Tại sao lại là Hội Anh Em Dân Chủ?

Những gương mặt Hội AEDC đang trong nhà tù của chính quyền VN

Những gương mặt Hội AEDC đang trong nhà tù của chính quyền VN Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Từ vụ Thầy giáo Vũ Hùng bị bắt lật lại vấn đề vì sao nhà cầm quyền Việt Nam trong năm 2017 tăng cường bắt bớ gần như tất cả các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.


Thầy giáo cựu TNLT Vũ Hùng sau 9 ngày tạm giữ đã nhận thêm giấy tạm giam hai tháng đưa con số những người trong nhóm Hội Anh Em Dân Chủ (Hôi AEDC) bị bắt lên đến tám người.

Điểm qua những thành viên trong Hội AEDC đã bị bắt từ Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự là cô Lê Thu Hà, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Trương Minh Đức, ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển đều bị chính quyền bắt giam.

Tiếp đến cô Trần Thị Xuân ở Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trung Trực ở Bố Trạch Quảng Bình, Nguyễn Văn Túc ở Thái Bình và bây giờ là thầy giáo Vũ Hùng. 

Trong số những người bị bắt có người bị tạm giam đến hai năm chưa đem ra xét xử như Ls Nguyễn Văn Đài, và có những lý do bị bắt rất ất ơ "gây rối trật tự công cộng" khi đang đi bộ một mình về nhà sau khi đi dự ngày thành lập Hội Giáo Chức CHu Văn An về như trường hợp thầy giáo Vũ Hùng.

Vậy Hôi AEDC là ai mà khiến chính quyền tỏ ra quan tâm đặc biệt đến như vậy?

Trong cuộc trò chuyện với Mai Hoa, nhà văn sống ở đất Cảng Hải Phòng, cựu TNLT Nguyễn Xuân Nghĩa, người được Hội Nhà văn Na Uy trao "Giải Tự Do Ngôn Luận 2014" nhìn nhận "Chính quyền Cộng sản họ rất sợ dân chúng tiếp nhận những tư tưởng mới của các thành viên Hội AEDC" bởi vì theo ông "càng có nhiều người thức tỉnh hiểu ra quyền lợi của họ và lên tiếng càng làm cho chính quyền nhà nước này lung lay, và càng lung lay nó càng sợ, và càng sợ thì nó cần dùng bạo lực để đàn áp."

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung trả lời trực tiếp của Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa Source: Supplied
Thưa nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, việc nhà giáo Vũ Hùng cựu TNLT một người rất ôn hòa gần như ít người biết đến ông cho đến khi ông bị bắt gây ngạc nhiên cho nhiều người, theo ông thì vì sao lại là Vũ Hùng?

- Cá nhân tôi, việc bắt nhà giáo Vũ Hùng, cũng như các anh chị em trong Hội Anh Em Dân Chủ [Hội AEDC] là khá đột ngột, cũng như đối với tất cả những nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền chống nước.

Đột ngột là như thế này, tại sao hội anh em dân chủ đã được thành lập từ năm 2013, có cương lĩnh rõ ràng, thành viên chú chốt cũng rõ ràng, tại sao họ lại bắt? Tại sao hồi đó không bắt mà mãi đến bây giờ, mà mãi đến bây giờ họ mới bắt? Đấy là một câu hỏi.

Cái việc bắt này nó nằm trong mục đích, chủ trương của nhà nước Cộng Sản và giới lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng Sản đang ngã dần về phía Trung Quốc. Vâng, đấy là cách họ biểu thị cho phía Trung Cộng biết rằng họ đang ngã về phía Trung Cộng.

Đối với thầy giáo Vũ Hùng thì càng bất ngờ hơn bởi vì như bà nói thì thầy giáo Vũ Hùng là một người rất ôn hòa, ôn hòa nhất trong tất cả các thành viên của Hội AEDC cũng như những nhà đấu tranh ôn hòa ở trong quốc nội.

Thầy ít nói. Thầy ít viết. Thầy chỉ nhiều suy nghĩ. Và cũng ít biểu lộ những suy nghĩ của mình cho công chúng biết. Chỉ một vài người, những anh em thật thân tín trong Hội AEDC cũng như ngoài hội là biết được những suy nghĩ của thầy.

Đặc biệt, thầy cũng ít khi tham gia những cuộc xuống đường, thí dụ như là phản đối chặt cây xanh, phản đối Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, vân vân ... thầy cũng ít khi, thực sự là như vậy.

