Mái ấm gia đình: Chăm sóc bản thân để an nhiên từ tuổi trung niên

Still0601_00000.jpg

Đi ngắm cảnh đẹp, ngắm hoa nở, nghe chim hót giúp tinh thần thư thái hơn. Source: FB Sydney Di Ha

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Người xưa có câu ‘con chăm cha không bằng bà chăm ông’. Nhưng nếu cha mẹ tuổi trung niên mà không có bạn đời và con cái cũng không ở bên cạnh thì nên chăm sóc bản thân như thế nào để được khỏe mạnh và an nhiên?


Thông thường khi con tới tuổi trưởng thành muốn ra ở riêng và sống tự lập thì hầu như cha mẹ đơn thân cũng bước vào tuổi trung niên, độ tuổi được xem là giai đoạn khủng hoảng thứ hai của cuộc đời.

Ở giai đoạn này, những thay đổi về hormone, thay đổi về tâm sinh lý, và một số bệnh tật thường bắt đầu phát sinh như mất ngủ, tiểu đường, cao huyết áp, thoái hóa khớp, loãng xương, đau cơ xương khớp... và cả trầm cảm nữa.

Trong giai đoạn này nếu được người thân hiểu và chăm sóc thì rất tốt, nhưng thật không may vì cha mẹ tuổi trung niên ít khi được hiểu và được quan tâm chăm sóc đúng mức.

Riêng đối với cha mẹ đơn thân, đặc biệt là phụ nữ, ở tuổi này rất cần bờ vai để nương tựa, vì vậy sẽ rất khó khăn khi họ phải đứng một mình.

Làm thế nào để đứng vững được, vẫn khỏe mạnh, vẫn giữ được phong độ, là chỗ dựa cho chính mình cũng như cho những người xung quanh? Đó là điều không hề dễ dàng. Nhưng nếu biết cách thì cũng không quá khó để vượt qua.

Đầu tiên là phải duy trì sức khỏe về mặt tinh thần

Việc lọc bỏ những suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp bản thân sáng sủa hơn, tỉnh táo hơn để giải quyết các công việc của mình. Vì vậy hãy vui với bản thân, hãy tìm những suy nghĩ tích cực mỗi ngày.
Mình phải biết gạn lọc các suy nghĩ. Mỗi buổi sáng thức dậy, soi mình trước gương, một ngày mới bắt đầu, mình phải tự mỉm cười với bản thân, bỏ qua một bên tất cả những suy nghĩ tiêu cực và không cần thiết, những khó khăn thì hãy xem đó là công việc cần giải quyết trong tuần, trong tháng hoặc trong năm, chứ đừng xem đó là một điều bất hạnh khiến mình không vượt qua được.
Chị Thu Hà
Ăn uống lành mạnh đủ chất và ngủ đủ giấc

Về chế độ ăn, độ tuổi trung niên nên ăn theo chế độ lành mạnh, với lượng thức ăn vừa phải nhưng bảo đảm đủ dinh dưỡng.

Đặc biệt cha mẹ lớn tuổi không ở cùng con cháu có thể ăn uống thanh đạm hơn, ít ăn đường và dầu mỡ hơn so với khi ăn chung các bữa ăn mà giới trẻ ưa thích.

Về giấc ngủ, đối với những người làm công việc theo ca hoặc phải trực đêm và khó có được giấc ngủ đều đặn đúng giờ, thì hãy cố gắng ngủ thật sâu mỗi khi có thời gian, hãy nằm thư giãn và tránh suy nghĩ nhiều để có thể nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
chi Ha 3.jpg
Lọc bỏ những suy nghĩ tiêu cực sẽ giúp giải quyết tốt hơn các công việc của mình. Source: FB Sydney Di Ha
Tập thể dục để có giấc ngủ ngon

Để có giấc ngủ ngon là điều không hề dễ dàng, nhưng có thể tìm một số cách phối hợp để cải thiện giấc ngủ, chẳng hạn dụ như tập yoga.

