Ký ức tháng Tư: Chuyện tình An Lộc - Trận chiến

Battle of An Loc

Xe tăng T54 của quân Bắc Việt bị bắn hạ tại An Lộc

Trong loạt bài Ký Ức Tháng Tư kỷ niệm 49 năm Tháng Tư Đen, một cột mốc đau thương trong lịch sử Việt Nam, chúng tôi sẽ đem đến cho quý vị những câu chuyện được thuật lại từ các nhân chứng sống. Chuyện Tình An Lộc phần 1 nói về trận chiến 93 ngày đêm khốc liệt tại An Lộc vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, là nơi bị bao vây kéo dài nhất và nằm trong số 10 cuộc chiến đẫm máu nhất trong cuộc chiến Việt Nam.


Chuyện Tình An Lộc là tên một bài hát mà Hạ sĩ Biệt Động Quân Nguyễn Thành Bửu viết tặng cho Hạ sĩ Lê Văn Tươi – người bạn cùng binh chủng mà anh Bửu mới quen khi đóng quân ở An Lộc vào nữa cuối năm 1972. Hạ sĩ Tươi là một ‘con bà phước’, như anh tự giới thiệu về mình, khi anh nhờ anh Bửu làm đại diện đàn trai đi hỏi vợ cho anh. Trong một phiên gác đụng độ với một nhóm 20 Cộng quân, anh Lê Văn Tươi đã hy sinh sau khi đánh chặn cho đồng đội thoát.

Mặt trận An Lộc được bắt đầu bằng cuộc tấn công của Cộng quân Bắc Việt vào quận lỵ Lộc Ninh, cách An Lộc khoản 25 cây số, đêm 04 rạng 05 tháng 04 năm 1972 với tương quan lực lượng giữa quân VNCH và Việt Cộng là 1 chống 5. Sau 48 giờ giao tranh thì Lộc Ninh thất thủ. Trong cuốn After Action Report “The Battle of Loc Ninh” của Thiếu Tá Mark Smith - cố vấn của Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tại Lộc Ninh năm 1972 - nhận định đây là lần đầu tiên phía bên kia sử dụng chiến thuật biển người ở miền Nam như cách họ thực hiện ở Điện Biên Phủ, và đưa xe thiết giáo vào chiến trường Đông Nam bộ. Không ít binh sĩ vả kể cả cấp chỉ huy VNCH bị mất tinh thần khi thấy xe tăng của quân Bắc Việt tại một nơi mà theo lý thuyết các chiến xa này không thể đến được. Cũng theo ông Smith, bên kia đã cho xây dựng cả một con lộ ngầm dưới mặt nước của một con suối, ăn thông ngang qua rừng từ Lộc Ninh về biên giới Miên để chuyển vận quân trang. Chính con lộ ngầm này, đã được dùng để di chuyển các chiến lợi phẩm và tù binh Việt Mỹ xuyên qua Miên sau trận đánh.

Sau khi chiếm Lộc Ninh và dùng đây làm bàn đạp và căn cứ địa, Cộng Quân Bắc Việt dồn lực để nhổ An Lộc dọn đường đánh thẳng vào Sài Gòn, thủ đô VNCH.

Thông tin trên Trang Quân Đội Nhân Dân Việt Nam cho biết tham gia vào trận An Lộc quân Cộng Sản Bắc Việt huy động 3 Sư đoàn chủ lực 5, 7, và Sư đoàn 9, Sư đoàn 324 còn gọi là Đoàn Bình Long; 3 trung đoàn bộ binh độc lập gồm 24, 71, 205; 3 trung đoàn bộ binh địa phương gồm 4, 16, 33; Trung đoàn đặc công 429; Trung đoàn 42 và Tiểu đoàn 28 thuộc Đoàn pháo binh 75; 2 tiểu đoàn xe tăng và xe “bọc thép”; 4 tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy cao xạ. Đây là những tên gọi của quân Bắc Việt họ gọi quân lực của họ. Tổng cộng quân số khoản 36 000 người.

Nhật Ký Hành Quân của Quân Đoàn 3/Quân Khu III về trận chiến An Lộc năm 1972 mô tả, bên phía Việt Nam Cộng Hoà có Sư đoàn 5 Bộ Binh do Tướng Lê Văn Hưng chỉ huy gồm 6 Tiểu Đoàn và 1 Đại Đội Trinh Sát tổng cộng khoảng 3, 500 tay súng quân chủ lực, và khoảng gần 700 quân thuộc lực lượng của Tiểu Khu Bình Long. Tương quan lực lượng đôi bên tại An Lộc là 1 chống 8.

Thị trấn An Lộc 20 000 dân trong 4 cây số vuông hoàn toàn bị cô lập và bao vây. An Lộc đã biến thành “địa ngục trần gian”.

Share