Nuôi con ở Úc: Khó khăn của những người mẹ di dân

Jerry Le, tác giả của cuốn sách nuôi dạy con TIME OUT for TIME IN

Jerry Le, tác giả của cuốn sách nuôi dạy con TIME OUT for TIME IN. Source: Jerry Le

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Lớn lên ở Việt Nam, đẻ con ở Úc, nhiều phụ nữ gốc Việt làm mẹ trong bỡ ngỡ, thử thách và cô đơn. Một cuốn sách của một bà mẹ di dân, từng đánh mất chính mình, day dứt giữa phương pháp nuôi dạy Đông và Tây, ước mong kết nối lại với bản thân và con cái.


SBS: Vì sao cuốn sách Time out for time in của chị ra đời? Chị nghĩ những độc giả nào sẽ tìm thấy chính mình, các giá trị và những kinh nghiệm hữu ích trong việc nuôi dạy con cái từ cuốn sách này?

Tôi viết cuốn sách này từ những khó khăn đã trải qua khi làm mẹ lần đầu tiên tại Úc, với rất ít sự hỗ trợ của gia đình vì bố mẹ hai bên đều ở Việt Nam.

Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ một phần lý do của những khó khăn đó là do tôi luôn tự đặt sức ép cho bản thân. Tôi muốn đóng một vai trò hoàn hảo, người mẹ, người vợ, người bạn, nhân viên, dâu hiền, con thảo. Do đó, tôi quên mất mối quan hệ cần được nuôi dưỡng nhất là với chính mình. Một phần nữa, là con cả trong gia đình, tôi lúc nào cũng làm quá trách nhiệm mình cần làm, và gắn cho mình cái mác độc lập trong nhiều tình huống. Tôi cho rằng mình có thể tự giải quyết mọi việc, không cần sự giúp đỡ từ người khác và luôn ngại ngần kể cả khi ai đó muốn đỡ đần cho tôi.

Tuy tôi được chồng giúp đỡ, hạnh phúc khi được làm mẹ và vô cùng yêu trẻ, nhưng trên hành trình đó, không ít lần tôi cảm thấy đánh mất bản thân và đôi lúc thấy cô đơn khi làm mẹ lần đầu.

Từ từ, tôi trải qua quá trình đọc, học hỏi và thực hành để kết nối lại với bản thân, sau đó nuôi dưỡng mối quan hệ tốt hơn với con và mọi người xung quanh mình. Tôi thú nhận rằng mình phải học “cách ích kỷ” hơn một chút.

Dù cuốn sách của tôi được xếp vào nhóm Parenting “Làm cha mẹ”, nhưng bạn sẽ không tìm thấy nhiều về cách chăm sóc con, cho con ăn, ngủ, học tập như thế nào. Cuốn sách của tôi tập trung nhiều vào việc làm thế nào nuôi dưỡng, kết nối với bản thân tốt hơn và những gợi ý để trò chuyện và kết nối cảm xúc cùng con.

SBS: Nếu được tự khắc họa chân dung của chính mình trong vai trò là một người mẹ, chị sẽ vẽ mình như thế nào?

Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi phải suy nghĩ rất nhiều mới trả lời được. Tôi nghĩ, như mọi cha mẹ, tôi yêu thương con vô điều kiện và ước mong điều tốt lành nhất cho con và tôi tin rằng tất cả cha mẹ đã cố gắng hết sức nhất cho con tại thời điểm đó. Tôi có viết trong sách về một trong những khó khăn của việc làm cha mẹ là phải thay đổi vai trò của mình liên tục để đáp ứng sự phát triển của con.

Từ vai trò là một người chăm sóc con từ miếng ăn, giấc ngủ, dần dần con lớn lên, đôi lúc mình trở thành một người bạn để dễ dàng chia sẻ những khó khăn cùng con, có lúc mình phải đóng vai “cảnh sát” để quản lý và đưa ra luật lệ để con tuân theo. Rồi khi con trưởng thành, mình chỉ còn cơ hội đứng ở vai trò tư vấn nữa thôi, đấy là nếu con chịu hỏi mình nhé (cười).

