Thiếu ngủ sẽ khiến bạn... đói!

Phát hiện mình có vẻ mập ra, thích ăn ngọt và hay đói bụng thì hãy coi lại mình ngủ có đủ không? Cái gì cũng có nguyên nhân của nó và giấc ngủ là một trong những nguyên nhân chính đằng sau những chuyện này.

Giấc ngủ quan trọng với sức khỏe

Thiếu ngủ có thể làm tăng cân Source: Pexels

Ngủ không đủ, nằm lăn qua lăn lăn lại không chỉ làm bạn mệt nhoài vào sáng hôm sau mà còn khiến bạn mập lên hay đơn giản là khiến bạn khó ăn uống hơn.

Giấc ngủ ảnh hưởng đến việc ăn uống, cảm giác ngon miệng hay loại thực phẩm ăn vào, và ngược lại việc tiêu thụ loại thức ăn nào và cách ăn cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Nếu vế sau thì có nhiều người biết, thì vế đầu chẳng có mấy ai biết, và vấn đề là người ta ngày càng ngủ ít hơn và vì vậy tình hình chỉ càng thêm tệ.

Tiến sĩ Linda Schachter, Giám đốc Y khoa của tổ chức Sleep Service Australia giải thích: "Trung bình, theo như dữ liệu từ trước tới giờ ghi nhận được thì con người ngủ ít hơn một tiếng đồng hồ so với người của thế kỷ trước. Chúng ta ngày càng bận rộn hơn và thức nhiều hơn với những phương tiện kỹ thuật số, và có khuynh hướng coi thường giấc ngủ."

Carmel Harrington tác giả của The Sleep Diet nói rõ hơn "Cùng với việc tập thể dục và ăn uống đủ chất lành mạnh thì giấc ngủ mỗi tối là điều rất quan trọng, là yếu tố căn bản để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Các cuộc nghiên cứu về dân số cho thấy, người lớn cần ngủ từ 7-9giờ mỗi đêm."

Bạn ăn nhiều hơn và vận động ít hơn

Những lý do cho thấy giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với việc ổn định cân nặng cơ thể.

  • Mệt mỏi làm giảm hưng phấn - Khi bạn mệt thì sự tinh anh trong con người của bạn cũng xìu theo, nó làm cho bạn cảm thấy khó hơn để hình dung ra một bức tranh toàn cảnh và khó để mà cưỡng lại nhu cầu cần nghỉ ngơi. Một cuộc khảo sát vào năm 2015 về sự liên hệ giữa giấc ngủ và khả năng tự chủ cho thấy những giấc ngủ ngon có thể giúp một người "có nhiều khả năng hơn trong việc phải quyết định những chuyện khó khăn." 
  • Mệt khiến bạn ít có hứng thú muốn động tay động chân - Bạn có để ý là khi người bạn đầy năng lượng thì bạn có cảm giác người bạn nhẹ nhàng hơn, dễ dàng nhảy bậc cầu thang hoặc năng nổ khi đi shop đi phố chợ nhưng khi bạn mệt mỏi thì chỉ muốn lê cái thân về nhà và nằm vật ra giường không buồn đụng tay đụng chân thậm chí không buồn ăn.
  • Thiếu ngủ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hao năng lượng - Bởi vì khi không ngủ đủ thì cơ thể có khuynh hướng để dành năng lượng bằng cách làm giảm lại khả năng hoạt động của cơ thể. Và khi bạn được nghỉ ngơi đầy đầy như là vừa đi holiday về chẳng hạn thì người tràn đầy năng lượng.
  • Ngủ nhiều thì ăn ít - Đơn giản là vì thời gian ngủ tăng lên thì thời gian ăn ít lại. Nếu bạn có thói quen ăn vặt lúc nữa đêm và đang vật lộn tìm cách để bỏ thì lời khuyên là nên tập thói quen đi ngủ sớm để khỏi phải suy nghĩ chuyện ăn vặt.
Có lẽ điểm quan trọng nhất là không ngủ đủ giấc có thể làm cho chúng ta đói. Năng lượng bù đắp trong giấc ngủ bị thiếu hụt thì cơ thể bù lại bằng cảm giác thèm ăn.

