Mái ấm gia đình: Chúng ta học được gì sau mất mát đau thương?

co Dieu_2.jpg

Điều quan trọng là bản thân phải quyết định vượt qua nỗi đau, sống lạc quan vì những người thân thương còn bên cạnh mình. Source: Dieu Vo

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Không phải ai cũng dễ dàng vượt qua đau thương mất mát, nhất là khi người thân yêu vĩnh viễn ra đi. Nhưng sau mỗi trải nghiệm đau buồn, mỗi người đều có thể tích lũy bài học cho mình, biết được điều gì có thể giúp bản thân và những người trong hoàn cảnh tương tự.


Nỗi đau mất người thân là một cụm từ diễn tả sự đau thương sâu nặng khi người thân yêu qua đời, đó có thể là nỗi đau khổ lớn nhất mà con người phải chịu đựng, theo Bách khoa từ điển về những rối loạn tâm thần của nhà xuất bản Gale - The Gale Encyclopedia of mental disorders.

Đó điều mà bất cứ ai sinh ra trên đời đều phải trải qua, theo quy luật tự nhiên, nhưng cảm nhận và cách chống chọi với nỗi đau ở mỗi người mỗi khác.

Hầu hết mọi người có thể tự xoay sở để vượt qua giai đoạn khó khăn, đau thương, buồn khổ khi người thân không còn. Nhưng cũng có người bị suy sụp tinh thần, thậm chí rơi vào trầm cảm, cần các chuyên gia để giúp họ vơi bớt đau thương và trở lại cuộc sống bình thường.

Một số nhà tâm lý học cho rằng, sau khi người thân qua đời, mỗi cá nhân có thể trải qua các giai đoạn khác nhau như bị sốc, buồn phiền, suy sụp tinh thần, rồi cuối cùng mới chấp nhận sự thật và bình ổn tâm lý.

Chia sẻ với SBS Việt Ngữ về nỗi đau mất đứa con trai duy nhất của mình, dù chuyện đã qua hơn một năm nhưng chị Điểu Võ, một giáo viên ở Melbourne, vẫn không khỏi xúc động:

“Đây là điều đau buồn nhất trong đời chị... Mỗi khi nhắc lại khiến chị cảm thấy đau lòng muốn khóc...

“Nhiều đêm ngủ giật mình thức giấc, cảm thấy như mình đánh mất một cái gì rất quý, cảm thấy chới với...”

Người thân chính là động lực giúp vượt qua đau buồn

Ban đầu chị Điểu nghĩ mình không thể hoặc rất khó vượt qua, ít nhất là phải qua nhiều năm tháng thì niềm đau mới phần nào vơi bớt.

Nhưng khi nhìn thấy những người thân bên cạnh, những người cùng chịu nỗi mất mát to lớn với chị, đã buồn lại càng buồn hơn khi thấy chị đau khổ, chị nhận ra mình cần phải làm gì.

“Mỗi lần chị buồn chị khóc thì má chồng chị khóc, rồi chồng chị khóc, rồi các con chị khóc...

“Chị phải cố gắng làm sao cho những người còn sống bên chị không phải lo lắng buồn phiền nhiều vì mình.

“Bây giờ mà chị buồn, chị khổ, chị bệnh, thì thế nào cũng tăng thêm gánh nặng cho gia đình. Vì vậy chị phải cố gắng vì những người còn chung quanh chị, nhờ vậy mà chị mới vượt qua được.”

Tình thương vô bờ bến đối với người con đã khuất cũng là động lực để chị cố gắng nén đau thương.

“Chị cũng có suy nghĩ một chút về tâm linh. Tuy con chị đã ra đi rồi, không gặp lại chị nữa, nhưng chị nghĩ con vẫn quanh quẩn đâu đây nếu chị cứ buồn hoài, và con cũng sẽ buồn. Vì vậy chị phải bình ổn trở lại, để con an tâm.”
co Dieu_n.jpg
Suy nghĩ lạc quan vì những người thân thương còn bên cạnh mình là cách hiệu quả để vượt qua nỗi buồn. Source: Dieu Vo
Làm sao để có thể thoát khỏi nỗi đau buồn tưởng chừng vô tận?