Do đó, trong quá trình nuôi con, tôi cố gắng linh hoạt vai trò của mình và lắng nghe, chấp nhận sự thay đổi của con và học cách thích ứng, tìm sự tích cực trong từng giai đoạn phát triển của con. Một điều quan trọng là tôi cố gắng trung thực với bản thân và với con, giải thích sự việc đúng như tình trạng của nó, không phóng đại sự việc. Đối với nhân viên và con cái, tôi cố gắng tập trung vào thế mạnh của từng cá nhân, tập trung vào thời điểm hiện tại để giải quyết vấn đề thay vì đào bới những điểm yếu và lỗi lầm.
Một cuốn sách của bà mẹ di dân mà rất nhiều người làm mẹ lần đầu tại Úc sẽ tìm thấy sự đồng cảm.
Một cuốn sách của một bà mẹ di dân mà rất nhiều người làm mẹ lần đầu tại Úc sẽ tìm thấy sự đồng cảm. Source: Jerry Le

SBS: Chị chia sẻ là mình một người mẹ di dân, chị có chịu ảnh hưởng bởi quan điểm nuôi dạy của cả phương Tây lẫn phương Đông?

Tôi nghĩ đấy là điều rất may mắn, khi tôi được trải nghiệm cả hai quan điểm nuôi dạy con, nơi nào cũng có hai mặt cả.

Tôi nghĩ cách nuôi dạy con kiểu nào, ở nền giáo dục nào, dù là văn hóa phương Đông hay phương Tây, cuối cùng cũng vẫn hướng về những giá trị quan trọng nhất: sự thông thái và kiến thức, không ngừng học hỏi, lòng dũng cảm, sự tử tế, lòng biết ơn, bao dung, niềm hy vọng và tình yêu - yêu bản thân mình, yêu thương mọi người xung quanh, yêu việc mình đã chọn và làm.

Có nhiều bố mẹ bày tỏ sự lo lắng với tôi rằng con sẽ mất gốc, không nhớ văn hóa của ông bà, tổ tiên. Khi đó, tôi chia sẻ với phụ huynh hãy tập trung vào những giá trị quan trọng trên.

SBS: Theo chị, những khó khăn mà người làm cha mẹ lần đầu sẽ phải đối diện là gì? Họ nên chuẩn bị gì để đón nhận các thử thách đó?

Điều khó khăn đầu tiên với những người làm cha mẹ lần đầu là không biết mình phải làm gì, con ngủ mấy giờ, ăn món gì, nghe nhạc gì, xem có từ ngữ không phù hợp không. Có rất nhiều quyết định bị phụ thuộc vào sự ra đời của đứa trẻ và cha mẹ trẻ chưa thể thích nghi ngay cho việc này.

Điều thứ hai là chúng ta chưa có kinh nghiệm với việc nuôi con và có quá nhiều thông tin nên đôi lúc không biết làm thế có đúng không, con có ổn không. Hãy nghĩ nhé, trẻ con đi học lớp 1 cũng cần một năm vào lớp vỡ lòng (prep) để chuẩn bị, chúng ta học đại học ba năm xong rồi ra trường bắt đầu từ những công việc căn bản và vẫn cần thời gian đầu huấn luyện đúng không?

Vậy mà mình nuôi một đứa con, biết bao trách nhiệm như chăm sóc, ăn, ngủ, xây dựng đời sống tinh thần cho con, giáo dục, hướng nghiệp, xây dựng các mối quan hệ tích cực, mà chúng ta làm gì có những lớp huấn luyện chính thống cho việc này.

