Nuôi con ở Úc: Nên gửi con vào trường công hay trường tư?

Kim Huỳnh cùng con gái. Kim chia sẻ tại Úc, các bậc phụ huynh thường phải trả một chi phí cao hơn để mua nhà ở khu có trường tốt cho con theo học.

Kim Huỳnh cùng con gái. Kim chia sẻ tại Úc, các bậc phụ huynh thường phải trả một chi phí cao hơn để mua nhà ở khu có trường tốt cho con theo học. Source: Kim Huynh

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

“Tôi sẽ không gửi con vào trường tư, mà sẽ cho con vào trường công, nơi con có thể va chạm với nhiều bạn bè đến từ những gia đình có nền văn hóa khác nhau. Tôi không muốn con có những suy nghĩ không đúng về sự phân cấp trong xã hội, tôi sẽ thảy con vào một môi trường va chạm để phát triển.”


  • Kim Huỳnh hiện là giám đốc tiếp thị của một nhà xuất bản giáo dục đa quốc gia tại Melbourne.
  • Cô hoàn thành thạc sĩ marketing tại đại học Melbourne và đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục.
  • Cô thường xuyên tiếp xúc, phỏng vấn các giáo viên, chuyên gia đào tạo tại các trường đại học. Là một người mẹ, cô dành nhiều thời gian để tìm hiểu về hệ thống giáo dục tại Úc.
  • Kim Huỳnh chia sẻ kinh nghiệm của cô sau quá trình làm việc với nhiều giáo viên và những người trong nghề.

Hệ thống giáo dục phổ thông tại Úc

Hệ thống giáo dục trước đại học của Úc có sự khác biệt theo từng tiểu bang, tuy nhiên nhìn chung sẽ có hai trình độ cấp 1 (từ lớp vỡ lòng pre-school hoặc kindergarten đến lớp 6) và cấp 2 (từ lớp 7 đến lớp 12).

Các trường tiểu học và trung học tại Úc chia thành ba nhóm: trường công (goverment schools), trường đạo (catholic schools) và trường tư (independent schools).

Một số trường dạy luôn từ lớp vỡ lòng đến lớp 12. Một số trường nội trú (boarding school) cho phép phụ huynh gửi con vào ở luôn trong trường.

Trường công: phần lớn nhận học sinh từ những gia đình ở vùng gần trường. Vì là trường công nên bản chất là tạo cơ hội cho trẻ em được đi học (comprehensive), ai đăng ký trước thì vào trước. Do đó vậy chi phí học trường công thường khá mềm (khoảng $2,000 mỗi năm). Trường công thường có một vài lớp nâng cao cho những học sinh khá giỏi. Cũng có những trường công là trường tuyển, có tổ chức thi đầu vào, có nghĩa là học sinh phải học giỏi, thi đậu đầu vào mới được nhận vào. Ví dụ Melbourne High School là một trường tuyển có tiếng tăm tại Melbourne.

Trường đạo: phần lớn dành cho học sinh của những gia đình có theo đạo Catholic. Trường có thể nhận học sinh từ gia đình không theo đạo, nhưng khá ít. Các trường cấp 2 hay ưu tiên nhận học sinh từ trường Catholic cấp 1 loại feeder school cùng một hệ thống) rồi sau đó mới tới vùng khác. Chi phí khoảng $5000-$10,000 mỗi năm. Trường Catholic thường dạy giáo lý, tổ chức các buổi thánh lễ và dành thời gian đọc kinh thánh trong ngày. Học sinh tại các trường đạo bắt buộc phải học giáo lý trong nhà trường.

Trường tư: có thể theo một đạo khác hoặc phương pháp giáo dục đặc biệt khác. Chi phí đắt đỏ, có khi trên $30,000 mỗi năm.
"Tôi tin tưởng hệ thống giáo dục của Úc có kết quả khá đồng đều", Kim Huỳnh
"Tôi tin tưởng hệ thống giáo dục của Úc có kết quả khá đồng đều", Kim Huỳnh Source: Kim Huynh

Chọn lựa trường cho con dựa trên yếu tố nào?

Không phải trường mắc tiền thì sẽ giỏi.

