Nuôi con ở Úc: Những người cha gốc Việt có phải kiểu “chồng chúa vợ tôi”?

Đoàn Phạm Hà Trang là mẹ của hai bé Subi và Subo, hiện sống tại Sydney. Cô là một Facebooker có nhiều bài viết chia sẻ quan điểm nuôi dạy con cái.

Đoàn Phạm Hà Trang là mẹ của hai bé Subi và Subo, hiện sống tại Sydney. Cô là một Facebooker có nhiều bài viết chia sẻ quan điểm nuôi dạy con cái. Source: Ha Trang

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Đàn ông Việt ở Úc không chỉ đi làm mà còn cùng vợ chăm sóc con cái, vào bếp, làm vườn, sửa nhà. Hết giờ làm là về nhà ngay, muốn nhậu cũng không có bạn để nhậu, vì ai cũng hướng về gia đình. Muốn lười cũng khó, vì đâu ra người giúp việc. Đàn ông xưa mải mê “ghi dấu ấn ngoài xã hội”, đàn ông nay bận rộn việc gia đình.


SBS: Khi nói đến việc nuôi con, rất nhiều người sẽ nghĩ đến vai trò của người mẹ. Phụ nữ thường được cho là phải giữ trách nhiệm chính trong việc chăm sóc và dạy dỗ con. Theo Hà Trang, vai trò của người cha nằm ở đâu?

Chúng ta vẫn nhìn thấy một điều quen thuộc lâu nay trong xã hội Việt Nam truyền thống là luôn đề cao người đàn ông với những danh xưng mỹ miều “nam nhi đại trượng phu”. Mà đã là nam nhi thì “đầu phải đội trời, chân phải đạp đất”, hay phải “chọc trời khuấy nước mặc dầu”.

Cứ sinh ra là đàn ông phải mạnh mẽ, phải là trụ cột gia đình vì thế bằng mọi giá đàn ông phải thành đạt, phải có địa vị cao trong xã hội. Đàn ông chỉ làm việc lớn ngoài xã hội. Bếp núc, nhà cửa là của chốn đàn bà.

Chính vì lối suy nghĩ như vậy nên nhiều thế hệ nam giới Việt đã được các thế hệ phụ nữ Việt nuôi dạy chỉ để mải miết ghi dấu ấn ngoài xã hội. Đương nhiên, đó chỉ là phần đông chứ không phải là tất cả. Xã hội ngày càng tiến bộ văn minh hơn, truyền thống đó, mừng thay cũng đã thay đổi nhiều.

Xã hội phương Tây nói chung, xã hội Úc nói riêng, về cơ bản hiện thực xã hội cho thấy, sự phân công trong gia đình giữa phụ nữ và đàn ông, cha và mẹ tương đối uyển chuyển. Không có cái gọi là việc của đàn ông và đàn bà, chỉ có hoàn cảnh nào ai làm gì thì hợp lý hơn.
Đàn ông Việt trưởng thành nhiều nhờ kinh nghiệm và vốn sống tích lũy được trong suốt quãng thời gian học tập và sinh sống tại Úc.
Chúng ta thấy rất nhiều phụ nữ sau sinh vì điều kiện không cho phép, họ bắt buộc phải trở lại công việc ngay. Trong khi đó, chồng họ lai có điều kiện công việc linh hoạt hơn, vì thế họ ở nhà chăm con để vợ đi làm, “stay at home dad” được nhìn nhận đơn giản như vậy.   

Mình may mắn sinh ra và lớn lên ở Việt Nam cùng một người bố “đi ngược dòng” thời đại. Tức là khi cả xã hội Việt truyền thống luôn đề cao người đàn ông “đầu đội trời, chân đạp đất” thì mình lại được bố chăm chút từ tấm bé.

Có giai đoạn những năm 2000 bố mình bị trầm cảm nặng, ông gần như phải dứt ra khỏi công việc để giảm thiểu áp lực, bố mình dành nhiều thời gian để ở nhà chăm sóc nhà cửa, con cái, còn mẹ mình lại là trụ cột kinh tế chính của gia đình.

