Nuôi con ở Úc: "Hậu trường” của việc cho con học thêm

Cho con học thêm là điều khá phổ biến với rất nhiều cha mẹ Châu Á.

Cho con học thêm là điều khá phổ biến với rất nhiều cha mẹ Châu Á. Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

“Ở Việt Nam hay làm bài kiểm tra, điểm kém là cha mẹ biết ngay con đang yếu môn nào đó. Tại Úc, không phải trường nào cũng đánh giá trình độ tốt, nhất là cấp 1, thầy cô đều nói cháu học OK. Nhưng lên cấp 2, chương trình khó hơn, con phàn nàn, chán nản khi đến lớp, cha mẹ mới vỡ lẽ…”


Cho con học thêm là điều khá phổ biến với rất nhiều cha mẹ Châu Á, đặc biệt là phụ huynh gốc Việt tại Úc. Cha mẹ có nhiều lý do để gửi con đến một trung tâm gia sư: con yếu một môn học nào đó, con học rất khá và muốn con có môi trường thử thách thêm, luyện cho con vào trường tuyển, hoặc thấy con của bạn bè mình đi học thì lo lắng đưa con đi học để "bằng bạn bằng bè".

Tác giả sách nuôi dạy con , với kinh nghiệm quản lý một trung tâm dạy kèm tại Melbourne chia sẻ những “bí mật hậu trường” của việc cha mẹ cho con đi học thêm.


Chị Jerry Le có thể phân tích những lý do mà cha mẹ thường gửi con đến các lớp học thêm?

Trong quá trình mình quản lý trung tâm học thêm, bố mẹ thường đưa con đến học với rất nhiều lí do. Sau đây là những lí do chính: 

  1. Con không theo kịp chương trình của lớp, của trường giảng dạy. Ví dụ mình có nhiều học sinh lớp 5, lớp 6 không biết bảng cửu chương hay phân số. Hoặc các em lớp 3, lớp 4 không biết viết một bài luận, mở bài, thân bài, kết luận. Không chỉ riêng học sinh Châu Á, học sinh bản địa cũng gặp khó khăn trong Tiếng Anh. Đây là những trường hợp cấp bách cần học, vì để lâu sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin và lòng tự tôn của các em.
  2. Học sinh cảm thấy chương trình dạy trên lớp quá dễ, vì khả năng tiếp thu nhanh hoặc bố mẹ đã kèm trước, hoặc thấy chán và muốn nhiều thử thách thêm. Không nhất thiết những học sinh này muốn thi học bổng.
  3. Bố mẹ chỉ muốn con đi học để có bài tập về nhà, vì ở đây không có nhiều bài như ở Việt Nam. Hoặc bố mẹ muốn con có một nền tảng cơ bản để lên cấp hai, hoặc lớp 11, 12 không quá chật vật. Trường hợp này không quá cấp bách. Nếu mình đặt cho con một thời gian biểu và có thể dạy con, phụ huynh có thể mua sách về cho con làm.
  4. Cũng có học sinh đi học để luyện thi học bổng vào trường tuyển. Thường những học sinh này học kiến thức trước  một đến hai năm sẽ có cơ hội tốt để đậu.
  5. Một trường hợp nữa là bố mẹ rất giỏi, có thời gian nhưng không đủ kiên nhẫn để dạy, và không muốn làm ‘sứt mẻ’ tình mẹ con, cha con...
Đúng là tâm lý nhiều bố mẹ đưa con đi học chỉ vì thấy con của đứa bạn thân biết nhiều quá mà con mình chưa đâu vào đâu. Điều này phụ thuộc vào mục tiêu của con bạn và bạn. Ví dụ như nếu muốn thi trường chuyên, nên luyện tầm ít nhất một năm trước khi thi. Nếu thực sự các con thấy khó khăn ở lớp mà bố mẹ không có khả năng kèm thêm, thì cũng nên đi.

