Mái ấm gia đình: 'Chồng tôi chi tiêu không tiếc cho cha mẹ chồng, nhưng ki bo với nhà vợ'

Family fight

Khi nào thì những cãi nhau, xung đột, mâu thuẫn về tài chính trở thành vấn đề đáng báo động? Source: iStockphoto

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Vấn đề chi tiêu hay gây xích mích nhất trong hôn nhân là các khoản chi cho gia đình riêng. Một người vợ ở Sydney từng chia sẻ rằng cô cảm thấy uất ức khi chồng của mình mua gì cho cha mẹ chồng của mình cũng không tiếc, cho dù đó là cái ghế massage 5-6 ngàn đô, gửi tiền cho mẹ chồng sửa cái nhà tắm, nhưng khi vợ mua chút thuốc bổ cho mẹ ruột thì lại hỏi tới hỏi lui...


Tuần trước, tiến sĩ Cường Lã chia sẻ các . Trong phần tiếp theo, mời quý vị tìm hiểu về các khoản chi cho gia đình riêng và những dấu hiệu cho thấy căng thẳng về tài chính đang ở mức báo động.

Quà cáp, biếu xén cho cha mẹ, phải làm sao?

Tiến sĩ Cường Lã chia sẻ trong văn hóa Việt, theo truyền thống, sau khi người phụ nữ kết hôn là cần toàn tâm, toàn ý với gia đình nhà chồng – con gái là con người ta. Nên nếu như người phụ nữ không vun vén cho nhà chồng thường bị chồng và gia đình chồng lên tiếng phản đối.

Thời thế đã thay đổi, nhiều người phụ nữ cũng ra ngoài kiếm tiền như nam giới, nhưng những quan niệm kể trên vẫn khá phổ biến, nhất là các gia đình miền Bắc, Trung còn giữ nền nếp cũ. Với mong đợi văn hóa như vậy, đôi khi tạo áp lực cho những cặp đôi khi phải chi tiêu làm sao để không bị gia đình chồng lời ra tiếng vào.
Cuong La.jpg
Tiến sĩ Cường Lã chia sẻ các nguyên tắc tài chính quan trọng trong hôn nhân.
Một ý nữa là làm người con trai, nhất là con trai cả, việc báo hiếu cha mẹ được kỳ vọng, đôi khi cũng gây áp lực tài chính cho người con trai. Chưa kể việc có con đi nước ngoài cũng gây nên cũng ảo tưởng ở gia đình là chúng nó đi nước ngoài chắc hẳn giàu có, đời sống vương giả hơn trong nước.

Rồi một số cha mẹ mỗi dịp con về thường nói xa nói gần "thằng ba, thằng tư, con nhà ông bảy, bà tám cũng đi nước ngoài mà cha mẹ nó nở mày nở mặt với thiên hạ. Nào là nó xây nhà, sắm sửa cho cha mẹ chẳng thiếu thứ gì." Cứ mỗi dịp tết đọc báo trong nước ta thấy cả dòng họ kéo lên sân bay Tân Sơn Nhất ngồi hàng dài chờ đón thân nhân. Vì sao? Vì họ mong cầu được cho tiền, cho bạc. Đó cũng là gánh nặng cho nhiều cánh đàn ông.

Vậy bài toán này cần hóa giải ra sao? Trở lại nguyên tắc số 1, giao tiếp cởi mở, nói cho người kia biết những khoản cần chi tiêu cho hai bên gia đình. Hai bên thương lượng với nhau sao cho cả hai đều vui vẻ.
Cách chi tiêu của một số gia đình phương Tây có thể tham khảo. Khoản chi tiêu chung cho gia đình hai bên đóng góp vào tài khoản chung dựa trên khả năng thu nhập. Phần còn lại cả vợ hoặc chồng giữ lại chi tiêu cho riêng mình. Việc chồng hoặc vợ muốn giúp đỡ ai bên gia đình mình không cần thiết phải hỏi xin ý kiến đối phương.
Tất nhiên là không phải phụ nữ Việt Nam nào cũng có cơ hội kiếm tiền như chồng. Nhiều chị còn phụ thuộc vào chồng. Điều này đòi hỏi sự khéo léo, tế nhị trong lúc thương lượng sao cho hai bên đồng thuận.

Khi nào thì những mâu thuẫn về tài chính trở thành vấn đề đáng báo động?

Các cặp đôi nên rà soát lại những dấu hiệu liên quan tới tiền bạc sau đây. Nếu như quý vị gặp phải một trong những vấn đề rắc rối kể dưới đây thì cần phải có giải pháp.

Nợ: nếu một người đang nợ nần có thể gây áp lực lên cả người phối ngẫu của mình và có thể tạo ra cảm giác họ phải có trách nhiệm cùng trả nợ khoản nợ của người kia.

Thói quen chi tiêu: một người chi tiêu rộng rãi, trong khi một người thì chắt bóp cũng dễ dẫn tới phản kháng, tranh cãi tiêu cực. Ví dụ một người tự ý chi một khoản lớn vào những thứ không cần thiết cho cuộc sống (games, hột soàn, đồ nữ trang, điện tử…) mà không có ý kiến người kia.

