Ăn các sản phẩm thay thế thịt có tốt cho sức khỏe?

Two red vegan burgers in their packaging with salad

Two red vegan burgers in their packaging with salad Source: Getty

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chế độ dinh dưỡng nhiều rau và ít thịt ngày càng trở nên phổ biến, khi nhiều người đang chuyển dần sang các thực phẩm thay thế cho thịt. Thế nhưng một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra những sản phẩm thay thế thịt này thường chứa nhiều muối, khiến người ăn có nguy cơ bị huyết áp cao. Đây là nguy cơ chính gây đau tim, đột quỵ và các căn bệnh về thận.


Ông Son Lu hiểu những nguy hiểm của việc việc ăn quá nhiều muối với sức khỏe.

“Tôi nhớ tôi đã thức dậy vào nửa đêm và cảm thấy rất nặng nề trong lồng ngực”.

 Cảm giác đau đớn đó là kết quả của việc động mạch bị tắc nghẽn, dẫn đến việc ông phải phẫu thuật ghép bắc cầu động mạch.

Ông Lu là một trong số hơn 2 triệu người Úc hiện đang ăn chế độ dinh dưỡng ít thịt.

Xu hướng này đã thúc đẩy một sự đột biến trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thay thế thịt tại các siêu thị trong 10 năm qua.

Những sản phẩm như thịt xông khói, xúc xích và bánh mì kẹp thịt, sử dụng các nguyên liệu thay thế thịt có doanh số tăng gần gấp ba.

Tiến sĩ Lyn Roberts của VicHealth cho biết mọi người nên thận trọng khi ăn quá nhiều sản phẩm này.

 “Mọi người có thể nghĩ rằng họ thực sự đang mua một sản phẩm tốt cho sức khỏe hơn, vì các thực phẩm này không có thịt và ăn rau là một việc nên làm. Nhưng trên thực tế, nghiên cứu này cho thấy các sản phẩm thay thế thịt có chứa lượng muối rất cao.”

Nghiên cứu, được thực hiện cùng với Quỹ Tim mạch, VicHealth và Viện George, đã xem xét hơn 560 sản phẩm thay thế thịt.

Trước sự ngạc nhiên của các chuyên gia, một số thương hiệu falafel- một loại rau củ, đậu nghiền nát, trộn và nặn thành cáC viên tròn nhỏ, cũng có hàm lượng muối cao.

Kelli-Ann Jolly của Quỹ Tim mạch cho biết quá nhiều muối trong chế độ ăn uống  có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta.

“Muối có thể làm tăng huyết áp của chúng ta. Và đó là nguy cơ lớn gây ra bệnh tim mạch. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi vì chúng ta đang thấy một trong ba người Úc bị huyết áp cao”.

Người Úc trung bình tiêu thụ 9,6 gram muối mỗi ngày, trong đó nam giới tiêu thụ nhiều hơn phụ nữ và gần gấp đôi lượng khuyến cáo hàng ngày là 5 gram.

Những người ăn chay nói rằng họ không bị cản trở bởi kết quả của nghiên cứu này.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên ăn mọi thứ trong chừng mực, tôi kiểm tra mọi thức ăn mà tôi mua, giá trị dinh dưỡng thế nào,có bao nhiêu lượng đường, tinh bột, muối trong các thức ăn mà tôi mua”.

Tổ chức Vegan Australia nói rằng ăn chay không nên bị nhầm lẫn là một chế độ ăn uống lành mạnh duy nhất.

Tuy nhiên tổ chức này ủng hộ việc đưa thông tin về dinh dưỡng đầy đủ hơn trên nhãn các gói thực phẩm và nói rằng chế độ ăn uống nguyên chất luôn mang lại kết quả tốt nhất.

Các chuyên gia dinh dưỡng đang thúc giục ngành kỹ nghệ thực phẩm giới hạn lượng muối cho các loại thực phẩm thay thế thịt.

Nhưng các chuyên gia nói rằng có những lựa chọn thuần chay lành mạnh để mọi người lựa chọn và sự điều độ là yếu tố cốt lõi trong bất kỳ chế độ dinh dưỡng nào.

Share