.000 trường hợp nhiễm coronavirus mới, một kỷ lục hàng ngày vượt qua những gì xảy ra tại Ấn Độ.

Giới chức lo ngại biến thể Delta hiện đang lây lan từ các đảo Java và Bali, nơi bùng phát dịch bệnh đã dẫn đến việc đóng cửa một phần các nơi thờ tự, trung tâm mua sắm, công viên và nhà hàng.

Bộ Y tế Indonesia báo cáo gần 1.000 trường hợp tử vong vào thứ Năm, nâng số người tử vong lên hơn 70.000 người. Tổng số ca nhiễm tại nước này được xác nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu là hơn 2,7 triệu người.

Indonesia đang vất vả tìm đủ vắc xin để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho hơn 181 triệu người trong số 270 triệu dân trước tháng 3 năm 2022. Cho đến nay, chỉ mới có 15,6 triệu người được tiêm chủng đầy đủ.
COVID-19 patients receive treatment outside the emergency room of a hospital in Surabaya, East Java, on 11 July, 2021.
COVID-19 patients receive treatment outside the emergency room of a hospital in Surabaya, East Java, on 11 July, 2021. Source: Anadolu via Getty Images
Tổng thống Joe Biden cho biết nước này đang xem xét khi nào họ có thể dỡ bỏ các hạn chế cấm hầu hết các công dân châu Âu không phải là công dân Hoa Kỳ đi du lịch đến Mỹ. Ông Biden cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nêu vấn đề này trong chuyến thăm Washington.

"Chúng tôi đã cử người đứng đầu toán COVID xem xét vì Thủ tướng Merkel đã đề cập đến vấn đề đó. Việc này đang trong quá trình cân nhắc liệu chúng tôi có thể dỡ bỏ lệnh cấm sớm như thế nào. Hiện đang được xem xét. Và tôi có thể trả lời câu hỏi cho các bạn trong vài ngày tới khi điều đó có khả năng xảy ra. Tôi đang chờ nghe ý kiến ​​từ toán chuyên gia COVID của chúng tôi để xem khi nào thì chuyện đó nên được thực hiện."

Trong khi đó, trưởng ban y tế quốc gia của Mỹ, Vivek Murthy, đã đưa ra lo ngại về làn sóng ngày càng tăng của những thông tin sai lệch về COVID-19 và vắc-xin, vốn đang đe dọa nỗ lực dập tắt đại dịch và cứu sống mạng người.

Trong lần cố vấn đầu tiên của mình với tư cách là bác sĩ hàng đầu của quốc gia dưới thời Tổng thống Joe Biden, Dr Murthy đã kêu gọi các công ty internet thay đổi thuật toán của họ để thông tin sai lệch ít bị công bố hơn.

Dr Murthy cho biết thông tin sai lệch về COVID-19 chủ yếu đến từ những cá nhân có thể không biết họ đang lan truyền những thông tin sai lệch, nhưng cũng có người cố tình làm chuyện đó.

"Đúng là có thông tin sai lệch đến từ 'những kẻ xấu', nhưng điều quan trọng cần chỉ ra là phần lớn thông tin sai lệch đang lan truyền trực tuyến thường đến từ những cá nhân không có ý định xấu, họ vô tình chia sẻ những thông tin mà họ nghĩ có thể hữu ích. Và đó là lý do tại sao trong lời khuyên này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng trong số những điều chúng tôi yêu cầu là đừng chia sẻ ngay mà cần kiểm tra các nguồn. Và nếu họ không chắc chắn rằng đó là nguồn đáng tin cậy, thì đừng có chia sẻ."

Thư ký báo chí Toà Bạch Ốc Jen Psaki cho biết Facebook, công ty sở hữu Instagram và WhatsApp, cần phải làm việc nhiều hơn để xóa thông tin không chính xác về vắc-xin Covid.

"Chỉ có khoảng 12 người đang tạo ra 65% thông tin chống vắc-xin trên các nền tảng truyền thông xã hội. Tất cả họ vẫn hoạt động trên Facebook, mặc dù một số thậm chí bị cấm trên các nền tảng khác, bao gồm cả những nền tảng mà Facebook sở hữu. Điều quan trọng là cần có hành động nhanh hơn đối với các bài đăng có hại. Như các bạn đã biết, thông tin truyền đi khá nhanh trên các nền tảng mạng xã hội. Đôi khi nó không chính xác và Facebook cần nhanh chóng hơn để xóa các bài đăng có hại. Hiện nay các bài đăng cần xóa thường vẫn nằm đó trong nhiều ngày - đó là quá lâu. Thông tin sai lạc lan truyền quá nhanh."

Một cụm COVID-19 tại một khách sạn Nhật Bản nơi hàng chục thành viên đoàn lực sĩ Olympic của Brazil đang ở đã làm dấy lên những lo ngại mới về các ca nhiễm trùng tại Thế vận hội Tokyo, khi thành phố ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong sáu tháng qua.

Bảy nhân viên tại một khách sạn ở phía tây nam Tokyo đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus. Chỉ một ngày sau khi cụm dịch khách sạn nổi lên, một vận động viên Olympic trong thời gian cách ly 14 ngày ở Tokyo cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Hikaru Kinefuchi, một công nhân xây dựng sống ở Hamamatsu, lo lắng và nói rằng nên hủy bỏ Thế vận hội.

"Tôi không mong đợi Thế vận hội sẽ tiếp tục diễn ra. Tôi nghĩ họ nên hủy bỏ nó. Tôi nghĩ Thế vận hội có thể trở thành nơi lây lan coronavirus. Tôi không biết đất nước đang nghĩ gì? Họ chỉ muốn tiến hành Thế vận hội thôi."

Chỉ hơn một tuần trước lễ khai mạc, sự lây nhiễm lan rộng làm nổi bật những rủi ro khi tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới giữa một đại dịch, ngay cả khi không có khán giả cổ vũ tại các địa điểm tranh tài.

Các quan chức đã áp dụng các biện pháp cô lập an toàn nhưng các chuyên gia y tế vẫn lo lắng vì sự di chuyển của nhân viên phục vụ Thế vận hội có thể tạo cơ hội cho Covid lây lan.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc truy cập vào dữ liệu thô là một thách thức đối với nhóm chuyên gia quốc tế đã đến Trung Quốc vào đầu năm nay để điều tra nguồn gốc của coronavirus.

"Chúng tôi thực sự yêu cầu Trung Quốc minh bạch, cởi mở và hợp tác, đặc biệt là về thông tin, dữ liệu thô vào những ngày đầu của đại dịch mà chúng tôi yêu cầu."


Share