Mỗi người trải qua mất mát đều có thể tự tìm ra cách để vượt qua nỗi đau tinh thần. Nếu bản thân không thể tự thoát khỏi muộn phiền kéo dài, thì nên tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh hoặc các chuyên gia.

Điều quan trọng là nhận ra mình cần phải làm gì và quyết tâm thực hiện, không để bản thân mãi chìm trong đau khổ, chị Điểu chia sẻ.

Chị cũng cảm thấy việc chấp nhận nỗi đau và bộc lộ cảm xúc của mình bằng cách khóc nhiều đã có thể giúp tâm trạng đỡ hơn.

“ Lúc đầu chị không khóc được, không có một giọt nước mắt nào...

"Nhưng sau đó chị khóc rất nhiều, khóc vật vả cũng mấy tuần luôn, cứ nghĩ tới là khóc... Nhưng cũng nhờ khóc nhiều như vậy rồi chị mới qua được. Chứ không khóc là còn buồn hoài."

Khiến mình luôn bận rộn cũng là cách khá hiệu quả mà chị Điểu đã áp dụng.

“Chị chăm sóc má chồng, nấu ăn, lo nhà cửa tươm tất, chăm sóc vườn rau, đi dạy học, soạn giáo án, tìm tòi nhiều kiến thức để học sinh học thích thú hơn. Chị còn dành thời gian để ngồi đan áo cho cháu của chị. Chăm chú vào từng mũi kim cũng giúp chị quên đi nỗi buồn.”

“Chị dành thời gian để học hỏi thêm nhiều điều. Chị cũng học thêm những kiến thức để giúp cho sức khỏe của mình được tốt hơn.”

“Có những người bạn tốt, họ đã sắp đặt cho mình những cuộc đi chơi, lo lắng cho mình, thì mình cũng phải tham gia, mình đừng từ chối để rồi mình lại rơi vào nỗi buồn.”

Chị cũng tập suy nghĩ lạc quan hơn bằng cách cảm thông, giúp đỡ và mang đến niềm vui cho người khác.

“Chị đi dạy và coi tất cả học trò như con của mình. Chị lấy tình thương dành cho con của mình để yêu thương học trò, đó cũng là niềm vui của chị.”

“Mình phải nghĩ đến chồng, con, cháu, hoặc những người thân thương trong gia đình, làm sao để họ không quá lo lắng cho mình.”

Niềm tin tôn giáo cũng giúp chị suy nghĩ tích cực hơn.

“Chị thấy niềm tin vào tôn giáo rất quan trọng. Tôn giáo nào cũng có lời khuyên khi mình mất người thân. Theo Công giáo thì người thân của mình được Chúa cất đi chứ không phải là chết chóc đau thương. Theo Phật giáo thì cuộc đời là vô thường, ai cũng trở về với cát bụi. Suy nghĩ như vậy cũng an ủi cho mình.”

Đối với một số người không thể tự vượt qua biến cố mất mát đau thương, các chuyên gia khuyên họ và gia đình tìm sự hỗ trợ cần thiết, để tránh cảm xúc tiêu cực kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

Chị Điểu nghĩ rằng những người cần chuyên gia hỗ trợ không hẳn là người yếu đuối, bởi vì mỗi người có trải nghiệm và hoàn cảnh khác nhau.

“Chị nghĩ mỗi người có một suy nghĩ khác nhau. Bản thân chị mồ côi rất sớm, có nỗi buồn từ hồi nhỏ, nên chị đã có sức chịu đựng trước, nếu không chắc chị cũng phải cần tới bác sĩ tâm lý.”

“Quan trọng là mình phải chấp nhận sự thật, phải ráng lạc quan để sống, phải đi tiếp tục con đường của mình, phải sống vì những người thân thương còn lại bên mình.”

Mời quý vị vào phần Audio để nghe toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện với chị Điểu Võ, khách mời của chương trình Mái ấm gia đình.

Nếu bạn hoặc ai đó mà bạn biết đang trải qua tình trạng đau buồn vì mất người thân và cần sự trợ giúp, hãy liên lạc với Bác sĩ gia đình, hoặc Trung tâm y tế cộng đồng địa phương, hoặc GriefLine 1300 845 745, Lifeline 13 11 11, Beyondblue 1300 22 4636

Hoặc cho chúng tôi biết qua email Vietnamese.Program@sbs.com.au hoặc gửi tin nhắn vào .

Share