Không phải trường sang trọng thì thầy cô sẽ giỏi hơn. Tất cả giáo viên ở Úc gần như đều được đào tạo từ một lò và họ đi dạy ở đâu cũng là ngẫu nhiên. Phần lớn họ chọn dạy ở đâu không phải vì trường giàu có hay nhiều học sinh giỏi, mà phụ thuộc vào môi trường làm việc có dễ chịu hay không và danh tiếng của trường như thế nào.

Không phải thầy cô dạy giỏi thì học trò sẽ giỏi. Thầy cô và nhà trường chỉ tạo 20% điều kiện giúp học sinh phát triển. Điều quan trọng tác động đến đầu ra chính là đầu vào và những bạn cùng học. Đây chính là điểm quyết định 80%. Những trường tuyển, trường tư có đầu vào rất tốt (lựa chọn học sinh có thành tích cao) nên kết quả đầu ra thường tốt. Trường công thông thường không có lựa chọn, mà nhận đại trà học sinh địa phương.
Điều quan trọng tác động đến đầu ra chính là đầu vào và những bạn cùng học, đây chính là điểm quyết định 80%.
Ngoài ra, con số NAPLAN hay school ranking chưa hẳn đã nói lên tất cả. Có những trường đạt điểm thi lớp 12 rất tốt, nhưng lớp 12 của họ chỉ có 10-20 học sinh, trong khi trường khác 300 học sinh lớp 12. Có những trường trong điểm trung bình có tính các môn như Religious Studies là những môn học sinh không yêu thích, nên số điểm thấp, lại bị đem so sánh với những trường không dạy môn đó.

Vì sao các trường tư thường có thành tích tốt?

Môi trường có nhiều học sinh giỏi, học sinh thi đua rất nhiều, lại có kinh phí điều kiện, nhiều thiết bị như sân bóng, phòng nhạc kịch, nhiều lựa chọn về môn học.

Trường tư thông thường đòi hỏi rất cao. Giáo viên có thể được trả lương cao hơn nhưng ngược lại phải có mặt trong các hoạt động ngoại khóa cuối tuần. Cả thầy và trò đều có nhiều áp lực.

Khi con đi học trường tư, con sẽ ở trong một môi trường nhiều bạn bè đến từ gia đình có điều kiện. Đây là những mối quan hệ tốt sau này, ttrường tư có nhiều hoạt động ngoại khóa, lớp ít học sinh nên thầy cô chăm chút hơn.

Kỷ luật của trường tư thường được đề cao. Trường tư thường đặt ra các giá trị riêng và có nhiều quyền lực trong việc quản lý học sinh. Các trường thường quy định rất cụ thể về đồng phục, giày dép, dụng cụ học tập và nghiêm chỉnh về mặt kỷ luật: học sinh phải đứng dậy chào khi thầy cô vào lớp, nếu không vừa ý thầy cô thì có thể bị phạt cấm túc sau giờ học hoặc cuối tuần phải vào trường, có thể bị đuổi học nếu vi phạm nội quy nghiêm trọng.

Trường càng tiếng tăm thì thường là càng nghiêm khắc. Do đó nhìn chung tác phong của học sinh các trường tư thường tươm tất, gọn hàng. 

Trường công vẫn có đồng phục và những quy định tương tự, nhưng không quá nghiêm khắc.

Như vậy học sinh trường tư thường được rèn kỷ luật nề nếp hơn trường công.

Nhiều phụ huynh thường lo lắng là nếu cho con mình vào trường công, sẽ có nhiều nhóm quậy phá, bạn bè dụ dỗ, ít nhiều phiền đến việc học của và gây ảnh hưởng xấu đến con mình.

Tuy nhiên, các con có tuân theo kỷ luật hay không còn do gia đình dạy dỗ, chứ không chỉ do nhà trường.
Chồng của Kim Huynh hiện là giáo viên tại một trường cấp 2.
Chồng của Kim Huynh hiện là giáo viên tại một trường cấp 2 ở Melbourne. Source: Kim Huynh

Các con số nghiên cứu về việc chọn trường cho con

Ở Úc, phần lớn các bậc phụ huynh rất lo lắng về chuyện chọn trường cho con. Nhiều gia đình phải vay mượn tiền để trả tiền học phí cho con. Cũng có những gia đình chuyển nhà đến khu có trường tốt để con đi học, hoặc gửi con đến địa chỉ nhà ông bà ở khu tốt.

