Biến thể Delta có khiến trẻ em dễ bị nhiễm bệnh và gặp nguy hiểm hơn không?

A child plays in the rose gardens in New Farm Park in Brisbane

A child plays in the rose gardens in New Farm Park in Brisbane Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Đợt bùng phát COVID-19 mới nhất tại Queensland cho thấy nhiều trẻ em bị nhiễm virus hơn, với đường dây lây nhiễm liên quan đến một vài trường học. Đây cũng là một xu hướng dường như có thể thấy trên khắp thế giới. Nhưng điều này có phải là biến thể Delta dễ lây truyền trong trẻ em hay không, và nếu nhiều em chưa đủ điều kiện tiêm vaccine, thì chúng ta có thể làm gì để bảo vệ các em?


Khi COVID-19 lần đầu xuất hiện, một điều đáng mừng mà có thể khiến người ta bớt lo lắng phần nào đó là trẻ em, vì tỉ lệ trẻ em có nguy cơ bị nhiễm COVID nặng và tử vong thấp hơn so với các nhóm khác.

Tuy nhiên qua đợt bùng phát mới đây nhất tại Queensland, các học sinh đang đi học lại chiếm phần lớn các ca nhiễm, khiến một số người lo ngại rằng biến thể Delta có thể gây ra tỉ lệ lây nhiễm cao trong trẻ em.

Nhưng có phải sự hiển thị số ca nhiễm cao trong trẻ em đồng nghĩa với việc trẻ em gặp nguy cơ cao hơn với Delta hay không?

Thật ra thì không hẳn như vậy, Giáo sư Fiona Russell, Giám đốc chương trình Tiến sĩ về Sức khỏe Trẻ em và Vị thành niên tại trường Đại học Melbourne nói.

 Nghiên cứu đã chỉ ra lượng virus mà bạn có thể mắc phải với biến thể Delta nhiều khoảng một ngàn lần và như vậy nó dễ truyền nhiễm hơn cho bất kỳ người nào.

Còn Giáo sư Jodie McVernon Giám đốc Dịch tễ học tại Học Viện Doherty nói mặc dù lo lắng là lần này nhiều trẻ em bị lây nhiễm, nhưng thật ra nhóm người từ 20 đến 39 tuổi mới là đối tượng truyền bệnh chính.

Bà cho biết một phần nguyên nhân khiến trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn trong các ca dương tính ở nước ngoài là do nước đó đã khai triển chương trình tiêm chủng thành công với hầu hết người lớn.

Rõ ràng ở những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao, cũng như trường học là một trong những địa điểm công cộng tự do hơn nhiều chỗ khác, nên chúng ta đã thấy nhiều báo cáo về sự gia tăng sự đại diện trẻ em trong các ca bệnh, và chúng tôi  nhìn thấy điều này có thể xảy ra trong một bối cảnh như vậy.

Nhưng nếu trẻ em bị nhiễm coronavirus biến thể Delta, thì tác động lâu dài đến sức khoẻ các em sẽ như thế nào?

Các chuyên gia cho biết vẫn chưa có đủ dữ liệu để có thể xác định những điều kiện sức khoẻ hậu COVID lâu dài ở trẻ em.

Nhưng một vài dữ liệu từ nước ngoài đã nhắc đến điều này.

Giáo sư Fiona Russell nói ngay cả với biến thể Delta, thì hiếm khi trẻ em cần nhập viện hoặc tử vong do bị nhiễm, đặc biệt nếu các em không gặp bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào.

Nhìn vào số liệu của Anh và Mỹ, số ca nhập viện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và thanh niên đều tang lên, nhưng tỷ lệ nhập viện trong nhóm cao tuổi vẫn nhiều hơn gấp 3 lần so với nhóm trẻ tuổi.

Vậy cha mẹ cần chú ý điều gì?

Tiến sĩ Asha Bowen, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Perth và cũng là Trưởng khoa Vaccine và Bệnh truyền nhiễm tại Viện nghiên cứu Telethon Kids nói

Sốt và viêm họng dường như vẫn là những triệu chứng nổi trội đối với tất cả mọi người bị  mắc COVID, nhưng tôi nghĩ ở trẻ em có thể nhiều khả năng bị sổ mũi và đau đầu hơn, đây cũng là kết luận của một số nghiên cứu dịch tễ học được thực hiện ở nước ngoài.

 Bà nói suy nghĩ về nguy cơ lây nhiễm cần phải được cân bằng với tình trạng sức khỏe nói chung của trẻ em.

Chúng tôi biết rằng học online không có hiệu quả đối với trẻ nhỏ, nhất và với các em có hoàn cảnh sống bất lợi, thì khi đó trường học cũng là một biện pháp an toàn, bởi vì các em có thể truy cập tất cả các tài liệu mà các em cần học, đóng cửa trường học chính là một rủi ro lớn lao đối với kết quả giáo dục nói chung, bởi vì mỗi ngày học đều quan trọng. vậy cần phải cân bằng giữa nỗ lực kiểm soát sự lây truyền của virus và nhu cầu học tại trường, nhu cầu phải để cho trường học mở cửa.