Mục tiêu lớn nhất vẫn là để con hứng thú trong việc học, rèn tính kỷ luật hơn là bằng bạn bằng bè.
Một số cha mẹ muốn con đi học để có bài tập về nhà, vì ở đây không có nhiều bài như ở Việt Nam.
Một số cha mẹ muốn con đi học để có bài tập về nhà, vì ở đây không có nhiều bài như ở Việt Nam. Source: Pixabay
Học thêm tại Úc là học những môn gì, trên thị trường hiện nay?

Trung tâm mình dạy chuyên Toán và tiếng Anh, hai môn căn bản. Cũng có nhiều trung tâm kèm các môn khoa học. Sinh, toán, lý, hóa, ngoại ngữ, phụ huynh thích học môn gì là có gia sư kèm môn đấy. Nhưng học phổ thông, vào thi tuyển vào lớp chọn, Toán và tiếng Anh là bắt buộc.

Điều gì sẽ diễn ra trong một lớp học thêm? Các em được học trước những bài  trên lớp, luyện các kỹ năng cần thiết để học tốt một môn nào đó, hay làm nhiều bài tập và thầy cô hướng dẫn cụ thể hơn?

Mỗi trung tâm có một phương pháp giảng dạy và học khác nhau. Trung tâm mình tập trung giảng dạy theo nhu cầu cá nhân, có nghĩa là mỗi em đều có một chương trình, bài tập khác nhau, phù hợp với trình độ, chứ không phải theo lớp.
Mình nghĩ để tiến bộ nhanh các con phải làm bài tập về nhà, không cần quá nhiều, 20 đến 30 phút một ngày, một môn là được.
Học sinh có thầy cô hướng dẫn cụ thể từng chủ để mới, hoặc những khái niệm mới. Nhưng mình tin ‘hát hay không bằng hay hát’, có nghĩa là học sinh vẫn phải tự làm bài, kể cả làm sai, rồi cô hướng dẫn sửa lại vẫn tốt hơn là chỉ nghe giảng và không có thực hành.

Nên trong vòng một tiếng, hoặc toán hoặc tiếng anh, học sinh có 15- 20 phút đầu để chữa bài về nhà từ tuần trước nộp. 15- 20 phút sau thầy cô dạy kiến thức mới, theo giáo án của trường nhưng trình độ của học sinh đó. 20 phút cuối là luyện tập ngay những gì thầy cô vừa giảng.

Phương pháp này khá vất vả khoản chuẩn bị giáo án vì mỗi học sinh lại có bài khác nhau nhưng rất hiệu quả, đặc biệt cho các bạn học đuối, vì sẽ làm các bạn lấy được sự tự tin, sau đấy sẽ bứt lên được.

Mình vẫn rất Châu Á, vẫn nghĩ để tiến bộ nhanh vẫn phải làm bài tập về nhà, không cần quá nhiều, 20 đến 30 phút một ngày, một môn là được. Trăm hay không bằng tay quen. Ví dụ các con chơi game giỏi vì các con chơi đi chơi lại một bàn, biết lúc nào nhảy, lúc nào bắn, lúc nào trốn.

Tuổi nào thì trẻ bắt đầu học thêm? Nhiều cha mẹ cho con học thêm từ lớp 1, có quá sớm hay không?

Tuổi nào cũng có thể học, mình có học sinh 4 tuổi đến muốn học chữ, học đọc. Dạy các bạn bé thì cần nhiều sự chú ý hơn và những bạn bé thì sẽ có các hoạt động tô chữ, vẽ hình. Các bạn lớp một sẽ học nhiều về đánh vần để đọc được. Toán, cộng trừ trong vòng 1 đến 10. Mình vẫn nhớ có bạn lớp một mà không biết cầm bút, không biết chữ cái, thì nên học để khắc phục.

Còn nếu không quá cấp bách và những căn bản này bố mẹ dạy được thì để các con học ở trường, rồi bố mẹ kèm thêm. Học sinh đến trung tâm mình nhiều bắt đầu từ giữa lớp 2, đầu lớp 3.

Những dấu hiệu nào cho thấy trẻ nên có một gia sư dạy kèm hoặc nên đến lớp học thêm?

