Nuôi con ở Úc: Yoga, hơi thở và sức mạnh cha mẹ dành cho con

Đối với trẻ con, Yoga đơn giản là hơi thở, những động tác bắt chước theo các con vật, và nghỉ ngơi thư giãn

Đối với trẻ con, Yoga đơn giản là hơi thở, những động tác bắt chước theo các con vật, và nghỉ ngơi thư giãn. Source: Joy Yoga

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Mỗi khi bé mệt, giận hoặc đau, mình hay nhắc bé ngồi xuống thở. Thường thì thở xong bé sẽ nói ‘con hết mệt, con hết đau, con hết giận rồi’. Bằng cách dừng lại một phút, hít thở để tĩnh tâm và cân bằng cảm xúc, bé cảm thấy dễ chịu hơn hẳn. Thở và nhận thức mình đang thở là một thói quen vô cùng thực tế và hữu ích cho cuộc sống của bé đến cuối đời.


  • Joy Trần hiện là giáo viên yoga (hoàn thành khóa đào tạo 500 giờ) tại Melbourne Úc.
  • Cô thực hành yoga được gần 10 năm và theo đuổi việc ăn chay cùng lối sống hòa hợp với tự nhiên.
  • Cô có một con gái năm tuổi và một con trai hai tuổi, cả hai đều yêu thích tập yoga cùng mẹ.

Yoga là cuộc sống

Một ngày như mọi ngày, khi mẹ kéo chiếc thảm ra để tập yoga, bé Noemie Langeard bắt đầu bài học cùng mẹ. Em nhắm mắt, tay để ấn Chin Mudra trên gối, và niệm Om. Chốc chốc, cô bé lại nhảy nhót xung quanh tấm thảm, chổng mông thật cao để làm động tác chó úp mặt và vặn mình như một trái chuối.

Yoga là một phần cuộc sống của cô bé 5 tuổi, khi mẹ em, chị Joy Trần bắt đầu thực hành yoga lúc mang bầu. Sau khi sinh con, chị Joy tiếp tục tập yoga và luôn đặt con bên cạnh. Noemie cứ thế lớn lên trong thế giới yoga ngộ nghĩnh qua các động tác của mẹ.

Với bé Noemie, yoga thật đơn giản, vui nhộn và sinh động; đủ các tư thế với tên gọi gần gũi như con bướm, con chó, con quạ, con mèo, quả núi, trái chuối, cái cây.

Chị Joy Trần chia sẻ yoga mang lại lợi ích tuyệt vời cho con trẻ, đặc biệt trong việc xây dựng sự bình tĩnh, tiết chế cảm xúc, khả năng lắng nghe, thấu cảm và hồi phục.

“Prana, hơi thở có nghĩa là energy trong tiếng Phạn. Các con sẽ chưa thể hiểu được ‘hơi thở là năng lượng’, nhưng các con sẽ hiểu tác dụng của hơi thở. Mình thường nói con không cần ăn một hai ngày không sao hết. Nhưng không thở một phút, con sẽ không chịu được, con thử xem. Bé làm theo và hiểu rằng việc thở rất quan trọng.”
Noemie tập động tác chó úp mặt lúc bé 2 tuổi
Noemie tập động tác chó úp mặt lúc bé 2 tuổi Source: Joy Yoga
Những lúc mệt, tức giận hoặc đau đớn, Noemie có thói quen ngồi xuống và…thở. Đó là bài học yoga căn bản đầu tiên mà em được học từ mẹ.

“Mỗi khi bé mệt, hay giận hoặc đau, mình hay nhắc bé ngồi xuống thở. Thường thở xong bé sẽ nói ‘con hết mệt, con hết đau, con hết giận rồi’. Bằng cách dừng lại một phút, hít thở để tĩnh tâm và cân bằng cảm xúc, bé cảm thấy dễ chịu hơn hẳn. Từ đó hình thành một thói quen tốt. Thở và nhận thức mình đang thở là một thói quen vô cùng thực tế và hữu ích cho cuộc sống của bé đến cuối đời.
Mình thường nói con không cần ăn một hai ngày không sao hết. Nhưng không thở một phút, con sẽ không chịu được, con thử xem. Bé làm theo và hiểu rằng việc thở rất quan trọng.
Mình cũng thường nhắc bé thư giãn, mỗi lần nói ‘savasana’- tên của tư thế thư giãn là bé tự hiểu và nằm xuống bất động vài phút. Tưởng đơn giản, nhưng đây cũng là cách bé nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng rất hiệu quả. Từ đó tính cách của con cũng trở nên điềm đạm hẳn”, chị Joy Trần kể lại.

