Mái ấm gia đình: Tổn thương hôn nhân khi chồng ngoại tình

Người vợ hãy quan sát chính mình và người chồng của mình để từ từ chữa lành trái tim.

Người vợ hãy quan sát chính mình và người chồng của mình để từ từ chữa lành trái tim. Source: Pexels

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

“Em biết chồng em vẫn còn rất yêu em và thương các con. Dù vậy em không thể gần gũi chồng được. Mỗi lần em chuẩn bị gần gũi chồng là em lại thấy đau đớn và tưởng tượng ra cảnh hai người đó với nhau, rồi em không thể quan hệ được với chồng, em chỉ biết ôm mặt khóc”.


Lê Hải Yến là huấn luyện viên sức khoẻ và chuyên gia tình dục. Cô là người sáng lập tổ chức LalaDAY, chuyên khai vấn về sức khoẻ và lối sống lành mạnh cho các gia đình trẻ.

Trong tiết mục Mái ấm gia đình tuần này, Bích Ngọc mời quý vị cùng chuyên gia Lê Hải Yến chia sẻ câu chuyện của một thính giả, một phụ nữ đang đau khổ khi chồng mình ngoại tình.


Tâm sự thính giả

"Em kết hôn được 9 năm rồi, em có hai đứa con trai. Em và chồng rất hạnh phúc trong 9 năm qua cho đến khi em phát hiện chồng em ngoại tình với cô đồng nghiệp. Chồng em cũng thú nhận việc ngoại tình với em. Em khóc rất nhiều và khi viết cho chị, nỗi đau vẫn còn và em không thể cầm được nước mắt. Chồng em là mối tình đầu của em, em thấy mất hết niềm tin.

Chuyện đã xảy ra 4-5 tháng rồi, em với chồng đã nói chuyện và em quyết định tha thứ để làm lại từ đầu. Em biết chồng em vẫn còn rất yêu em và thương các con. Dù vậy em không thể gần gũi chồng được chị ơi. Mỗi lần em chuẩn bị gần gũi chồng là em lại thấy đau đớn và tưởng tượng ra cảnh hai người đó với nhau, là em không thể quan hệ được với chồng, em chỉ biết ôm mặt khóc. Chồng em cũng hiểu và anh ấy cũng im lặng.

Em phải làm sao để vượt qua được chuyện này. Dù biết là tha thứ nhưng em cứ thấy rất đau. Mỗi lần chồng nói với em có việc ra ngoài là em lại nghĩ ảnh hẹn hò người khác, và em cứ phải kiểm tra tin nhắn chồng thường xuyên. Em thấy mất niềm tin lắm chị ơi."

Chia sẻ của chuyên gia

Bích Ngọc SBS: Tôi thực sự rất đồng cảm với người vợ, một người bị chà đạp sự tin tưởng, sự chung thủy, vốn là một khế ước quan trọng nhất trong hôn nhân. Ngoại tình là điều tồi tệ và gây tổn thương nặng nề nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào. Thật cảm phục khi chị đã dũng cảm tha thứ cho người chồng của mình và nỗ lực hàn gắn lại đời sống hôn nhân.

Chị Hải Yến nghĩ rằng yếu tố gì khiến người vợ, không thể quan hệ với chồng của mình thoải mái như trước và luôn cảm thấy bất an, khi chồng đi ra ngoài? Có phải sợi dây tin tưởng đã bị cắt đứt và chị luôn trong cảm giác bất an, sợ hãi không?

Chuyên gia Lê Hải Yến: Mình rất thương người vợ và cảm ơn chị đã tin tưởng mình để chia sẻ câu chuyện này. Mình cảm thấy nguyên nhân khiến chị đau đớn, nỗi đau dằng xé càng ngày càng lớn khi chị nghĩ người chồng của mình cũng có cảm xúc với người kia, và những hình ảnh chồng và phụ nữ khác cứ quay vòng trong đầu chị.

Điều này xuất phát từ chính trải nghiệm của chị trong tình yêu với chồng. Như chia sẻ của chị, hai người là mối tình đầu của nhau rồi cưới nhau.