Chưa kể sức ép về công việc, tài chính, thời gian để cân bằng cuộc sống gia đình, nhất là với những người mẹ nhập cư, đấy cũng là một thử thách.
Nuôi dạy con cái là một hành trình tuyệt vời với rất nhiều niềm vui và ý nghĩa, nhưng hành trình này cũng có thể có rất nhiều thử thách và đôi lúc bạn sẽ thấy cô đơn.
Lời khuyên của tôi dành cho những cha mẹ trước khi có con là các bạn hãy ngủ thật nhiều nhé, “luyện” phim bộ, dành thời gian đi chơi với bạn đời và bạn thân, đi “phượt”. Tôi tiếc nuối là hồi trẻ chỉ có học, làm và cày, nên chưa được “phượt” nhiều lắm. À, nấu ăn xong nhớ dành phần ngon cho mình trước, vì rồi bạn sẽ luôn là người ăn sau (cười). Nói đùa vậy, nhưng điều tôi muốn nói là cố gắng dành thời gian cho mình, chăm sóc bản thân thật tốt, làm những việc mình thích, chăm sóc các mối quan hệ quan trọng, 10 phút một ngày cũng được.

Đọc sách để tìm hiểu sự phát triển của con cái nhưng cũng chọn lọc, linh hoạt và lắng nghe những phản ứng của con mình để tìm cách phù hợp với gia đình. Tôi tin là mỗi đứa trẻ đều khác nhau và không ai hiểu con bằng bố mẹ nên cứ tự tin vào bản năng của mình, kết hợp với kiến thức từ sách.

Tránh so sánh mình với bố mẹ và gia đình khác. Đừng ngại ngần hỏi và nhận sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, cộng đồng cha mẹ xung quanh mình.

SBS: Chị hứa hẹn rằng độc giả sẽ có những thay đổi đáng kể trong việc tìm thấy bản thân, hiểu thêm con mình và người bạn đời, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống chỉ trong 5 bước mà Time out for time in hướng dẫn. Năm bước đó là gì?

Năm bước này tôi rút ra từ quá trình nuôi hai đứa con, năm năm làm việc với trẻ con và bố mẹ từ các nước khác nhau, cùng quá trình đọc và học sau đại học về  chuyên ngành Tham vấn (Counselling) và Khóa nuôi dạy con có ý thức (Conscious parenting course).

Mỗi một chương của sách, tôi chia sẻ một bước.

  1. Nhận biết những tổn thương trong thời thơ ấu. Tôi có đề cập một số phương thức để làm lành, và hàn gắn những vết thương này.
  2. Những gợi ý để chăm sóc bản thân, kết nối với điều quan trọng nhất. Trong chương này, tôi chia sẻ rất nhiều về giấc ngủ, sự cân bằng của năng lượng, thay đổi công việc, hàn gắn lại mối quan hệ với bạn đời.
  3. Bước này dành cho bố mẹ đi làm. Làm thế nào để tạo thói quen tích cực ở không gian giao thời giữa chỗ làm và ở nhà. Rất nhiều phụ huynh thích bước này, vì tính hiệu quả của nó. Bạn có thấy nhịp độ ở chỗ làm và năng lượng chúng ta cần ở chỗ làm rất khác với ở nhà không. Ở chỗ làm mình có nhiều sức ép, cần làm nhanh, hiệu quả, cần đưa ra rất nhiều quyết định lớn trong thời gian ngắn. Trong khi nhịp độ ở nhà thường chậm hơn, cần sự nhẹ nhàng, cảm thông hơn. Nếu như mình không có một không gian ở giữa để cân bằng lại thì thường mình sẽ mang những sức ép, áp lực về nhà và đẩy những đòi hỏi đó lên con mình, ép chúng làm việc hiệu quả như một người lớn thu nhỏ.
  4. Tiếp theo là chương cuối, tôi tập trung vào việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc.
  5. Cuối cùng là một số gợi ý về cách nói chuyện với con, làm sao để con chia sẻ tự nguyện, dễ dàng và hợp tác tốt hơn với mình.

SBS: Để làm cha mẹ như ý nguyện (thành công), điều gì là quan trọng nhất với các phụ huynh?