Nhà báo chuyên về lĩnh vực khoa học và đồng thời cũng là người thực nghiệm Tiến sĩ Zoe Williams, của chương trình Hãy Tin Tôi, Tôi là Bác sĩ - Trust Me, I'm a Doctor của đài SBS (có thể xem trên SBS On Demand) đã có cuộc thử nghiệm cùng với những người bạn trong một nhà ở vùng nông thôn Kent. 

Mỗi tình nguyện viên đã trải qua một đêm của giấc ngủ yên tĩnh, và đêm sau là một giấc ngủ bị gián đoạn nhiều lần suốt đêm bằng tiếng khóc trẻ con được lập trình sẵn.

Cùng với việc nghiên cứu, thì các tình nguyện viên nhận thấy rằng khi họ ngủ không thẳng giấc, thì hôm sau họ có khuynh hướng ăn nhiều hơn, và ăn hay những thức ăn có nhiều kilojoule hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khi một người bị thiếu ngủ thì họ tiêu thụ thêm 1,600 calo mỗi ngày, tương đương với ba lát bánh mì. Vì vậy, để kiểm soát sự thèm ăn thì cần phải ngủ đủ là cần thiết.

Giấc ngủ và hormone

Bạn có biết rằng giấc ngủ giúp cho cơ thể tự điều chỉnh và ổn định lại các chức năng. 

Và một trong những chức năng rất quan trọng là việc điều tiết hormone thèm ăn. Những hormone thèm ăn đó là gì:

  • Ghrelin - Chức năng của hormone này là kích thích cảm giác đói và báo cho cơ thể biết là chúng ta cần ăn hay đến giờ phải ăn. Tuy nhiên khi thiếu ngủ thì lượng hormone Ghrelin tiết ra nhiều hơn bình thường và khiến người ta luôn cảm thấy muốn ăn cái gì đó.
  • Leptin - Loại hormone này thì ngược lại với Ghrelin. Leptin giúp khống chế cảm giác đói bụng thèm ăn một khi cơ thể đã ăn đủ. Khi thiếu ngủ thì cơ thể sản sinh ra ít chất leptin hơn và dẫn đến cơ thể càng ăn nhiều hơn, ăn no rồi mà vẫn muốn ăn nữa.
  • Cortisol - Khi cơ thể căng thẳng thì hormone cortisol tiết ra nhiều hơn bình thường và thường làm tăng cảm giác thèm ăn. Đó là lý do có một số người khi căng thẳng hay lo lắng thường hay ăn vặt và nhất là đồ ngọt. Cortisol cũng gia tăng khi cơ thể thiếu ngủ và đó có thể cũng là lý do khi mệt thì người ta dễ nổi quạo hơn.
Một loạt các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mất ngủ có thể dẫn đến tăng nồng độ ghrelin, giảm leptin và làm đậm đặc chất cortisol vào buổi tối, và các nghiên cứu này cũng khẳng định mối liên quan giữa việc thiếu ngủ và tăng nguy cơ béo phì. Vì vậy, bạn có thể thấy rằng giấc ngủ là chìa khóa để giữ một cơ thể khỏe mạnh và một cân nặng ổn định. Điều này không có nghĩa là bạn nên ngủ cả ngày. Tuy nhiên nếu bạn nghĩ rằng bạn đốt cháy quá nhiều năng lượng vào đêm khuya, thì việc ngủ bù lại một vài giờ sau đó mỗi đêm có thể giúp bạn cảm thấy ít đói hơn, ăn những thứ thức ăn hợp lý hơn, và việc ngủ bù cũng cung cấp cho bạn năng lượng để tham gia vào hoạt động thể chất nhiều hơn.

Trust Me I'm A Doctor starts Monday 27 February 7.30pm on SBS, then watch it on.

Share
Published 6 March 2017 1:04pm
Updated 12 August 2022 3:58pm
By Melanie McGrice, Mai Hoa

Share this with family and friends