Sự bình ổn trong mối quan hệ tình cảm bị phá vỡ, khi những giá trị mà chị cho là bất biến và bền vững trong hôn nhân bị thay đổi.
Chúng ta thường chịu đau khổ vì chỉ chấp nhận sự bình an, vui sướng, hạnh phúc mà chưa thể đối diện được với sự phản bội hay đau khổ.
Thứ nhất, có thể chị coi hôn nhân là một sở hữu. Do đó khi người chồng quan hệ với người phụ nữ khác, chị thấy mình chơi vơi, giống như bị mất đi một vật sở hữu.

Thứ hai, chị chưa có đủ yêu thương. Cuộc đời của chị xoay quanh người bạn đời của mình, anh là tình đầu của chị, là lẽ sống, là giá trị gắn kết với cuộc sống của chị.
Ngoại tình là điều tồi tệ và gây tổn thương nặng nề nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào.
Ngoại tình là điều tồi tệ và gây tổn thương nặng nề nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào. Source: Pexels
Như Yến chia sẻ, khi chúng ta kết hôn lâu năm, sự nhàm chán, quen thuộc sẽ nổi dậy. Mỗi người ở một giai đoạn sẽ là con người khác, với tâm thức, với quan điểm khác biệt so với trước đây. Điều chúng ta cần làm là tìm thấy châu ngọc ở bên trong. Tiếc thay, anh chồng không nhận ra được quặng châu ngọc ở người vợ tảo tần của mình và chính người vợ cũng không khai quật được châu ngọc bên trong chị.
Sẽ thật là tàn nhẫn và ngược đời khi Yến chúc mừng chị đã có trải nghiệm trái đắng đầu tiên trong tình yêu. Nhưng đó là sự thật.
Yến thường hay đặt câu hỏi với các khách hàng của mình là nếu như bạn giới thiệu bản thân mình mà không giới thiệu tên, tuổi, nghề nghiệp, mối quan hệ, thì bạn sẽ giới thiệu như thế nào? Chúng ta thường gắn giá trị của mình với một mối quan hệ nào đó trong cuộc sống, tôi là mẹ của bé A, chồng của chị B, vợ của anh C.

Vậy tôi là ai trong cuộc đời này? Chúng ta có giá trị gì riêng hay không?

Sẽ thật là tàn nhẫn và ngược đời khi Yến chúc mừng chị đã có trải nghiệm trái đắng đầu tiên trong tình yêu. Nhưng đó là sự thật. Việc nào cũng có hai mặt. Trong đời sống này, chúng ta thường chịu đau khổ vì chỉ chấp nhận sự bình an, vui sướng, hạnh phúc mà chưa thể đối diện được với sự phản bội hay đau khổ.

May mắn là, chính cái khổ cho chúng ta sự trưởng thành. Nhiều khi ta tưởng rằng mình đã biết yêu rồi, đã yêu đủ rồi, nhưng thật ra ta đã biết yêu hay chưa, đã đối xử đúng với mối quan hệ của mình chưa?
Huấn luyện viên sức khoẻ tình dục Lê Hải Yến, người sáng lập tổ chức LalaDAY, chuyên khai vấn về sức khoẻ và lối sống lành mạnh cho các gia đình trẻ.
Huấn luyện viên sức khoẻ tình dục Lê Hải Yến, người sáng lập tổ chức LalaDAY, chuyên khai vấn về sức khoẻ và lối sống lành mạnh cho các gia đình trẻ. Source: Le Hai Yen
Bích Ngọc SBS: Tha thứ tức là chúng ta đang dần loại bỏ nỗi đau trong trái tim. Khi làm điều này, chị đang vượt lên trên nỗi đau mà người chồng đã gây ra. Cảm giác bị chính người mà mình đầu ấp tay gối phản bội chắc chắn không hề dễ chịu.

Quyết định tha thứ cho chồng cũng là một tái cam kết với mối quan hệ của chị, đưa nó lên một vị trí mới.