Tiếp cận yoga cho con như thế nào?

Nhiều cha mẹ cho rằng yoga là cả một hệ thống triết lý rất phức tạp và là phong cách sống rất khó để theo đuổi. Thế nhưng với chị Joy Trần, một giáo viên dạy yoga, thì dù có cao siêu, phức tạp như thế nào, yoga nếu không gắn liền với cuộc sống thì không có ý nghĩa gì nhiều.

Cốt lõi của Yoga là thực hành, và thực hành trong cuộc sống hàng ngày, hàng giờ, hàng phút. Thực hành ở đây là nhận thức về hơi thở, về cơ thể, tâm trí và cao hơn chút là tâm linh.
Đối với trẻ con, Yoga đơn giản là hơi thở, những động tác bắt chước theo các con vật, và nghỉ ngơi thư giãn. Chị Joy cho rằng Yoga cho bé phải vui, các động tác nên gắn liền với các con vật và đồ vật dễ nhớ. Khi tập thở cùng con thì hãy giúp con liên tưởng đến những hoạt động mà bé thích như giả bộ thổi bong bóng, thổi nến, giả bộ nín thở giống khi bơi…

Chị Joy Trần chia sẻ một vài phương pháp mà cha mẹ có thể giúp con làm bạn với yoga.

“Cha mẹ hãy trải thảm ra, mình tập gì bé sẽ tập theo cái đó, các con rất thích bắt chước cha mẹ. Đừng quên đặt tên dễ nhớ, hài hước cho từng tư thế và khuyến khích bé ráng làm cho giống hình dạng con vật, đồ vật đó.

Ngoài ra, thư viện có nhiều nhiều sách yoga cho trẻ với hình minh họa dễ hiểu, dễ thương khiến con thích thú.

Hãy nhắc bé thở khi bé nóng giận hoặc bị té đau, cha mẹ có thể hướng dẫn bé thư giãn, nằm xuống tư thế nghỉ ngơi savasana khi bé mệt”.

Trẻ có thể tiếp cận yoga càng sớm càng tốt. Từ 6 tháng tuổi, mẹ đã có thể tập yoga cùng bé. Từ 6 tháng đến 3 tuổi, cha mẹ có thể để bé “chơi với yoga” mà không cần tạo áp lực con phải thuần thục các động tác hay dành nhiều thời gian trên thảm. Từ 4 tuổi, bé có thể nghe lời hướng dẫn và làm theo cha mẹ hoặc giáo viên.
Cha mẹ hãy trải thảm ra, mình tập gì bé sẽ tập theo cái đó, các con rất thích bắt chước cha mẹ.
Cha mẹ hãy trải thảm ra, mình tập gì bé sẽ tập theo cái đó, các con rất thích bắt chước cha mẹ. Source: Joy Yoga
Tại Úc, có nhiều lớp yoga cho mẹ và bé “mom and bub” khuyến khích mẹ cùng tập yoga với các bé sơ sinh để kết nối tình mẫu tử. Những lớp học này đồng thời cũng truyền năng lượng tích cực cho mẹ và bé trong buổi học. Mẹ có thể vừa ẵm bé vừa làm các động tác yoga trên thảm.

Dùng việc thở, thiền định như một hình thức trách phạt

Cuộc sống hiện đại có rất nhiều áp lực như dịch bệnh, việc phong tỏa kéo dài liên tục cùng bài vở, thi cử, áp lực từ bạn bè. Việc luyện tập hơi thở trong yoga có thể giúp các con vượt qua được khó khăn trong cuộc sống.

Hiện đã có một vài lớp thiền ở các trường dành cho Phật tử như trường Hoa Nghiêm ở Springvale, nơi các bé được học thiền định, học thở trong trường học.
Theo chị Joy, thiền đối với con trẻ đơn giản là “ngồi xuống thở”.  Cha mẹ có thể áp dụng thiền như một hình thức văn minh và tốt đẹp hơn so với việc bắt trẻ “quỳ gối” hoặc “ngồi im sám hối” khi trách phạt con.