Ở Việt Nam hay làm bài kiểm tra, điểm kém là biết ngay. Bên này cũng có những trường đánh giá trình độ tốt, có những trường dở, nhất là cấp 1, đều nói cháu ok. Đến cấp 2, chương trình khó hơn nhiều, con phàn nàn, chán nản đến lớp vì không hiểu mới biết. Thường mình giúp học sinh yếu theo kip trên lớp lúc lớp 3, lớp 4 nhanh hơn nhiều với học sinh cấp 2.

Dấu hiệu để có gia sư lại quay lại với những lí do mình nói lúc trước:

- Con cảm thấy không theo kịp trên lớp, không muốn đến lớp, mất tự tin vào bản thân

Ví dụ với toán, lớp 3, 4 vẫn không biết cộng trừ 3, 4 chữ số, không biết làm phép nhân chia. Lớp 5 không biết phân số, là báo động. Với tiếng Anh, lớp 3, không biết viêt câu, không biết dấu chấm, dấu hỏi. Lớp 4, lớp 5 không biết nối câu, không biết viết văn phải tách từng đoạn, mở bài, thân bài, kết bài, không viết được hơn một trang giấy, không biết động từ, tính từ, danh từ thì cần đi kiểm tra để tham khảo ý kiến.

- Con tỏ ra học rất nhanh, tò mò hỏi thêm các trình độ cao hơn, mà mình không có thời gian hoặc trình độ sư phạm. Mình có em học sinh lớp 4, có mẹ là gia sư, cũng kèm ở nhà, toàn làm bài trình độ lớp 6, lớp 7. Cuối giờ hôm trước em hỏi đã đưa bài về phần trăm chưa, mình nói rồi, em nói “yes”. Trường hợp này có, nhưng không nhiều.

Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con, và hoàn toàn có thể cùng con học tại nhà. Thế nhưng nhiều phụ huynh di dân lo lắng rằng mình không rành rẽ hệ thống giáo dục tại Úc, mình nói tiếng Anh không như người bản xứ, mình không thể dạy con môn viết chẳng hạn. Chị có chia sẻ gì với các phụ huynh trong việc tự mình hỗ trợ việc học cho con?

Mình có nhiều phụ huynh đến trung tâm cũng giỏi lắm. Nhưng thứ nhất là đi làm không có thời gian, thứ hai là sợ phương pháp khác nhau. Mình dạy một đằng, cô dạy một nẻo, con dễ bị lẫn lộn.

Từ kinh nghiệm, mình thấy bố mẹ di dân mà có kiến thức thì có thể kèm toán các con khá tốt. Vì ngôn ngữ toán học khá giống nhau. VÍ dụ như bảng cửu chương, cách chia dư, hay hình học, phân số. Đương nhiên là nhiều khi cách viết hoặc cách giải hơi khác nhau chút thôi, nhưng nhìn chung lý thuyết, định luật và kết quả ra là giống nhau.

Với môn toán, bố mẹ có thể giúp con từ nhỏ, tập đếm, đi chợ hỏi con cách tính tiền, giảm giá, học thuộc bảng cửu chương. Kể cả không rành tiếng Anh, hỏi con bằng tiếng Việt cũng không sao. Mình tập cho con tư duy logic. Trẻ con thích nghi cũng nhanh lắm.

Với môn tiếng Anh sẽ khó hơn. Một sai lầm mọi người cứ nghĩ người bản xứ thì giỏi tiếng Anh rồi, cần gì học thêm. Trung tâm mình có nhiều học sinh Úc đi học tiếng Anh. Vì văn nói khác với văn viết, ngữ pháp, chính tả.
Bố mẹ nếu không giỏi tiếng Anh vẫn có thể giúp con viết tốt hơn bằng cách nói chuyện, hỏi các con, bằng tiếng Việt cũng được, để các con có thói quen soi rọi, bàn luận, đưa ra ý kiến, suy nghĩ, và bày tỏ cảm xúc của mình.
Ví dụ với môn viết, có hai vấn đề thường gặp:

Nhóm 1: Thích viết lắm, viết 3, 4 trang giấy. Nhưng thầy cô đọc xong thì không hiểu viết về vấn đề gì, mỗi đoạn là một câu chuyện khác nhau, không liên quan đến câu hỏi, Việt Nam gọi là lạc đề.

