Mái ấm gia đình: Ai kiếm nhiều tiền hơn thì cán cân quyền lực trong nhà sẽ cao hơn?

Cuong La.jpg

Tiến sĩ Cường Lã chia sẻ các nguyên tắc tài chính quan trọng trong hôn nhân.

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Không phải vợ chồng nào cũng có được sự thông thái về thu chi ngang nhau, nhiều người bước vào hôn nhân với các khoản nợ riêng, sự thiếu minh bạch về tài chính, giấu giếm thu nhập để lập 'quỹ đen', chênh lệch về tiền lương là một vài nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt hôn nhân...


Con đường dẫn đến bất đồng về tiền bạc

Tiền bạc là một trong những vấn đề gây ra mâu thuẫn thường xuyên nhất với các cặp vợ chồng.

Theo tiến sĩ Cường Lã, chuyên gia về sức khỏe và cố vấn chính sách cộng đồng, mâu thuẫn về tài chính trong hôn nhân xuất phát từ 5 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là sự khác biệt trong ưu tiên tài chính. Chẳng hạn một người ưu tiên dành tiền tiết kiệm cho các khoản chi trong tương lai, còn người kia lại muốn tiêu vào những trải nghiệm (ăn uống, mua sắm, du lịch) ngay và luôn. Điều này dẫn tới xung đột trong ưu tiên chi tiêu, dành dụm, tạo ra căng thẳng và mâu thuẫn.

Thứ hai là đóng góp tiền bạc vào gia đình khác nhau. Người kiếm nhiều hơn đôi khi tự cho mình quyền được tiêu nhiều hơn người kia. Ngược lại, người kiếm ít lại tiêu nhiều hơn số họ kiếm được..

Thứ ba là nợ nần. Một trong hai người đang ôm nợ sẽ gây phiền toái, áp lực lên người còn lại và cả các thành viên trong gia đình. Chưa kể hai bên không thống nhất cách trả nợ ra sao dễ dẫn tới cãi cọ, bất hòa.

Thứ tư là tài sản được thừa kế và tài sản di chúc để lại, đôi khi không thống nhất được.

Thứ năm là tình trạng thất nghiệp dẫn tới kinh tế gia đình eo hẹp, dẫn tới mâu thuẫn trong chi tiêu, quản lý tiền bạc.
Pay rise coming for low paid workers
Quan điểm ai kiếm được nhiều tiền hơn thì có quyền áp đặt chi tiêu thường thấy trong nhiều gia đình. Source: Getty / Getty Images/Asadanz

Nguyên tắc về tiền bạc trong hôn nhân

Có 6 nguyên tắc chính: giao tiếp, minh bạch, có kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm, thương lượng, kế hoạch cho tương lai, tránh sa vào nợ nần.

Giao tiếp

Trao đổi cởi mở về tiền bạc cần là nền tảng quan trọng của bất cứ mối quan hệ nào.

-Ngồi xuống hoạch định về những kế hoạch tài chính bao gồm: mục tiêu phấn đấu kiếm tiền ra sao; có những lo lắng gì về tiền bạc, về nhu cầu phải chi tiêu, giúp đỡ, phải tích lũy, đầu tư.

-Ưu tiên nào về tài chính cần phải đưa lên hàng đầu (chi tiêu hằng ngày, mua nhà, xe, đầu tư giáo dục, y tế, giúp đỡ gia đình hai bên, mua sắm quần áo, tiết kiệm, du lịch...), khoản mục chi tiêu nào chưa cần thiết ngay có thể thương lượng lùi thứ tự ưu tiên.
Từ đó lên kế hoạch cụ thể các bước cần tiến hành giúp đạt mục tiêu phấn đấu. Ví dụ cần kiếm việc lương cao hơn, đầu tư học thêm kỹ năng mới...
Minh Bạch

Tính minh bạch cần phải được thỏa thuận và tôn trọng, trong đó bao gồm hoàn cảnh về tài chính của mỗi người: các khoản nợ, tiết kiệm, thói quen chi tiêu.