Chênh lệch thu nhập: nếu một trong hai người kiếm được nhiều tiền hơn đối phương tạo ra cảm giác ghen tị, chán nản, thậm chí thù ghét, hận người kia, nhất là khi đối phương không đóng góp tương xứng trong chi tiêu của gia đình.

Khoản tiết kiệm và đầu tư: bất đồng quan điểm về số tiền cần tiết kiệm, đầu tư vào đâu, dành dụm tiền hưu trí ra sao.

Khoản tiền bí mật: che dấu thông tin về tiền bạc như là những khoản tiền giấu diếm trong nhà băng, hoặc khoản nợ không công bố, tất cả sẽ bào mòn niềm tin và dẫn tới rạn nứt hôn nhân.

Mục tiêu tài chính khác nhau: Một người dành tiền mua nhà, trong khi người kia muốn đi du lịch, chi tiêu vào hàng xa xỉ phẩm

Những mục chi lớn bất thường như là hóa đơn về chạy chữa y tế, sửa xe đôi khi cũng gây bất hòa.
family
Vợ chồng cần có sự thông cảm và đồng thuận về chi tiêu. Credit: Pexels
Khi có những mâu thuẫn như trên xảy ra, hai bên cần trở lại nguyên tắc nói trên – đó là phải trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Cần phải thảo luận về những mối bận tâm của mỗi bên. Cần lắng nghe không phán xét.

Tiếp đến là lập kế hoạch tài chính để cả hai bên đều rõ ràng về tình huống gặp phải và hai bên phải cam kết đưa ra những quyết định có sự tham vấn và đồng ý của người kia trong những chi tiêu và tiết kiệm.

Tìm tới sự giúp đỡ của chuyên gia tài chính hoặc tham vấn hôn nhân gia đình. Những chuyên gia này họ xem xét trường hợp cụ thể của các cặp đôi và đưa ra lời khuyên xác đáng. 
Thực hành minh bạch tài chính: cả hai nên tập chia sẻ những khoản tiền mình cất giữ, những khoản nợ đang gánh, thu nhập, tài sản. Điều này giúp củng cố lấy lại niềm tin và tránh xung đột trong tương lai.

Một số khía cạnh mà hai vợ chồng nên thảo luận về tiền bạc

Tổng thu nhập: đầu tiên là liệt kê ra tổng thể các nguồn thu: bao gồm lương của hai vợ chồng, khoản đầu tư, và những khoản thu nhập bất thường.

Tổng chi tiêu: liệt kê chi tiêu thường xuyên cho gia đình: morgage tiền nhà hoặc tiền thuê rent, hóa đơn sinh hoạt, bảo hiểm, thức ăn, đi lại, các khoản thông thường (tiền học của con, tiền các hoạt động của con, du lịch) - càng chi tiết càng tốt, kể cả khoản nhỏ nhất.

Liệt kê các khoản nợ: nợ thẻ tín dụng, tiền vay chính phủ học sv, nợ xe, điện thoại, nợ bà con cô bác. Sau đó lên kế hoạch trả nợ, ưu tiên những khoản nợ có lãi cao nhất để trả trước.

Chiến lược tiết kiệm: hai vợ chồng thống nhất mỗi tháng cần tiết kiệm bao nhiêu trong đó có cả dự trù chi tiêu khẩn cấp, tiết kiệm tương lai (về hưu, cưới hỏi, ma chay).

Chiến lược đầu tư:  dựa trên mục tiêu đề ra và khả năng chấp nhận rủi ro đến đâu của hai vợ chồng: đầu tư chứng khoán, quỹ tín thác, hoặc đầu tư phương tiện đi lại…

Lên khung hình/lắp ghép bức tranh tài chính chính tổng thể của gia đình, lập ngân sách: khi đã có hiểu biết về tổng thu, tổng chi, tổng nợ, số cần phải tiết kiệm và các khoản đầu tư, hai vợ chồng nên có bản kế hoạch mục tiêu và thứ tự ưu tiên tài chính theo từng tháng. Bức tranh ngân sách này nên thực tế, có chút mềm dẻo đề phòng những bất trắc xảy ra cần chi tiêu

Xem xét và điều chỉnh: sau mỗi tháng hai vợ chồng ngồi xuống rà soát lại xem chi tiêu tháng vừa qua có hợp lý không? Có gì cần phải điều chỉnh, cân đối dựa trên những thay đổi về thu nhập, chi tiêu, về mục tiêu tài chính.
Mời quý thính giả nhấn vào audio để nghe bài phỏng vấn.
Đôi dòng về khách mời

Tiến sĩ Cường Lã là chuyên gia về Sức khỏe Cộng đồng, anh hiện đang làm Cố vấn về Chính sách và Nghiên cứu tại Hiệp hội Sức khỏe Tâm linh Úc (Spiritual Health Association).

Anh có nhiều nghiên cứu học thuật, chính sách về sức khỏe và phát triển cộng đồng.

Podcast  trên Spotify chia sẻ những góc nhìn, chiêm nghiệm cá nhân về đời sống hằng ngày dựa trên những trải nghiệm phong phú của anh.

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện với khách mời trong Audio.
Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ 

Share