Giáo sư Fiona Russell cũng đồng ý.

Nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên nhiều đến mức không có đủ bác sĩ tâm lý để khám bệnh ở khắp nơi, và nhiều dịch vụ vì vậy không thể tiếp nhận cuộc hẹn. Năm nay cũng không có tin gì phấn khởi hơn cho những đứa trẻ này bởi vì càng có thêm sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần ở nhóm dân số trẻ tuổi. Vì vậy, gia đình các em thường đưa ngay lập tức đến khoa cấp cứu vì họ không thể đặt được lịch hẹn từ các bác sĩ. Và vì vậy hiện nay chúng ta đang có một đại dịch sức khoẻ tâm thần thầm lặng.

Tiến sĩ Asha Bowen nói một cách có thể ngăn chặn việc đóng cửa trường học đó là một kế hoạch giảm thiểu nguy cơ nhiều mức độ.

 Kế hoạch có thể hoạt động giống như một hệ thống đèn giao thông, tùy theo mức độ lây nhiễm như thế nào trong cộng đồng xung quanh.

Khi ở mức độ dịch bệnh đang hiện diện, thì các quy trình giảm thiểu nguy cơ thực sự quan trọng nhằm cắt giảm số lượng người lớn trong khuôn viên trường, giảm tối thiểu mức độ tiếp xúc giữa mọi người, giữ khoảng cách trong giao tiếp, sử dụng khẩu trang phù hợp theo độ tuổi, chủ yếu là học sinh trung học, bên cạnh đó vệ sinh tay và rửa tay phải là hoạt động bắt buộc thường xuyên. Tất cả mọi người phải kiểm tra triệu chứng và ở nhà nếu họ có bất kỳ triệu chứng nào có thể có liên quan đến các bệnh hô hấp. Những điều này là chiến lược quan trọng, và sau đó tôi còn suy nghĩ về việc các lớp học cần được thông gió, liệu có cách nào khác để khiến cho cửa sổ luôn luôn mở, hoặc thay đổi các biện pháp lọc khí.

Tiến sĩ Bowen nói các giáo viên và nhân viên của trường học cũng nên được ưu tiên tiêm chủng.

Giáo sư Fiona Russell đồng ý.

Chúng ta phải có kế hoạch. Chúng ta không thể cứ đóng cửa trường học mãi được. Loại virus này sẽ tồn tại mãi mãi. Nó sẽ không biến mất, mặc dù chúng ta hy vọng có thể chích ngừa cho 70 đến 80% dân số, hy vọng chúng ta sẽ làm được, nhưng ngay cả như vậy thì virus vẫn tiếp tục lưu truyền, và vì vậy chúng ta phải chuẩn bị cho các trường học ngay từ bây giờ.

Vậy việc chích ngừa cho trẻ em thì sao?

Cho đến nay, Cơ quan Quản lý Dược phẩm TGA chỉ chấp thuận vaccine Pfizer có thể tiêm cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi.

Và chỉ những trẻ em bị các tình trạng sức khoẻ tiềm ẩn như hen suyễn hoặc động kinh nặng, bị suy giảm miễn dịch, trẻ em Thổ dân hoặc trẻ em sống trong các cộng đồng xa xôi mới có đủ điều kiện theo giai đoạn 1b của việc triển khai tiêm chủng.

Đối với những trẻ em nhỏ hơn 12 tuổi, Giáo sư Fiona Russell nói:

Chúng ta chưa có vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Vaccine vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Chúng tôi cần phải biết những rủi ro và lợi ích của chúng là gì, vì vậy sẽ còn rất lâu nữa.

Trưởng ban Y tế của Úc, Giáo sư Paul Kelly, nói chiến lược hiện tại là chích ngừa cho những trẻ em có nguy cơ cao nhất, nhưng chiến lược này có thể thay đổi trong thời gian tới.

Nhưng Giáo sư Jodie McVernon nói ngay bây giờ, thì mô hình cho thấy rằng chích ngừa cho tất cả trẻ em ở Úc từ 12 đến 15 tuổi không phải là phương cách hiệu quả để giảm bớt sự lây truyền.

 Bà nói trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn khi cha mẹ chúng được chích ngừa. và nhóm người từ 20 đến 39 tuổi là những người lây lan coronavirus lớn nhất hiện nay.

 Giáo sư Fiona Russell cũng cho biết chiến lược này được ủng hộ bởi kết qủa các nghiên cứu về Pfizer tại Israel và AstraZeneca tại Anh.

Để biết các biện pháp hỗ trợ và sức khỏe hiện đang được áp dụng nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 bằng tiếng việt, xin bạn hãy truy cập sbs.com.au/coronavirus

Share