30% học sinh Úc được đi học trường tư từ bậc tiểu học và 40% học trường tư từ trung học. Đây là con số cao hơn hẳn các quốc gia tiến bộ khác.
Nghiên cứu cho thấy điểm thi của trường tăng 1% thì giá nhà ở khu đó sẽ cao hơn $20,000 so với các khu lân cận.
83% học sinh ở trường tuyển (có thi đầu vào) đến từ gia đình nhập cư với tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ. Đây là một con số quá cao, chứng tỏ rất rõ những gia đình người châu Á nói riêng và nhập cư nói chung đề cao chuyện cho con thi vào trường thành tích tốt, vượt hẳn những gia đình Úc.

Mẹ học cao thì thường chọn trường tư cho con.

Các khu vực có trường công tốt thì giá nhà càng cao. Nghiên cứu cho thấy điểm thi của trường tăng 1% thì giá nhà ở khu đó sẽ cao hơn $20,000 so với các khu lân cận.

Nghiên cứu cho thấy kết quả học tập trung bình các trường đều như nhau (trường tư hay công gì cũng vậy), nhất là khi chúng ta trừ ra sự ảnh hưởng của socioeconomic (vùng có thu nhập cao và vùng có thu nhập thấp).

Các bước chọn trường

Ngay từ bây giờ cha mẹ nên suy nghĩ về chuyện trường học cấp 2 cho con. Tuỳ theo muốn đi cấp 2 như thế nào mà chọn trường cấp 1 như thế đó. Có những trường nhận từ kinder đến lớp 12. Hoặc muốn học trường đạo thì tìm hiểu các trường nằm trong cùng hệ thống (feeder).

Trường tư danh giá thường có danh sách chờ đến 6-7 năm, cho nên phải đăng ký sớm nếu muốn chọn các trường này. Trường công thì ko cần phải quá sớm, có thể đăng ký trước nửa năm, thường là vào tháng 4 tháng 5.

Tìm hiểu về khu mình đang ở: Có trường cấp 2 tốt hay không? Có nên dọn nhà đi đến vùng tốt hơn hay không? Lưu ý là cho con đi học gần sẽ tốt hơn học xa, và nên có phương tiện công cộng tiện lợi trong khu để con tự đi học.

Tham khảo ý kiến từ các phụ huynh khác.

So sánh trên các trang mạng uy tín của chính phủ để tìm hiểu thêm school ranking, điểm thi, số lượng học sinh, học phí.

Lựa chọn dựa trên thế mạnh và sở thích của con như các môn học chính khóa toán-lý-hoá hay thiên về nghệ thuật, thể thao.

Tham dự Open Days ở trường để nắm bắt không khí nhà trường, trang thiết bị, có các chương trình như thế nào, khi có vấn đề bắt nạt nhà trường giải quyết ra sao, kích thước và sỉ số lớp học. Dẫn con đi theo và nên quan sát xem con thích trường nào và tại sao?

Nếu không có Open Days thì có thể liên hệ trực tiếp với trường để xin đến tham quan. Khi đến có thể nói chuyện với hiệu trưởng và thầy cô để hiểu thêm xem họ có đam mê và nhiệt huyết với công việc giảng dạy hay không?

Khi đã lựa chọn thì điền application form để đăng ký với trường.

Mời quý thính giả nghe phần phỏng vấn với khách mời Kim Huỳnh trong audio.


Facebook đã chặn việc đăng tải và chia sẻ nội dung tin tức ở Úc từ hôm nay. Do đó, quý vị có thể không xem được tin tức từ trang Facebook của SBS Vietnamese. Vui lòng ghé thăm sbs.com.au/vietnamese và đánh dấu trang của chúng tôi. Quý vị cũng có thể nghe tin tức của SBS Vietnamese trên ứng dụng SBS Radio.”

Share