Vì lớn lên như vậy, rồi sau này đi du học, và cuối cùng là sinh sống tại Úc, mình nhìn nhận vai trò của người cha đơn giản thôi: là một thành viên trong gia đình, là một người chồng của một người vợ, là cha của một hoặc một vài đứa con. Do đó, có là gì ngoài xã hội thì về nhà vẫn cứ giản dị với ba vai trong một chức danh đó. Vậy thì những công việc xoay quanh chức danh họ tự lựa chọn đó chỉ đơn thuần là đang nuôi dưỡng cảm xúc hạnh phúc của chính họ mà thôi.
Việc nuôi con nên và phải là việc của cha mẹ chúng.
Con trai cũng cần biết làm việc nhà, con gái cũng cần có chí lớn. Source: Ha Trang
SBS: Như Hà Trang chia sẻ, quan điểm của xã hội Đông và Tây, cụ thể là Việt Nam và Úc rất khác nhau về sự đóng góp của người cha trong một gia đình. Đàn ông sinh ra và lớn lên ở Việt Nam rất dễ ảnh hưởng bởi quan điểm này. Thế nhưng những người cha di dân, sinh trưởng ở Việt Nam, nhưng có thời gian, kinh nghiệm, vốn sống ở Úc liệu có khác không?

Nếu dành thời gian để quan sát, khi ra công viên hay những khu vui chơi ở Úc, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ông bố đang đẩy xe đẩy, đang chơi đùa với con, đang cho con ăn… dù đó là người cha tóc vàng hay tóc đen.

Ở Úc, phụ nữ hay đàn ông họ đều rất đa năng. Phụ nữ một tay chăm sóc gia đình đông con từ nhà cửa, vườn tược, con cái, bài trí, sửa chữa đồ dùng cũ thành mới và đi làm. Họ không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ người thân cũng như bố mẹ hai bên hay giúp việc. Đàn ông không chỉ đến công sở mà còn biết cùng vợ chăm sóc con cái, vào bếp, làm vườn, sửa nhà. Đó không chỉ là những người sinh ra và lớn lên ở Úc mà còn là những người sau này mới đến Úc nhập cư. 

Không biết những người cha di dân, sinh trưởng ở Việt Nam trước đây thế nào, nhưng hầu như những người bạn của mình, những người mình tiếp xúc đều là những người không chỉ cần cù, chăm chỉ ngoài xã hội, mà cũng là những người biết chăm sóc gia đình, quan tâm con cái và người bạn đời của họ.

Họ thay tã, tắm rửa, cho con ăn. Họ biết vào bếp nấu cơm hay rửa bát. Họ biết sửa chữa nhà cửa… Đó có phải là do giáo dục của gia đình hay không thì mình không rõ. Cũng có thể lắm chứ, nhưng mình nghĩ họ cũng trưởng thành nhiều nhờ kinh nghiệm và vốn sống tích lũy được trong suốt quãng thời gian học tập và sinh sống tại Úc.

Ở Úc, môi trường sống xung quanh là như vậy. Đàn ông hết giờ làm là về nhà, muốn nhậu cũng không có bạn để nhậu, vì ai cũng hướng về gia đình. Muốn lười cũng thật khó, vì chẳng có nhiều sự trợ giúp như họ hàng, ông bà. Mức sống cao, mọi chi tiêu đều đắt đỏ, người ta buộc phải biết làm nhiều thứ.

Đặc biệt khi cái nhìn về sự phân công công việc giữa phụ nữ và nam giới cân bằng, thì nam nhi đại trượng phu chỉ giản đơn là một con người bình thường không phải gồng gánh trên vai nhiều mỹ từ đao to búa lớn. Họ chỉ đơn giản là một thành viên trong gia đình, khi ấy việc nào cũng là việc chúng ta có thể làm và nên làm.
Khi cái nhìn về sự phân công công việc giữa phụ nữ và nam giới cân bằng, thì nam nhi đại trượng phu chỉ giản đơn là một con người bình thường không phải gồng gánh trên vai nhiều mỹ từ đao to búa lớn.
Nam nhi đại trượng phu chỉ giản đơn là một con người bình thường. Source: Ha Trang
SBS: Hà Trang suy nghĩ như thế nào về người bạn đời của mình và cha của hai con nhỏ. Anh là một người cha gốc Việt nhưng đã sống ở Úc hơn 10 năm. Quan điểm làm cha, làm chồng của anh có khác so với các ông bố Việt trong nước không?

Mình và ông xã quen nhau khi ông xã đã có một thời gian dài học tập, sinh sống và làm việc tại Úc. Nếu để so với những ông bố Việt khác thì mình không biết phải so thế nào. Vì từ khi lấy chồng, làm vợ rồi làm mẹ mình đã ở Úc rồi. Mình không có điều kiện để quan sát nhiều các ông bố ở Việt Nam cùng trang lứa hoặc lớn/nhỏ hơn mình một vài tuổi.