Khi tập yoga có những giây phút ngồi thiền, thư giãn, toàn bộ cơ thể thả lỏng, các cơ xương khớp được thả lỏng sau khi vận động co giãn, điều đó giúp dễ ngủ sâu hơn. Một số động tác yoga thực sự giúp chúng ta có giấc ngủ tốt hơn.

Tập yoga cũng giúp xây dựng khả năng di chuyển tốt và khả năng giữ thăng bằng để phòng ngừa té ngã ở người lớn tuổi. Yoga giúp đẹp về hình thức thể chất, duy trì phục hồi giấc ngủ, tránh té ngã...

Bên cạnh đó, việc mát-xa chân, tắm nước nóng, những hoạt động thể chất như đi dã ngoại, bơi lội, thể dục thể thao... cũng góp phần làm cho giấc ngủ ngon hơn, từ đó sức khỏe tuổi trung niên cũng tốt hơn.

Bơi lội thường xuyên vào tất cả các mùa trong năm

Bơi lội là hoạt động rất tốt với tuổi trung niên và tuổi già. Bơi lội tăng cường cơ bắp, giúp người tập luôn có sự dẻo dai cần thiết khi hoạt động và làm việc, giúp tránh được tình trạng đau khớp.

Người lớn tuổi chỉ cần bơi chậm và ngắn, nhưng nên tập thường xuyên. Bơi lội cũng giúp duy trì huyết áp ở mức ổn định và giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Tham gia các nhóm hoạt động

Cha mẹ tuổi trung niên có thể tham gia các nhóm hoạt động như đi bộ, đạp xe, leo núi...

Đi ngắm cảnh đẹp, ngắm hoa nở, nghe chim hót... giúp tinh thần sảng khoái hơn, và cũng khiến mình không có thời gian để buồn phiền.
Bên cạnh đó, có thể tham gia các câu lạc bộ đọc truyện và giao lưu chia sẻ những suy nghĩ của mình về nội dung đã đọc, hoạt động này rất tốt cho sức khỏe tinh thần.

chi Ha 5.jpg
Leo núi giúp nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Source: FB Sydney Di Ha
Ngoài ra, các hoạt động tập hát, tập chơi đàn, vẽ tranh... giúp làm giảm nguy cơ bệnh mất trí nhớ, rất tốt cho người lớn tuổi.

Hát cũng là một dạng tập thể dục hít thở rất tốt cho sự trao đổi khí ra vào phổi. Hoạt động hát được cho là giúp tạo ra chất endorphin khiến người hát cảm thấy vui vẻ và cải thiện tâm trạng. Cần lưu ý khi hát đừng chọn những bài buồn bã ủ rũ quá, thay vào đó hãy chọn bài hát mang đến cảm xúc vui vẻ, tích cực.

Nhiều nghiên cứu xác định rằng âm nhạc không chỉ giúp người cao tuổi cảm thấy thư giãn và còn giúp họ chống lại bệnh tật và giúp trí óc minh mẫn hơn.

Việc chơi đàn, cụ thể như đàn piano, giúp mười ngón tay linh hoạt hơn, rất tốt cho người phục hồi sau tai biến mạch máu não.

Việc phối hợp giữa hai tay, chân giữ nhịp và mắt quan sát sẽ giúp người lớn tuổi nhanh nhẹn, khéo léo hơn.

Ngoài ra, hoạt động vẽ tranh cũng mang lại nhiều lợi ích cho tuổi trung niên, giúp thư giãn, cải thiện trí nhớ.

Lập kế hoạch ngắn hạn thay vì dài hạn

Từ tuổi trung niên, các kế hoạch ngắn hạn thường dễ thực hiện hơn, với các hoạt động theo sở thích của bản thân như du lịch, thăm bạn bè, thực hiện các ước mơ gần nhất của mình.

Nội dung bài viết dựa theo ý kiến của khách mời trong chương trình Mái ấm gia đình là Bác sĩ Thu Hà ở Sydney.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe toàn bộ cuộc trò chuyện với khách mời.

Share