Nhóm 2: Một chủ đề đơn giản như tường thuật về ngày đầu tiên con quay lại lớp. Con viết được 5 câu, cô tưởng là đầu bài, trò nói đây là cả bài viết của con. Cô hỏi lại những câu hỏi chi tiết hơn, con làm gì, chơi với ai, học được gì mới, con đều trả lời không biết.

Theo kinh nghiệm, dạy nhóm 1 tiến bộ dễ hơn nhiều với dạy nhóm 2. Nói ví dụ đấy để nói rằng bố mẹ nếu không giỏi tiếng Anh vẫn có thể giúp con viết tốt hơn bằng cách nói chuyện, hỏi các con, bằng tiếng Việt cũng được, để các con có thói quen soi rọi, bàn luận, đưa ra ý kiến, suy nghĩ, và bày tỏ cảm xúc của mình. Điều này rất quan trọng, còn các lỗi chính tả, ngữ pháp, câu cú, các thầy cô giúp được.

Cái thứ hai bố mẹ có thể giúp được là tạo cho con thói quen đọc sách tốt. Vì khi các con đọc sách văn học, không phải truyện tranh không, các con sẽ học được cách người khác viết và tăng cường được kiến thức để những lập luận, ví dụ có tính thuyết phục hơn.
 Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con, và hoàn toàn có thể cùng con học tại nhà.
Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con, và hoàn toàn có thể cùng con học tại nhà. Source: Pixabay
Làm sao để đánh giá việc học thêm có thực sự mang lại hiệu quả cho bé hay không? Nhiều bé cảm thấy áp lực, không hợp tác trong lớp học hoặc từ chối đi học.

Thường bố mẹ nhận biết được ngay con đi học có hiệu quả hay không, nhất là những em yếu. Cô giáo trên trường sẽ phản ánh sự tiến bộ. Hoặc là điểm số cũng thay đổi.

Đúng là nếu bé phản đối dữ dội, khóc, áp lực trong một thời gian, mình phải xem lại. Lí do có thể là bài tập quá tải, sức ép về thời gian, bài chưa đúng trình độ, khó quá, hoặc thầy cô quá nghiêm khắc, không cởi mở giảng dạy.

Các con sẽ mất thời gian đầu để làm quen với giờ học mới, có bài tập về nhà. Não bộ mình thường là ghét sự thay đổi nên mình cần cho con thời gian ít nhất một tháng thích nghi. Con sẽ phàn nàn, nhưng nếu trường hợp cấp bách thì mình không đầu hàng.

Còn nếu chưa cấp bách cần học và con phản ứng dữ dội thì mình nên xem lại.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều về chuyện đi học thêm hay không học thêm. Chia sẻ của chị với các bậc phụ huynh?

Học thêm không có gì là xấu quá. Cũng như điện thoại, máy tính, bản chất là tốt, chỉ có mình sử dụng thế nào, mục tiêu và số lượng thời gian quá mức thành không tốt thôi.

Nếu mình xác định được mục tiêu tại sao mình cần học thêm (đây là câu hỏi mình hỏi đầu tiên khi bố mẹ gọi mình). Kết quả mình muốn đạt được là gì, có lợi lâu dài thế nào? Dành thời gian bao lâu trong tuần để học? Học ở đâu, học phương pháp nào để phù hợp với trình độ và mục tiêu của con, hợp với thời gian đi lại và tài chính của gia đình.

Bây giờ mình đã trưởng thành nhưng vẫn học thêm đấy. Ví dụ như tiếng Anh tốt, muốn viết sách thì mình học thêm khóa huấn luyện viết sách. Người ta dạy căn bản muốn viết cho ai, về vấn đề gì, để giúp ai.

Vậy nên mọi thứ đều là tương đối, cái chính là cần quan sát, hiểu con thực sự cần gì, tại sao lại cần, điều này là tốt cho con hay cho mình. Sau đó mình tìm hiểu kĩ phương pháp, trung tâm phù hợp để mình đạt được kết quả mong muốn.

Mời quý thính giả bấm vào audio để nghe phỏng vấn với khách mời.

Share