Ở vai một người vợ mình luôn muốn cảm ơn chồng vì anh không chỉ chăm chỉ nơi công sở, cầu tiến vươn lên trong sự nghiệp mà còn luôn hướng về vợ con và gia đình. Có lẽ nói về vai trò người cha, bọn trẻ nhà mình sẽ là những người có tiếng nói nhất trong câu hỏi này. Bọn trẻ không chỉ gọi bố vì bố là bố, mà chúng yêu bố vì chính những gắn bó hàng ngày khi bố tắm cho chúng từ thuở lọt lòng, thay cái tã, dọn dẹp bãi chiến trường khi con ăn xong, đưa con đi chơi, chơi cùng con, lắp cho con cái bàn học, dạy con đi xe đạp, trò chuyện, trêu đùa, định hướng cho con trong mỗi câu chuyện…

Ông xã không chỉ biết đồng hành cùng vợ cùng xây tổ ấm, mà anh còn quan tâm, để tâm lưu ý từng sở thích của nhỏ nhặt của vợ. Anh luôn cố gắng để chia sẻ và đỡ đần vợ, thậm chí âm thầm dành thiệt thòi về mình để vợ con vui. Đó có lẽ chính là minh chứng rõ nhất để nói lên quan điểm làm cha, làm chồng của anh.

SBS: Nhiều người mẹ Việt cũng chia sẻ chồng em ở Úc nhưng không làm gì hết, đi làm về là ngồi chơi game hoặc ôm cái tivi, cơm để vợ nấu, con bỏ mặc bơ vơ, cảnh chồng chúa vợ tôi vẫn tồn tại trong những gia đình gốc Việt tại Úc. Hà Trang từng nói, người chồng có thay đổi được suy nghĩ Á Đông đã ăn sâu vào nếp sống, phong tục, tập quán hay không cũng là nhờ người vợ. Người vợ phải làm sao đây?

Bên cạnh số đông những người chồng, người cha di cư như trên vừa nói, đương nhiên vẫn có một phần nhỏ những người chồng, người cha Việt ở Úc vẫn mang những tư tưởng xưa cũ, chưa biết cách sẻ chia và quan tâm đến vợ con và gia đình.

Mình nghĩ để thay đổi một người trưởng thành rất khó. Trước hết, nếu tình yêu của người đàn ông dành cho người phụ nữ, cho con cái, cho gia đình của họ đủ lớn, khi ấy người đàn ông sẽ tự gọt mình sao cho phù hợp với hình hài của những thứ thân thương quanh họ. Chẳng ai ép được và chẳng ai có thể thay đổi họ được.
Phụ nữ Việt đảm đang, tháo vát, cầu toàn quá, nên tự dưng thành ôm đồm. Người chồng dần cảm thấy sự có mặt của họ là thừa thãi vì không có sự tham gia giúp sức của họ, vợ họ, con họ, gia đình họ vẫn sống tốt.
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là chúng ta không thể có những tác động khéo léo và tích cực để góp phần hòa vào sự tự gọt mình của họ.

Phụ nữ Việt đôi khi đảm đang quá, tháo vát quá, đa nhiệm giỏi quá, cầu toàn quá, nên tự dưng thành ôm đồm. Người chồng dần cảm thấy sự có mặt của họ là thừa thãi vì không có sự tham gia giúp sức của họ, vợ họ, con họ, gia đình họ vẫn sống tốt.

Thế nên, sao phụ nữ chúng mình không thử:

  • Cho người chồng của mình có không gian để phát triển bản thân trong môi trường gia đình. Phụ nữ bớt tháo vát đi một chút, “nhờ vả” nhiều lên một chút, khoan dung lên một chút, bớt cầu toàn đi nhiều chút để người chồng có cơ hội được làm.
  • Nếu chồng làm, vợ chưa vừa ý thì góp ý khéo léo, hài hước (tránh giội gáo nước lạnh vào sự cố gắng của chồng) và nhớ là đừng quên ghi nhận và cảm ơn sự cố gắng ấy.
  • Lưu ý về cách giao tiếp với chồng. Ai cũng ưa mềm mỏng, nhẹ nhàng, đàn ông cũng vậy. Thay vì giao việc, thì ta “nhờ” việc, cảm ơn họ và cho họ thấy mình trân trọng những cái họ làm và không quên luôn dành thời gian để đối thoại, để hiểu nhau.
SBS: Nhưng cũng có những trường hợp người chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ, và người vợ luôn cho rằng việc nhà mình phải cáng đáng hết, phục vụ cho chồng và chồng không phải đụng tay đụng chân việc gì?