Nhưng trong lòng thầy thì nung nấu cái gì đấy hầu như chỉ có những anh em tin cẩn thì được biết. Nhưng không phải vì lẽ đó mà an ninh nhà nước Cộng sản Việt Nam có lý do để bắt thầy. Thầy là người bị bắt gần như là sau cùng trong đợt khủng bố Hội AEDC.

Đặc biệt bắt như vậy là cực kỳ đột ngột, và bản thân chúng tôi cũng rất đột ngột, dư luận cũng rất đột ngột với một người như thầy, với một người thầy giáo hiền lành ôn hòa và có biểu hiện tình cảm như thầy.

Thưa bà tôi nghĩ rằng thầy giáo Vũ Hùng bị bắt cũng có một nguyên nhân để thầy giáo Vũ Hùng bị bắt là gì?

Thầy đã bị kết án ba năm tù và ba năm quản chế từ năm 2008 cho đến nay, và thầy luôn luôn luôn bị kiểm soát rất cao bởi an ninh chìm và nổi của chính nhà nước Cộng Sản.

Nhưng tư tưởng của thầy thì không bao giờ thay đổi. Thầy vẫn cứ tiếp tục đấu tranh bằng hình thức ôn hoà cho dân chủ nhân quyền của Việt Nam theo cách của thầy, và nhà nước Cộng Sản rất sợ. Nó sợ thầy ở chỗ là thầy im lặng. Thầy hầu như im lặng không biểu hiện cái gì cả.

Chính cái sự biểu hiện bằng im lặng của thầy đã làm cho an ninh nhà nước Cộng sản Việt Nam sợ. Nó bắt thì bằng cách nào? Thầy không nổi trội bằng những bài viết, những phát ngôn hay những lần phỏng vấn của các hãng thông tấn quốc tế như những người khác trong Hội AEDC, nhưng thầy đóng một vai trò quan trong Hội AEDC.

Mặc dù tất cả chúng ta đều biết rằng Hội AEDC hoạt động ôn hòa là và một tổ chức xã hội dân sự thế nhưng mà an ninh cộng sản Việt Nam nó không nghĩ thế. Nó lo sợ một cái gì đó ở Hội AEDC, và ngoài các người nó đã bắt ra thì chỉ còn thầy Vũ Hùng là nó chưa bắt và thế là nó bắt, vâng.
Nói đến hội anh em dân chủ đây là một nhóm hoạt động khá ôn hòa và phần lớn là những tiếng nói ở trong các cộng đồng nhỏ của họ, trong làng xóm láng giềng, trong những người quen biết. Họ là những người có uy tín bởi thái độ ôn hòa và có phải chăng vì vậy mà cộng sản chính quyền Việt Nam đã cố gắng dập tắt những tiếng nói ôn hòa và có uy tín tại ở những nơi làng quê khó tiếp cận với nguồn thông tin truyền thông thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng đúng như vậy. Qua những hành vi bắt bớ Hội AEDC, những thành viên Hội AEDC trong những vùng miền quê, cụ thể là Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình thì chúng ta sẽ thấy cách nghĩ và cách làm của an ninh Cộng Sản rằng họ rất sợ dân chúng tiếp nhận những cái tư tưởng mới của các thành viên Hội AEDC.

Những thành viên Hội AEDC ở những vùng quê ấy họ tiếp xúc với người dân rất là nhiều. Ở đấy làng quê chòm xóm đùm bọc lẫn nhau, san sẻ cho nhau từ một miếng cơm từ một manh áo cho đến tình cảm gia đình.

Và không loại trừ rằng Cộng Sản sợ hội anh em dân chủ vì những thành viên Hội AEDC cũng san sẻ cho những người dân những người đồng bào của mình cái tư tưởng mới.

Và như vậy nó cảm thấy nguy hại cho những người cộng sản và nó bắt. Chứ thực ra Hội AEDC từ cương lĩnh và mục tiêu đấu tranh của mình đều ôn hòa, đều ôn hòa, không như là cáo buộc của cơ quan an ninh là "lật đổ Chính Quyền Nhân Dân".

Nhưng tôi nghĩ rằng Cộng Sản nó sợ cái tương lai của nó. Nó sợ cái tương lai của nó. Nó sợ người dân nhận thức ra, thức tỉnh ra và đòi những quyền lợi dù chỉ là những quyền lợi dân sự thôi. Họ rất sợ. Và chính vì vậy họ bắt cái mầm đang ươm cho cái hiểu biết của dân chúng tại địa phương.

