Nhiều khả năng Úc sẽ ban hành luật trừng phạt giới chức tham nhũng vi phạm nhân quyền

Ông Hong Lim (giữa) phát biểu tại cuộc biểu tình chung của cộng đồng người Campuchia và Việt Nam lên án các chính phủ đàn áp nhân quyền.

Ông Hong Lim (giữa) phát biểu tại cuộc biểu tình chung của cộng đồng người Campuchia và Việt Nam lên án các chính phủ đàn áp nhân quyền. Source: SBS/Vinh Hoang

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Một ủy ban quốc hội Úc đang điều trần khả năng ban hành luật tương tự như Đạo Luật Magnitsky của Hoa Kỳ, nhắm vào những ai vi phạm nhân quyền. Luật này cho phép các chính phủ áp đặt cấm vận đối với các tổ chức hay cá nhân, đặc biệt là các quan chức vi phạm nhân quyền.


Năm 1970 ông Hong Lim người Campuchia đến Úc du học. Năm 1975 Khmer Đỏ lên nắm quyền và máu bắt đầu nhuộm đỏ các cánh đồng, biến chúng thành những cánh đồng chết.

Ông Lim, từng được bầu vào nghị viện Victoria, vẫn còn nhớ cảnh chết chóc ở quê nhà đã ám ảnh suốt thời gian ông ở Úc. 

"Nó ám ảnh suốt thật kinh khủng. Tôi nhìn thấy bom nổ và giết chóc mỗi ngày lúc đó, rồi sau 1975 tôi nghe những câu chuyện thương đau của Khmer Đỏ giết hại gần 2 triệu người. Chúng tôi may mắn nhưng tám trong số bạn bè của tôi đã bị hành quyết trong trại giam khét tiếng S-21.”

Sau Kmer Đỏ thì đến Hun Sen, một cựu thành viên của Khmer Đỏ nhưng được Việt Nam ủng hộ lên làm thủ tướng cho đến bây giờ.

Ông Lim nói Hun Sen đứng đầu một chế độ quân phiệt không tôn trọng nhân quyền – một cáo giác chính phủ Hun Sen luôn bác bỏ.

Ông Lim nói cần phải làm cái gì đó và cộng đồng Campuchia rất ủng hộ việc ban hành luật ngăn cấm những kẻ vi phạm nhân quyền ẩn náu an toàn ở Úc.

"Tất cả tiền rửa, tiền bất hợp pháp, tiền bóc lột không được đem vào Úc, và không nên cấp visa cho những người vi phạm nhân quyền đã được nêu danh. Tài sản của họ ở Úc nên được phong tỏa cho đến khi nào Campuchia thật sự có dân chủ."

Chính phủ liên bang hiện đang cân nhắc xem có nên ban hành luật giống như Đạo luật Magnitsky của Mỹ mà mới đây Canada cũng áp dụng.

Ông Bill Browder một nhà tài chánh Mỹ nói Úc nên áp dụng luật này.

"Nó cho Úc có thêm uy tín để nói rằng những người đã làm những chuyện kinh khủng với nhân loại không được đến đây. Tôi nghĩ đây là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ nhân quyền mà chính phủ có thể hãnh diện sử dụng. Dân chúng sẽ khen ngợi nếu chính phủ sử dụng phương cách này và thực thi nó."

Năm 2008, cựu luật sư của ông Browder là Sergei Magnitsky đã phát hiện vô số vụ tham nhũng của các quan chức chính phủ Nga.

Người luật sư này đã bị nhà chức trách Nga đã bắt giam, tra tấn, và chết trong tù. Ông Browder nói chúng ta phải gìn giữ di sản của ông Magnitsky.

"Ông ấy có lẽ vẫn còn sống nếu không phải là một luật sư. Tôi tin rằng chúng ta có trách nhiệm phải tìm ra những kẻ đã hại ông và bảo vệ di sản của ông, đó là Đạo luật Magnitsky."

Cựu Tổng thống Barack Obama là người đã ký ban hành Đạo luật Magnitsky.

Hiện một ủy ban quốc hội Úc đang xem xét khả năng áp dụng Đạo luật Magnitsky. Ông Browder nói Úc trong Liên Minh Ngũ Nhãn nên làm theo.  

"Tất cả mọi quốc gia gương mẫu đều nên có đạo luật này thì nó mới hữu hiệu. Nếu chỉ có Anh, Mỹ và Canada áp dụng thì kẻ xấu vẫn có thể rửa tiền ở Úc. Vì vậy chúng ta phải cùng làm chuyện này nếu không muốn Úc biến thành thiên đường để cất dấu những đồng tiền xấu xa."

Có nhiều dấu hiệu Úc sẽ ban hành luật tương tự vì các đảng đều ủng hộ. Thượng Nghị sĩ Tư Do James Paterson là một trong những người bảo trợ cho dự luật này.

"Nếu Úc cũng áp dụng thì trong nhóm Ngũ Nhãn chỉ còn có New Zealand là chưa mà thôi. Nếu chúng ta thông qua luật này thì sẽ khuyến khích New Zealand cũng làm theo."

Thượng Nghị sĩ lao Động Kimberley Kitching cũng ủng hộ.

"Tôi nghĩ đây giống như vẽ một lằn ranh để nói rằng chúng tôi không muốn các vị vượt qua, chúng tôi không muốn các vị có bất động sản ở đây. Chúng tôi đang mở điều trần để nghe các câu chuyện trong cộng đồng sắc tộc, vốn sẽ rất hoan nghênh một đạo luật như thế này."

Những người như ông Hong Lim vì vậy đang rất hy vọng một đạo luật tương tự sẽ được thông qua tại Úc.

"Nếu đạo luật thế này được thông qua, nó sẽ gởi đi thông điệp mạnh mẽ đến chế độ tham nhũng và vi phạm nhân quyền của Hun Sen, rằng họ phải chịu trách nhiệm, cả thế giới đang canh chừng, nước Úc đang canh chừng các vị. "

Share