Điều này cần sự thay đổi suy nghĩ ở phụ nữ. Khi phụ nữ còn chưa nhận ra giá trị thực sự của mình thì làm sao có thể mưu cầu người đàn ông hiểu và trân trọng mình.

Với trường hợp đàn ông gia trưởng, bảo thủ từ suy nghĩ thì như mình nói bên trên, cùng với sự cảm hóa từ từ của người bạn đời, khi họ đủ yêu, đủ thấy mình cần thay đổi, họ sẽ có cách gọt mình để phù hợp với chiếc áo mới mang tên “gia đình” mà họ đã lựa chọn khoác lên.
Hai người khi đã quyết định đến với nhau là cùng nhau trưởng thành, giúp nhau hiểu được một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, một vợ/chồng không làm nên gia đình.
Trong trường hợp không đủ yêu để đủ biến chuyển thì quyết định ở người phụ nữ thôi. Có người chọn mặc mãi một chiếc áo dù nó có chật hay rộng, nhưng sẽ có những người bỏ chiếc áo cũ đi và chọn lại một chiếc phù hợp hơn với mình.

Suy cho cùng, hai người khi đã quyết định đến với nhau là cùng nhau trưởng thành, giúp nhau hiểu được một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, một vợ/chồng không làm nên gia đình. Gia đình là nơi cùng sẻ chia, đỡ đần, nhìn nhau để sống để duy trì một mái ấm dài lâu.
Người chồng có thay đổi được suy nghĩ Á Đông đã ăn sâu vào nếp sống, phong tục, tập quán hay không cũng là nhờ người vợ.
Người chồng có thay đổi được suy nghĩ Á Đông đã ăn sâu vào nếp sống, phong tục, tập quán hay không cũng là nhờ người vợ. Source: Ha Trang
SBS: Hà Trang có hai người con trai, Trang dạy các con mọi kỹ năng, tưởng chừng như đó là việc của phụ nữ như nấu cơm, rửa chén, dọn dẹp nhà tắm, chùi toilet, lau nhà, phơi đồ. Trang còn hài hước cho rằng nếu đạt được những kỹ năng này thì coi như “thoát ế” tại Úc?

Mình có hai cậu con trai. Một quan điểm xuyên suốt trong giáo dục con cái của mình đó là các con cần phải biết tự làm những việc cơ bản xoay quanh cuộc sống của các con. Nấu cơm, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, chùi toilet, lau nhà, phơi đồ, đều là những việc cá nhân chứ đâu có phải việc mang tên “phụ nữ”.

Các con cần biết làm cho chính các con. Càng tự làm được nhiều việc bao nhiêu, các con càng ít bị phụ thuộc bấy nhiêu. Nhờ đó các con tự do hơn. Cũng từ đó các con sẽ tự tin hơn. Sau này, khi bước vào xã hội, khi đến tuổi xây dựng tổ ấm riêng, nhờ những kỹ năng đã được trang bị bây giờ, các con sẽ biết năng động trong mọi hoàn cảnh, biết góp sức mình vào môi trường chung, biết quan tâm và sẻ chia, biết cách bồi đắp và nuôi dưỡng những thứ quý giá bên mình. Thế thì “ế” làm sao nổi.

Nhìn nhận con trai – con gái dưới góc độ bình đẳng thì tự khắc cha mẹ sẽ có cách ứng xử hợp lý trong việc xây dựng kỹ năng cho con. Con trai cũng cần biết làm việc nhà. Con gái cũng cần có chí lớn, cũng có thể làm những nhà lãnh đạo tài ba, những người có tầm ảnh hưởng… Tại sao không?

Mời quý vị nghe phần phỏng vấn với khách mời Hà Trang trong audio.


Đôi dòng về khách mời

Đoàn Phạm Hà Trang là mẹ của hai bé Subi và Subo, hiện sống tại Sydney.

Cô là một có nhiều bài viết chia sẻ quan điểm nuôi dạy con cái, nhận được sự đồng cảm từ độc giả.

Hà Trang đang theo đuổi hành trình ươm mầm tiếng Việt và kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo và cấp một tại Úc. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Chính trị Thế giới và Thạc sĩ Luật tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.

Là một người mẹ di dân tại Úc, cô tin tưởng việc đồng hành cùng con, trao cho con chìa khóa của sự độc lập, tự tin đòi hỏi nỗ lực bền bỉ của cha mẹ.

Share