Chỉ khi chúng ta thành thật và trao đổi một cách song phẳng với nhau mới giúp gây dựng long tin và ngăn chặn những bất đồng hoặc những bất ngờ về sau này.

 Có kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cụ thể

Việc tạo ra một bảng kế hoạch chi tiêu của gia đình và cố gắng thực hiện đúng, không đi quá xa với những gì đề ra là rất cần thiết.

Điểm cốt lõi là cả hai vợ chồng đều phải thống nhất và cùng quan điểm về những khoản nên chi và số tiền cần tiết kiệm, tích lũy.

Chi tiêu đúng dự kiến, kế hoạch sẽ giúp phát hiện ra những khoản chi tiêu hợp lý, chỗ nào có thể thêm bớt để điều chỉnh hướng tới đạt mục tiêu ban đầu đề ra như đã nói trong nguyên tắc số 1.

Thương lượng

Đứng trước những quyết định tài chính, cả hai phải thoải mái, tạo điều kiện cho đối phương và cho mình cùng nhau thương lượng.

Tất nhiên là đôi khi một trong hai người có những quan điểm và ưu tiên khác nhau về cách quản lý tiền bạc, vì vậy tìm được tiếng nói chung làm vui lòng cả hai bên là điều tối quan trọng. 

Khoản tiết kiệm cho tương lai

Hai vợ chồng nên có kế hoạch và hành động cụ thể để dành tiền cho những khoản phát sinh trong tương lai ví dụ như về hưu, dưỡng lão, tiền chôn cất, khoản chi tiêu khẩn cấp (đau ốm, ma chay, cưới hỏi, tai nạn, thất nghiệp). Điều này giúp yên tâm và đạt được an toàn về tài chính tránh rủi ro.

Tránh vướng vào nợ nần

Nợ mà quá cao, vượt khả năng chi trả là một trong những nguyên nhân chính của căng thẳng và gây áp lực lên mối quan hệ vợ chồng.

Vậy nên cần phải thường xuyên rà soát các khoản nợ để xem chúng có vượt ngoài tầm kiểm soát hay không. Ví dụ nhiều người tới tuổi về hưu chưa trả xong nợ nhà, phải kéo dài thời gian đi làm. Do đó không được nghỉ ngơi, rồi gặp căng thẳng.

Bạo hành về tài chính

Nhiều người cho rằng giá trị của người vợ hoặc chồng phụ thuộc vào sự đóng góp tài chính của họ trong gia đình.

Điều này dẫn đến cán cân quyền lực tài chính trong gia đình nghiêng về bên kiếm tiền nhiều hơn. Người kiếm được tiền (hoặc nhiều tiền hơn) thường có xu hướng ra lệnh cho các khoản chi tiêu trong gia đình, kiểm soát, áp đặt…  

Trong truyền thống của đa số các xã hội, đàn ông mang trọng trách kiếm tiền, làm trụ cột tài chính (bread winner). Nên nhớ phụ nữ Úc mới được quyển bỏ phiếu từ 1902 (hơn một trăm năm). Nhiều quán rượu/bar ở Úc trước 1965 cấm phụ nữ tới quán rượu. Một số cho phép có quầy riêng cho phụ nữ với điều kiện phải có đàn ông đi kèm.

Có nghĩa là trong hàng nghìn năm lịch sử, phụ nữ luôn là đóng vai trò người nội trợ, không phải là người kiếm tiền, giao du ra bên ngoài xã hội, chưa nói gì tới tham gia lao động và chính trường.
Family courts
Việc thiếu minh bạch về tiền bạc có thể dẫn đến sự bào mòn niềm tin ở người bạn đời. Source: Getty / Getty Images/boonchai wedmakawand
Điều này tạo cơ hội và điều kiện để đàn ông chính thức hóa việc kiểm soát tiền bạc, chi tiêu trong gia đình.