“Nghe mâu thuẫn, nhưng lợi ích của việc thiền và quỳ gối khá giống nhau: để trẻ bình tâm lại. Chỉ khác là quỳ gối thường áp dụng khi bé bị phạt. Còn thiền áp dụng khi nào cũng được”, chị Joy nói với SBS.
Tại Úc, có nhiều lớp yoga cho mẹ và bé “mom and bub” khuyến khích mẹ cùng tập yoga với các bé sơ sinh để kết nối tình mẫu tử
Tại Úc, có nhiều lớp yoga cho mẹ và bé “mom and bub” khuyến khích mẹ cùng tập yoga với các bé sơ sinh để kết nối tình mẫu tử Source: Joy Yoga

Ăn chay và hòa hợp với tự nhiên

Gia đình chị Joy Trần hướng đến việc ăn chay như một hình thức bày tỏ lòng cảm thông với động vật và nuôi dưỡng lối sống lành mạnh. Con gái và con trai của chị cũng ăn chay trong các bữa ăn gia đình cùng mẹ.

“Hành trình ăn chay của mình đã được gần 8 năm. Đến giờ mình vẫn không nói là mình là người ăn chay, chỉ là ‘người có xu hướng ăn chay’. Tức là ăn được thì tốt, không thì cũng không sao. Một năm 365 ngày, mình ăn chay khoảng 300 ngày.

Lí do mình ăn chay cũng thay đổi theo thời gian. Có lúc vì sức khỏe, có lúc vì môi trường, nhưng điều cốt lõi nhất khiến mình vẫn tiếp tục cách ăn này là vì ý niệm ‘không thương động vật thì thôi đừng làm hại chúng’. Mình không có quyền đó”, chị Joy chia sẻ.
Việc ăn uống nhiều rau quả (ít thịt hoặc không thịt) không chỉ liên quan tới sức khỏe, mà nó còn mang một nguồn năng lượng ‘thiện lành’ vào con trẻ
Bé Noemie 5 tuổi luôn hiểu rằng ăn rau quả, trái cây tốt cho sức khỏe. Bé cũng hiểu ăn thịt có thể tốt, hoặc không tốt nhưng sự thật là có một con vật nào đó phải hy sinh vì bữa ăn của mình.

“Bé có lòng thương cảm nhưng chưa sâu sắc. Việc này tùy duyên và tùy sự nhay cảm, sự thương cảm của từng trẻ khi lớn lên. Ba mẹ chỉ là người ươm mầm sự thương cảm này. Sau này bé có ăn thịt nhiều, mình thấy cũng không có vấn đề gì. Đó là sự lựa chọn của bé”.
Hãy nhắc bé thở khi bé nóng giận hoặc bị té đau, cha mẹ có thể hướng dẫn bé thư giãn, nằm xuống tư thế nghỉ ngơi savasana khi bé mệt
Hãy nhắc bé thở khi bé nóng giận hoặc bị té đau, cha mẹ có thể hướng dẫn bé thư giãn, nằm xuống tư thế nghỉ ngơi savasana khi bé mệt Source: Joy Yoga
Trong khi đó, con trai 2 tuổi của chị Joy là bé Kien Langeard rất thích ăn rau quả, bé ăn rất nhiều cà chua, bắp, bông cải xanh, zucchini, các loại đậu và đặc biệt thích tất cả các loại trái cây.

“Do hai vợ chồng mình đã có xu hướng ăn chay từ trước khi bé sinh ra, nên tự nhiên bé cũng quen với việc này.

Theo mình, việc ăn uống nhiều rau quả (ít thịt hoặc không thịt) không chỉ liên quan tới sức khỏe, mà nó còn mang một nguồn năng lượng ‘thiện lành’ vào con trẻ. Nó giúp phát triển lòng yêu thương. Hiện nay xã hội quá chú trọng vào ‘trí óc, trí tuệ’ mà xem nhẹ ‘trái tim, lòng yêu thương’.

Có câu ‘Đứng trước một tài năng, tôi cúi đầu. Đứng trước một trái tim, tôi quì gối’. Và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, nếu có những đứa trẻ giàu lòng thương cảm”, chị Joy chia sẻ tâm niệm của mình trong việc dạy con.

Mời quý thính giả nghe phần phỏng vấn với khách mời Joy Trần trong audio.



Share