Nhiều người tầm trú và tị nạn phải tìm đến dịch vụ hỗ trợ để sống qua đại dịch

Maheswaran Mailvajanam

Maheswaran Mailvajanam Source: SBS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong khi Úc đã bắt đầu các dấu hiệu hồi phục kinh tế, các nhà vận động cho người tầm trú và tị nạn cho hay hàng chục ngàn người vẫn đang vật lộn và buộc phải dựa vào các nguồn hỗ trợ khẩn cấp để sống qua ngày. Số liệu mới từ các tổ chức hỗ trợ cho thấy nhiều người trong các cộng đồng này đã mất các nguồn thu nhập, và nhiều trẻ em có dấu hiệu suy dinh dưỡng.


Một số ngày Maheswaran Mailvajanam phải quyết định chọn việc mua đồ ăn hoặc trả tiền thuê nhà.

Là một đầu bếp chuyên nghiệp ở Úc trong gần 10 năm qua, COVID đã đẩy anh vào cảnh thất nghiệp và đối mặt với nghèo đói.
Khi tôi mất việc làm tôi phải chọn lựa giữa việc thanh toán tiền thuê nhà, mua đồ ăn hoặc chi trả cho hóa đơn khác. Đó là một khoảng thời gian rất khó khăn và tôi đã rất chật vật.
Với visa bảo vệ tạm thời, anh không đủ điều kiện nhận các hỗ trợ của chính phủ như JobSeeker hay JobKeeper, và toàn bộ tiền tiết kiệm của anh được dùng vào việc sống sót qua thời gian khó khăn.

Và giờ đây anh đang phải cạnh tranh gắt gao để có việc làm.

“Tôi vẫn đang cố gắng để có một cuộc sống bình thường. Tôi vẫn chưa thể quay lại việc làm. Tôi không có tiền mua đồ ăn hay thậm chí là mua quần áo mặc.”

Số liệu mới từ Hội đồng Tị nạn cho thấy 60 phần trăm trong số những người tầm trú là khách hàng của họ đã mất việc do COVID, và hậu quả là 70 phần trăm đang thường xuyên bỏ các bữa ăn.

Rebecca Eckard từ Hội đồng Tị nạn nói rằng các số liệu về nhà ở cho thấy 88 phần trăm các khách hàng của họ không thể trả tiền thuê nhà, và 14 phần trăm đã trải qua tình trạng vô gia cư.

“Họ đã chịu đựng điều này trong hơn mười tháng qua, nó đơn giản là không thể bền vững cho năm tới và họ cần một số biện pháp can thiệp để duy trì sự an toàn.”

Khoảng 1,500 người phải dựa vào thức ăn cứu trợ từ Trung tâm người tầm trú ở Sydney được cung cấp mỗi hai tuần lễ.

Giám đốc trung tâm Frances Rush nói rằng có thêm 5,000 người cần các loại hỗ trợ khác, như hỗ trợ về chỗ ở và tiền thuê nhà.
Chúng tôi đã hoạt động 27 năm và tôi chưa từng chứng kiến một mức nhu cầu cao như hiện tại. Cho tới năm 2018 đã có một số hỗ trợ từ chính phủ liên bang thế nhưng trong suốt đại dịch lần này, không hề có hỗ trợ nào.
Bà Rush nói rằng các khẳng định của chính phủ về việc suy thoái kinh tế đã qua đi không bao gồm khoảng 100,000 người bị bỏ lại phía sau vì tình trạng visa của họ.

“Mọi người có cảm giác là ‘chúng ta đã vượt qua chuyện này’, thế nhưng điều mà bạn đang nhìn vào đó là những người vốn không được bao trùm trong mạng lưới an toàn ngay từ đầu.”

Tổ chức hỗ trợ Jesuit Refugee nói rằng họ đã chứng kiến mức tăng 260 phần trăm trong số lượng yêu cầu hỗ trợ lương thực kể từ tháng Ba.

Bà Maeve Brown từ tổ chức này cho biết Covid đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh sống sót nhờ từ thiện trong dịp Giáng sinh này.

“Chỉ riêng trong danh sách của ngân hàng lương thực (food bank), đã có khoảng 350 trẻ em. Nếu bạn nghĩ đến các gia đình - những người liên tục di chuyển bởi vì họ không thể chi trả tiền thuê nhà hoặc đã bị trục xuất khỏi nhà thuê, đó là một môi trường rất bất ổn đối với trẻ em.”

Trong khi đó nhu cầu cho các dịch vụ tại Cabrini Asylum Seeker và Refugee Health Hub đã tăng gấp đôi kể từ đầu đại dịch.

Dr Gillian Singleton nói rằng bà đang chứng kiến nhiều người trưởng thành gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thân và trẻ em với các chứng bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng và thiếu vitamin.
Nhiều trẻ em có thể xuất hiện với các vấn đề về phát triển cơ thể, là hệ quả của việc không đủ chất dinh dưỡng thiết yếu mà chúng cần.
Tổng trưởng các dịch vụ xã hội Anne Ruston nói rằng chính phủ đã cung cấp 200 triệu đô la để thúc đẩy hơn 300 quỹ thiện nguyện trong năm nay.

Một phát ngôn nhân từ văn phòng tổng trưởng Ruston nói với SBS rằng, “Những dịch vụ này có thể tiếp cận đối với mọi người ở Úc cho những ai cần, bất kể tình trạng visa của họ, và các hỗ trợ thêm nữa sẽ tiếp tục được cung cấp miễn là có nhu cầu cho việc đó.”

Tuy nhiên các tổ chức từ thiện cho rằng tình trạng đối với những người tầm trú đang trở nên tồi tệ hơn và cần có sự can thiệp của chính phủ để bảo đảm những người này có thể sống sót qua thời kỳ suy thoái do COVID.

Để tìm hiểu thêm thông tin về các hỗ trợ y tế và tài chính hiện đang được chính phủ Úc áp dụng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, quý thính giả có thể truy cập địa chỉ sbs.com.au/coronavirus.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share