Nhìn lại trong gia đình tôi, ông bác cả bên nội quản lý tất cả tiền bạc chi tiêu trong gia đình. Bà vợ được cấp tiền đi chợ mỗi ngày. Tài sản duy nhất của bà vợ là đàn gà mái, nếu đẻ lấy trứng thì dành dụm trứng bổ sung vào bữa ăn gia đình hoặc gửi cho con đi học xa nhà. Tức là bà không có được tiếp cận tới tiền bạc trong gia đình, chưa nói gì tới hai chữ tự do tài chính mà nhiều người hay đề cập tới ngày nay.

Đó là câu chuyện của 30 - 40 năm về trước ở ngoài miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó, bên ngoại tôi, bà ngoại tôi, những người ở cùng thế hệ với ông bác cả bên nội lại có quyền quyết hết. Bà lo chuyện đồng án, chăn nuôi, làm thêm, chăm con và dành dụm tiết kiệm lo cho gia đình. 
Tất nhiên thời thế nay đã thay đổi, nhiều phụ nữ đã tham gia lao động, học tập, kiếm tiền có khi còn xuất sắc hơn nhiều nam giới. Tuy vậy, bất bình đẳng vẫn xảy ra. Cứ một đô đàn ông kiếm được cho một công việc nào đó, phụ nữ chỉ kiếm được 82 xu.
Bạo hành về tài chính là một dạng bạo hành gia đình, trong đó một người sử dụng tiền bạc như là phương tiện kiểm soát đối phương. Dưới đây là một số dấu hiệu của bạo hành tài chính: 

Kiểm soát tài chính: một người kiểm soát toàn bộ tiền bạc và không cho phép người kia được tiếp cần đến tiền, bao gồm từ chối không cho sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng.

Chiếm giữ tiền: một người chiếm đoạt tiền của người kia, bao gồm cả việc không cho phép họ đi làm, lấy trộm tiền hoặc đem giấu tiền của họ, hoặc cản trở họ nhận tiền hỗ trợ của chính phủ hoặc những lợi ích ưu đãi của họ. Ví dụ: tiền già, tiền bệnh, tiền centrelink.

Dùng tiền kiểm soát hành vi đối phương: ví dụ như đe dọa ngừng chu cấp tiền bạc nếu bạn đời không đáp ứng yêu cầu của anh ta/cô ta.

Gây áp lực buộc đối phương bị lệ thuộc tiền bạc vào mình: chẳng hạn yêu cầu phải nghỉ việc, không cho phép đi làm, cản trở tới trường học hoặc học lên cao. Ví dụ không muốn cho học tiếng Anh, học lái xe, trở nên bị phụ thuộc vào người phối ngẫu.

Gán/Rước nợ vào người phối ngẫu mà người đó hoàn toàn không biết, không đồng ý, gây thiệt hại về tiền bạc lên người kia.

Phá hủy những cơ hội kiếm tiền của người kia như là ngăn cản họ đi làm hoặc hủy hoại thẻ tín dụng của họ.

Nếu quý vị soi rọi lại mình hoặc biết được ai đó có những dấu hiệu kể trên, cần liên hệ tới những chuyên gia và tổ chức chống bạo hành gia đình để được giúp đỡ.
Mời quý thính giả nhấn vào audio để nghe bài phỏng vấn.
Đôi dòng về khách mời

Tiến sĩ Cường Lã là chuyên gia về Sức khỏe Cộng đồng, anh hiện đang làm Cố vấn về Chính sách và Nghiên cứu tại Hiệp hội Sức khỏe Tâm linh Úc (Spiritual Health Association).

Anh có nhiều nghiên cứu học thuật, chính sách về sức khỏe và phát triển cộng đồng.

Podcast  trên Spotify chia sẻ những góc nhìn, chiêm nghiệm cá nhân về đời sống hằng ngày dựa trên những trải nghiệm phong phú của anh.

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện với khách mời trong Audio.
Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

Share