Mái ấm gia đình: Thầy giáo dạy toán ở Sydney làm cha đơn thân nuôi ba con nên người

Thầy giáo Bình Phạm cùng một con gái lớn và hai con trai.

Thầy giáo Bình Phạm cùng một con gái lớn và hai con trai. Source: Binh Pham

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Vợ qua đời vì ung thư máu vào năm 2012, suốt 10 năm qua, ông Bình Phạm vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi dạy ba người con trưởng thành. Các con của ông nay đã là bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư. Đơn độc trong hành trình nuôi dạy con, ông Bình vượt qua khó khăn về tài chính, thời gian và nỗi cô đơn khi thiếu người sớm hôm nương tựa.


Vừa làm cha, vừa làm mẹ, đâu ai muốn

Chia tay người vợ thương mến vào năm 2012 vì căn bệnh ung thư máu, ông Bình Phạm ở lại với ba người con cùng lời tâm niệm “phải thay vợ nuôi nấng các con nên người”.

Tự nhận mình không giỏi với việc bếp núc, chợ búa, hay cân đối tài chính, vun vén trong gia đình, nhưng căn bệnh nghiệt ngã và quái ác của vợ “đẩy ông vào hoàn cảnh vừa làm cha, vừa làm mẹ”.

“Đi sớm về chiều một mình đơn độc, mất đi một bờ vai nương tựa, nỗi buồn của tôi khó diễn tả lắm, chỉ ai trải qua tử biệt sinh ly mới có thể hiểu được”, ông Bình nói với SBS.

10 năm nay, vào ngày hiền mẫu Mother’s Day, không năm nào mà ông không nhận được hoa và quà của các con. Nhận món quà mà ông cho là vừa buồn vừa vui, bởi đâu ai muốn lẻ bóng trong đời, hay gánh vác cả hai chiếc áo mang tên phụ mẫu.

Vợ ra đi khi con gái lớn chuẩn bị vào đại học, hai con trai thứ đang ở tuổi tiểu học và trung học, thầy giáo Bình nuốt nỗi đau vào trong, sống như cây đa cây đề để con nương tựa.
Đi sớm về chiều một mình đơn độc, mất đi một bờ vai nương tựa, nỗi buồn của tôi khó diễn tả lắm, chỉ ai trải qua tử biệt sinh ly mới có thể hiểu được, ông Bình nói với SBS.
“Tôi lúc nào cũng muốn đánh tan sự cô đơn của con, khi các cháu buồn, tôi kể chuyện trường lớp, học hành để các con khuây khỏa và quên đi sự trống vắng thiếu mẹ.”

Với cô con gái lớn đã trưởng thành, ông chỉ biết động viên con “đó là định mệnh cuộc đời, không thể xoay chuyển, con hãy tiếp tục sống, thực hiện những hoài bão mà con muốn đạt được…”

Với sự chắp cánh của cha và gia đình bên ngoại, ba người con của ông Bình nay đã trưởng thành, con gái lớn đã kết hôn, làm bác sĩ phẫu thuật và có một đứa con; con trai thứ hai làm kỹ sư ngành điện toán và con trai út làm nha sĩ.
Ông Bình Phạm (giữa) chụp hình cùng các học trò.
Ông Bình Phạm (giữa) chụp hình cùng các học trò. Source: Binh Pham
Đi bước nữa là nhu cầu, nhưng nuôi con là trọng trách hàng đầu

Chia sẻ về thành công của các con trong niềm tự hào, ông Bình không quên người vợ quá cố.

“Tôi vẫn giữ vai trò làm cha như trước kia, nhưng giờ đây phải học thêm cách quản lý tài chánh trong gia đình. Lúc nào cũng nghĩ mình phải làm gương cho các con. Tôi chứng minh rằng mình đã hy sinh cho con cái”.

Trò chuyện với SBS, thầy giáo Bình chia sẻ ông thiếu một điều quan trọng với các con, đó là sự thỏ thẻ tâm tình.

“Người mẹ lúc nào cũng dịu dàng, thỏ thẻ tâm tình với con cái, để biết khó khăn, nguyện vọng trong cuộc sống của con cái rồi nâng đỡ chúng. Tôi cũng cố gắng nhưng không thể bằng mẹ chúng”.

Khi được hỏi có bao giờ người thầy dạy Toán góa bụa nghĩ đến việc đi bước nữa, ông Bình vừa khóc vừa trả lời SBS.

“Nhu cầu của con người thì ai cũng cần, tôi cũng vậy. Nhưng tôi đặt lên đầu trách nghiệm. Vợ tôi ra đi, trách nhiệm giao cho tôi. Tôi nghĩ đó là điều tôi phải làm, và không dám nghĩ mình đi bước nữa.

Một khi hai người cùng chia sẻ với nhau trong đời, mà một người ra đi, thì người còn lại phải gánh trọng trách của mình…”

Mất mẹ khi bước vào tuổi thiếu niên, dậy thì và đứng trước ngưỡng cửa yêu đương, hôn nhân là một sự hụt hẫng lớn với ba người con của ông Bình Phạm.

“Tôi phải cảm ơn rất nhiều gia đình bên ngoại, anh vợ của tôi bác sĩ Trần Công Hoà, em vợ tôi là dược sĩ Thảo Trần Queensland đã lo đám cưới cho con gái lớn của tôi…”
Những ký ức về vơ khi còn sống là động lực để ông Bình gánh hai trách nhiệm làm cha và mẹ.
Những ký ức về vơ khi còn sống là động lực để ông Bình gánh hai trách nhiệm làm cha và mẹ. Source: Binh Pham
Hãy bỏ đi định kiến về giới, đàn ông cũng có thể nuôi con

Xã hội xưa thường đánh giá thấp vai trò chăm sóc con cái của người cha và phó thác việc đó cho phụ nữ. Có những câu ca dao thể hiện thái độ bi quan về sự chăm sóc của người cha: “Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi má liếm là đầu đường”. Nhưng những suy nghĩ này chỉ mang định kiến về giới và thiếu bình đẳng.

Đàn ông cũng có thể chăm sóc và nuôi dạy con cái chu đáo như phụ nữ, thậm chí còn có thể làm tốt hơn nhiều? Chúng ta với tư cách là một xã hội đặt ra những kỳ vọng đối với phụ nữ, những người mẹ mà quên mất vai trò của nam giới.
Nhu cầu của con người thì ai cũng cần, tôi cũng vậy. Nhưng tôi đặt lên đầu trách nghiệm. Vợ tôi ra đi, trách nhiệm giao cho tôi. Tôi nghĩ đó là điều tôi phải làm, và không dám nghĩ mình đi bước nữa.
Việc phân công nhiệm vụ dựa trên định kiến ​​giới là sai lầm. Ta cần hiểu rằng không có “công việc của đàn bà” hay “công việc của đàn ông”. Chỉ có những nhiệm vụ cần hoàn thành, và nếu cần phải làm, thì trai hay hái, phụ nữ hay nam giới, cha hay mẹ cũng có thể làm.

Một mình nuôi con không phải là điều đơn giản. Khi thiếu đi sự hỗ trợ của một trong hai người cha hoặc mẹ, trọng trách nuôi con ngày càng trở nên vất vả hơn. Cha mẹ đơn thân một mình lo toan tất cả mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống hàng ngày của trẻ và đảm nhận công việc chăm sóc trẻ hàng ngày mà không có sự hỗ trợ từ người bạn đời.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với ông Bình Phạm.

Share