Nuôi con ở Úc: Giúp ông bà di dân thích nghi cuộc sống mới

Ông bà là nguồn cội văn hóa, quê hương, nếp nhà, và chỗ dưa tinh thần cho con cháu.

Ông bà là nguồn cội văn hóa, quê hương, nếp nhà, và chỗ dưa tinh thần cho con cháu. Source: Kate Tran

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhiều ông bà cảm thấy bi quan, buồn bã, khi đã bán hết nhà cửa ở Việt Nam, qua Úc định cư với con cái, sống cuộc đời tù túng, không biết tiếng Anh. Làm thế nào để giúp ông bà thích nghi nhanh chóng cuộc sống mới, hỗ trợ con cái trong việc nuôi dạy các cháu?


Chị Khánh Trần, mẹ của hai bé Susie và Sophie, giảng viên đại học đang sống tại Melbourne chia sẻ chị đã đón ông bà sang Úc được 6 năm.

“Cha mẹ của mình qua Úc từ năm 2015, một thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn. Mục đích của ông bà ban đầu là thương con thương cháu, muốn tạo dựng một gia đình lớn và giúp các con phát triển.”

Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng chị Khánh chia sẻ, mọi thứ không bao giờ là đủ và theo đúng kế hoạch, nhưng quan trọng nhất là gia đình được ở bên nhau.


Sống ở khu người Việt

Có môi trường cộng đồng, văn hóa của người Việt sẽ giúp các bác cao niên thích nghi nhanh chóng.

Với những người trẻ tuổi, định cư tại nước ngoài có thể là một bước tiến tích cực. Nhưng với nhiều người cao tuổi, đây có thể là thử thách lớn, khi nguồn cội đã ăn sâu hơn 60 năm tại Việt Nam bị bứng khỏi gốc rễ.

“Mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai, nhưng mình nghĩ cha mẹ mình thích nghi nhanh hơn vì đã chuẩn bị sẵn sàng. Ông bà đã sang Úc chơi vài lần trước khi qua đây sống hẳn nên không quá bỡ ngỡ. Ông bà chuẩn bị tâm lý rất vững vàng, rằng sẽ mọi thứ sẽ khó khăn, nhưng lúc nào bên cạnh cũng có gia đình, con cái, cộng đồng nói cùng ngôn ngữ”, chị Khánh kể với SBS.

Việc sống gần khu người Việt giúp cha mẹ chị Khánh Trần không gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp và sinh hoạt

“Tiếng Anh của bố chị khá tốt, mẹ thì ít hơn. Về mặt ngôn ngữ, ông bà không quá bỡ ngỡ, không phải vì ông bà có đủ tiếng Anh, mà môi trường của ông bà không cần quá nhiều đến mức bị sốc”.

Học cách đi lại và tìm kiếm sự giúp đỡ

“Khi mình du lịch đến một vùng đất mới, mình tận hưởng sự khác biệt về mặt văn hóa và ẩm thực mới. Nhưng khi định cư, sự ngắn hạn không còn nữa. Do đó, nhiều người gặp phải chướng ngại về tâm lý.

Quan trọng là vượt qua khó khăn ban đầu, để có thể thiết lập thói quen sinh hoạt hàng ngày, vận động và đi lại”, chị Khánh Trần chia sẻ.

Với những bác cao niên có thể lái xe, đây là khởi đầu tốt đẹp để các bác có thể lấy bằng lái và thoải mái đi lại tại Úc.

Nhưng với những bác không thể lái xe, hệ thống giao thông công cộng tại Úc rất tiện lợi và dễ dàng di chuyển.

“Mình đã mua cho mẹ một chiếc xe đạp điện, xin giấy bác sĩ để bà có thể lái trên lề. Đồng thời hướng dẫn mẹ đi xe buýt, xe điện, xe lửa. Bà có thể đi được khắp nơi. Quan trọng là ông bà có tâm lý nếu mình muốn mình có thể tự đi, không phụ thuộc vào ai. Tâm lý mình có thể tự lập giúp ông bà có được cuộc sống thoải mái”, chị Khánh chia sẻ với SBS.
Ông bà vẫn ăn được những món ăn Việt Nam như dưa cà, mắm muối, có những người bạn cao niên người Việt, đi tập thể dục ở phòng gym có nhân viên nói tiếng Việt và sinh hoạt trong các câu lạc bộ cao niên gốc Việt.
Không cần hòa nhập, chỉ cần thích nghi

Với những người lớn tuổi, có cả một cuộc đời gắn bó tại Việt Nam, khi đổi qua một nền văn hóa hoàn toàn mới sẽ rất khó khăn.

“Chúng ta không cần đặt mục tiêu cho ông bà hòa nhập cuộc sống tại Úc, sống như một người Úc, chỉ cần thích nghi là được.