Việc tha thứ khi chồng ngoại tình là cho anh ấy một cơ hội làm lại. Đồng thời, khi tha thứ cho chồng ngoại tình, chị cũng đang cho chính bản thân một cơ hội để tháo gỡ những khúc mắc, hâm nóng lại tình yêu với người bạn đời của mình.

Nhưng điều này đâu có dễ thực hiện phải không chuyên gia Lê Hải Yến. Tha thứ như thế nào, chăm sóc cho tâm hồn của chính mình như thế nào và hàn gắn trái tim vụn vỡ của mình ra sao?

Chuyên gia Lê Hải Yến: Có hai thứ, chị phải chấp nhận nỗi đau đang diễn ra. Cho phép mình khóc và đau khổ. Việc khóc là cách cơ thể cho phép chị được giải tỏa, tái cân bằng cảm xúc của mình. Chấp nhận nỗi đau là một phần trong hành trình chữa lành, đừng giả vờ nói rằng tôi ổn.

Một khi tha thứ, hãy tha thứ. Nếu chưa thể, hãy chì chiết đi, đến khi chị cảm thấy thoải mái. Chúng ta cầm lên được thì buông xuống được.

Hãy cho bản thân thời gian. Anh chồng khi đã quyết định hàn gắn mối quan hệ với vợ của mình, thì hãy kiên nhẫn, cô ấy có thể mất 6 tháng đến một năm. Hãy chấp nhận người vợ sẽ còn đau khổ, và thậm chí không thể cho mình đụng chạm.

Người vợ cũng hãy quan sát chính trái tim mình và người chồng của mình để từ từ chữa lành nỗi đau bên trong.
Cho phép mình khóc và đau khổ. Việc khóc là cách cơ thể cho phép chị được giải tỏa, tái cân bằng cảm xúc của mình. Chấp nhận nỗi đau là một phần trong hành trình chữa lành, đừng giả vờ nói rằng tôi ổn.
Bích Ngọc SBS: Trước hết, cần khẳng định tha thứ không phải là một món quà để ban phát. Bởi vì đó là một sự chọn lựa chứ không phải là cảm giác. Một khi quyết định tha thứ, chúng ta sẽ vượt qua những cảm xúc của việc giận dữ, thất vọng, đau khổ. Và theo suy nghĩ của Bích Ngọc, dường như chị vẫn đang trong hành trình vượt qua đó.

Sự tin tưởng đòi hỏi cả hai phải cố gắng để xây dựng lại. Để có thể quay lại cuộc sống trước đây, cả chị và chồng của mình cũng phải tìm giải pháp để giúp cho tình yêu mà chị mô tả đã héo khô được tươi mới trở lại. Làm thế nào đây chị Hải Yến?

Chuyên gia Lê Hải Yến: Để gầy dựng niềm tin với vợ, người đàn ông nói được hãy làm được. Im lặng lắng nghe là cách để bồi đắp tài khoản tình yêu của hai người. Đây là lúc phát huy năng lực lắng nghe, chia sẻ, cảm thông.

Chúng ta hay lắng nghe để phản biện chứ không phải lắng nghe chỉ để cảm thông. Có rất nhiều người chồng khi vợ rơi vào cảm xúc như vậy, thì tỏ ra tức giận, thay vì thông cảm.

‘Vì sao em cứ khóc buồn hoài vậy, em muốn chì chiết anh hả, làm như vậy em có thấy vui không?’. Nhưng thật ra điều phụ nữ muốn không phải là chì chiết người chồng, họ chỉ cần giãi bày cảm xúc và nỗi đau của mình.

Tiếc thay, người chồng lại không chấp nhận cảm xúc của người vợ. Hãy hướng cuộc nói chuyện về cảm xúc, chứ không phải ai đúng ai sai.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe chia sẻ của khách mời.

Quý thính giả có thể chia sẻ các chủ đề hôn nhân, gia đình và nuôi dạy con cái mà quý vị quan tâm qua email của ban Việt ngữ . Chúng tôi sẽ liên lạc mời quý vị cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm.

Chương trình Mái ấm gia đình được phát thanh trên SBS Radio mỗi tối thứ Ba hàng tuần lúc 8.30 pm.

Share