Việc nhà giáo Vũ Hùng bị bắt làm tôi nhớ đến nhà giáo Đào Quang Thực ở Hòa Bình bị bắt cũng là một người rất là hiền lành, một nhà giáo về hưu và có một tiếng nói uy tín đối với trong vùng, đối với học trò, có thể làm thay đổi nhận thức của những người xung quanh ông ta. Trước đó nữa một cô giáo Quảng Nam là cô Hạnh chỉ vì khuyến khích học trò tìm hiểu thông tin ở trên các trang mạng xã hội mà bị cho nghỉ việc, và trước đó nữa cô giáo Lam chỉ vì có bài thơ là 'Đất nước mình ngộ lắm… ' đã bị làm khó làm dễ. Ông có nhìn thấy một cái sự liên hệ nào không trong việc bắt bớ làm khó làm dễ những người trí thức mà có những nhận thức và cũng có tầm ảnh hưởng đối với những người tiếp cận họ về một nhận thức đúng đắn tình hình xã hội mà họ đang sống?

- Dạ vâng, trong các cuộc cách mạng nào cũng thế, đặc biệt là những cuộc cách mạng ôn hoà thì khi người trí thức thức tỉnh, lực lượng trí thức thức tỉnh càng đông thì càng dễ đi đến thắng lợi. Bởi vì tiếng nói của người trí thức cực kỳ quan trọng đối với dân chúng.

Ở Việt Nam ta cũng vậy thôi, Cộng Sản sợ nhất là trí thức. Ngay từ khi mới giành được chính quyền họ đã có cái tư tưởng, có những hành vi là bài trừ trí thức, tiêu diệt trí thức, từ những câu nói từ những hành vi của nhà cầm quyền. Không chỉ ở Việt Nam mà chủ nghĩa cộng sản từ Nga từ Trung Quốc, và Việt Nam đều như thế cả.

Sau một thời gian chính quyền ấy ổn định tạm yên ắng, tạm coi là như vậy, là bởi vì người dân phải lo cho cuộc sống sau cuộc chiến tranh gọi là giải phóng miền Nam chống Mỹ cứu nước, vân vân vân vân. Cho đến bây giờ người dân đã nhận thức ra xã hội Việt Nam là như thế nào và cần phải làm gì.
Chỉ một nhóm người nhận thức ra, như anh em hoạt động dân chủ nhân quyền chúng tôi mà chính quyền Cộng Sản đã sợ, đã cho an ninh canh giầm đàn áp bắt bớ tù đày, thì tôi tự hỏi là những người trí thức có vai trò quan trọng trong xã hội khi mà tiếng nói của họ đã có giá trị, họ cất lên họ phản biện thì có sức lôi cuốn của họ mạnh đến đâu? Sự thức tỉnh của họ đối với dân chúng nó tác động mạnh đến đâu? Và chính vì vậy nhà cầm quyền rất sợ trí thức thức tỉnh.

Cái việc bắt bớ những nhà giáo những người trí thức ở tận vùng sâu vùng xa nhưng Hòa Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, vân vân... từ bắt bớ cho đến khủng bố, đe dọa và mua chuộc cho chúng ta thấy rằng chính quyền Cộng Sản rất sợ trí thức. Và ngay bản thân các nhà hoạt động dân chủ các lực lượng dân chủ cũng rất cần trí thức.

Chúng ta cần trí thức bằng biện pháp lành mạnh, bằng những biện pháp cởi mở phù hợp với xu thế thời đại, hợp với pháp luật, nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản nó cần trí thức bằng cách đàn áp, bằng cách khủng bố, bằng cách đe dọa và triệt tiêu đường sống.

Thí dụ như rất nhiều tin tức bị tước mất bằng luật sư vân vân... và nhiều trí thức bị đuổi khỏi cái ngành mà họ đã được chính cái nhà nước này đào tạo, thì chúng ta có thể thấy rằng chính quyền cộng sản họ mưu mô, xảo quyệt, họ nhìn và họ lo xa như thế nào.

Tại sao họ lo xa? Bởi vì bản thân họ đã lo ngại về vị trí của họ rồi. Những vụ việc tham nhũng bị phanh phui ra gần đây, phong trào đấu tranh dân chủ của anh chị em ở trong nước, lực lượng trí thức càng ngày càng thức tỉnh và có nhiều người lên tiếng tham gia đã làm cho chính quyền nhà nước này nó lung lay, và càng lung lay nó càng sợ, và nó càng sợ thì nó cần dùng bạo lực để đàn áp.

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share