Thích nghi với cuộc sống, môi trường mới. Ông bà vẫn ăn được những món ăn Việt Nam như dưa cà, mắm muối, có những người bạn cao niên người Việt, đi tập thể dục ở phòng gym có nhân viên nói tiếng Việt và sinh hoạt trong các câu lạc bộ cao niên gốc Việt”, chị Khánh nói với SBS.

Chị Khánh Trần chia sẻ tất nhiên có những thứ ông bà không hài lòng, nhưng ông bà luôn tập trung vào những cái được hơn cái mất, tránh buồn phiền, trách móc những điều không được.

Trong quá trình thích nghi đó, sẽ không tránh khỏi những lúc buồn bã, bi quan, nhưng quan trọng hơn cả hãy giúp ông bà hiểu rằng luôn có sự giúp đỡ và tình yêu thương của con cháu, gia đình.

Sống chung hay sống riêng với con cái?

Điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh, văn hóa và tính cách gia đình. Có những gia đình sống chung rất hạnh phúc, nhưng có những gia đình sống riêng sẽ tốt hơn.

“Khi ông bà mới qua Úc, các con của mình còn rất nhỏ, việc sống chung với ông bà rất có lợi. Mình có thể chăm sóc cho ông bà, giúp ông bà thiết lập các thói quen sinh hoạt thời gian đầu, ông bà chăm sóc và dạy dỗ các cháu.

Nhưng khi các con lớn hơn, cần khoảng không hơn, lúc này ông bà đã quen với cuộc sống mới, có bạn bè, thì ông bà ở riêng, ông bà đã quen với việc tự lập. Ông bà có thể mời bạn bè đến chơi vào cuối tuần.

Các con lớn có khoảng không để sinh hoạt. Mỗi người cần có không gian riêng, ở chung cũng được, nhưng cần có không gian riêng để tránh xung đột, cải vã.

Việc ở riêng nhưng gặp nhau rất thường có thể củng cố tình cảm rất tốt, đồng thời tao nền tảng văn hóa Việt cho các con”, chị Khánh Trần nói.

Cầu tiến, rộng lòng trước khác biệt

Những người cao niên mới qua Úc sẽ được tham gia chương trình học tiếng Anh của chính phủ. Đây là cơ hội tốt để học hỏi thêm về nước Úc, tăng cường cơ hội kết bạn, giao lưu và sinh hoạt nhóm.

Các nhân viên song ngữ sẵn sàng hỗ trợ người cao niên trong việc hòa nhập và thích nghi xã hội.

“Cha mẹ của mình nhờ vào chương trình này mà tham gia hội dưỡng lão gốc Việt. Các bác sinh hoạt rất thường xuyên, gắn bó, có rất nhiều chương trình thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe của các bác”.

Con cái có thể hướng dẫn ông bà truy cập các trang mạng của chính phủ, nhận email thông báo các chương trình của chính phủ.
Chị Khánh Trần và hai con gái
Chị Khánh Trần và hai con gái Source: Supplied
Tham gia nuôi dạy các cháu

“Mình và các con đang đi làm và đi học trong môi trường Úc, nói tiếng Anh. Khi trở về nhà lại được sống trong văn hóa Việt với ông bà. Các con được nói tiếng Việt với ông bà, dù hơi khó khăn, nhưng việc này giúp ngôn ngữ phát triển.

Món ăn, câu chuyện, nếp sống mà ông bà mang lại là điều vô cùng quý giá. Nhờ có ông bà mà các con giữ lại được văn hóa. Ông bà là niềm an ủi của mình, là văn hóa, nguồn cội của các cháu”, chị Khánh tâm sự.

Có thể về Việt Nam bất cứ lúc nào

Nhiều ông bà cảm thấy bi quan, buồn bã và bí bách, khi đã bán hết nhà cửa ở Việt Nam, rồi qua đây với con, sống cuộc đời tù túng, không biết tiếng Anh.

Chị Khánh Trần chia sẻ hãy lập kế hoạch để cha mẹ về Việt Nam chơi, du lịch, thăm họ hàng thường xuyên.

“Trong thời gian COVID, ông bà càng bị tù túng, cảm giác bị nhốt trong nhà ngột ngạt, càng nhớ Việt Nam nhiều hơn. Bố mẹ mình luôn lập kế hoạch về Việt Nam định kỳ, điều này giúp ông bà có cảm giác đây vẫn là nhà, không phải có cảm giác đi là cắt đứt hết, không còn đường quay về.

Không đi Việt Nam thì ta đi những nước khác cũng được, hướng tới cuộc sống năng động, giữ tinh thần lạc quan, nghĩ về thứ mình có thể làm”.

Mời quý thính giả nhấn vào audio để nghe phần phỏng vấn với khách mời.
 


Share