Mỗi gia đình lại có một ưu tiên, giá trị sống khác nhau và muốn con phát triển theo hướng đó. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng đối với con là cảm thấy được chấp nhận dù có mắc lỗi, được yêu thương một cách vô điều kiện, cảm thấy an toàn, bình an khi quay về nhà, khi tất cả mọi thứ bên ngoài đều xảy ra không như ý muốn.
Chúng ta mất hơn 12 năm để đạt tấm bằng phổ thông, 4 năm để học nghề nhưng lại ít có cơ hội để học làm cha mẹ.
Nhiều cha mẹ, mình lần đầu làm cha mẹ cũng vậy, mung lung lắm, chỉ sợ những gì mình nói và làm bây giờ sẽ làm con hỏng, con hư mai sau. Bây giờ thì mình tin là cuối cùng mọi việc sẽ ổn, các con sẽ ổn. Nếu bạn quên tất cả mọi thứ thì chỉ cần lưu ý những điều sau đây để kết nối với con tốt hơn.

  1. Có một thời gian nhất định trong ngày nghe và nói chuyệh với con, 20 phút thôi cũng được, con nói gì là quyền của nó, youtube, game, bạn bè, tình yêu. Và mình thực sụ ngồi đấy nghe và hỏi câu hỏi.
  2. Khi mình giải thích, phê bình, nói thật đúng như sự việc, không dọa nạt, không làm quá, tập trung vào sự việc hiện tại, không chỉ trích con mà việc con làm.
  3. Nếu lỡ lời, làm cái gì không đúng, dũng cảm nhận trách nhiệm và chủ động cùng nhau tạo ra nhiều những trải nghiệm vui vẻ để bù đắp.
Tôi xin trích một đoạn trong sách để trả lời câu hỏi này:

“Tôi hy vọng các bậc phụ huynh có thể bỏ lại phía sau nỗi sợ hãi, mặc cảm và kỳ vọng quá cao của bản thân, để tìm thấy niềm hạnh phúc và sự tử tế. Tôi mong các bạn có thể khám phá và tận hưởng mối quan hệ quý giá vô ngần giữa cha mẹ và con cái.

Tôi hy vọng rằng sau khi đọc cuốn sách này, cha mẹ có thể tìm thấy sự bình yên nội tâm, kết nối lại với chính mình và áp dụng được các hướng dẫn trong sách để hiểu và giao tiếp với con một cách sâu sắc.

Tôi hy vọng bạn sẽ học cách tự khen ngợi/khích lệ bản thân trước bất kỳ tiến bộ nào dù rất nhỏ trong quá trình làm cha mẹ, và hiểu rằng bạn đã nỗ lực đủ, cho dù kết quả có thế nào đi nữa.”


Đôi dòng về tác giả:

là mẹ của hai bé gái, một nhà giáo dục, một người truyền cảm hứng về việc nuôi dạy con cái, một tác giả sách và một người coi học hỏi là sự nghiệp suốt đời.

Cô đam mê nghiên cứu về con người và các mối quan hệ từ nhỏ. Khi trưởng thành, Jerry Le trở thành tiếng nói cho trẻ em. Cô là tác giả của cuốn sách nuôi dạy con

Jerry Le điều hành một trung tâm giáo dục thành công trong năm năm qua. Cô đã hoàn thành Chứng chỉ Tham vấn và khóa đào tạo về Nuôi dạy con có ý thức cùng nhiều khóa học về nuôi dưỡng mối quan hệ.

Cô hy vọng có thể chia sẻ những câu chuyện, kiến ​​thức, kinh nghiệm nuôi dạy con cái từ hai nền văn hóa Đông và Tây với tất cả các bậc cha mẹ đang gặp khó khăn, tuyệt vọng trong việc tái kết nối với những giá trị quan trọng nhất đối với chúng ta. Là cha mẹ, ta có thể chữa lành những nỗi sợ hãi, tổn thương trong quá khứ của mình để sống cuộc đời nhiều màu sắc, nhân ái và dành tặng cho con cái thời gian, sự quan tâm, chỉ dẫn và tình yêu thương mà chúng xứng đáng có được.



Share