Nuôi con ở Úc (16) Mẹ Việt dạy mẹ Tây cách làm hộp cơm trưa cho con

Những hộp cơm Bento đơn giản không quá cầu kì, với nhiều hình ngộ nghĩnh cùng ít rau xanh, vài miếng thịt, đủ để hút ánh mắt của bé

Những hộp cơm Bento đơn giản không quá cầu kì, với nhiều hình ngộ nghĩnh cùng ít rau xanh, vài miếng thịt, đủ để hút ánh mắt của bé Source: Lam Anh Dao

Hộp cơm trưa của bé Nina Doãn Ngọc luôn là tâm điểm chú ý của bạn bè cùng lớp trong giờ ăn trưa tại trường. Những hộp cơm đẹp như một bức tranh, đầy đủ dinh dưỡng do mẹ Lâm Anh Đào thực hiện, đã được cô giáo chủ nhiệm chụp hình làm mẫu cho các phụ huynh khác. “Con nít ăn bằng mắt”, “đồ ăn chỉ cần đẹp, chưa cần ngon” là con sẽ ăn sạch.


Ăn vui hơn ăn no

Giống như vô vàn bà mẹ khác có con bước vào lớp vỡ lòng, chuẩn bị vào lớp 1, chị từng phải “vò đầu bứt tóc” để tìm cách chuẩn bị những hộp cơm trưa ngon lành, đầy đủ dưỡng chất cho con.

Dẫu đã thành công trong lĩnh vực bếp núc với vài cuốn sách dạy nấu ăn được xuất bản ở Việt Nam và có hàng chục ngàn người hâm mộ trên trang Facebook chia sẻ công thức nấu ăn, chị Lâm Anh Đào ban đầu vẫn thất bại trên đường đi đến bao tử của con.

Nấu ăn cho trẻ con dễ mà không dễ, bởi ngoài hương vị thơm ngon, còn đòi hỏi cả tình yêu của mẹ. Tình yêu đó thể hiện qua việc mẹ hiểu sở thích ăn uống, khẩu vị, tâm lý của con trẻ, kết hợp với việc nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo, mày mò nhiều cách để con ngon miệng.

Chị Anh Đào tâm sự: “Cũng giống như các bà mẹ khác, khi con bắt đầu đi học cũng là lúc mình nhức đầu nghĩ cách làm sao nấu món ngon, thứ nào mang cho con đi học. Mình cứ nghĩ phải mang nhiều nhiều để con ăn cho no nữa chứ. Vì vậy chỉ toàn thất bại, bởi mỗi khi con đi học về , đều chê món mẹ làm”.
Từ những lần thất bại, chị Anh Đào phát hiện ra mình đã nghĩ sai cách: “Con còn nhỏ, mà là một đứa nhỏ khi học thì ăn vui nhiều hơn ăn no. Bản thân bé chẳng bao giờ lo đồ ăn ít mà chỉ thích đồ ăn đẹp. Những hộp cơm Bento đơn giản không quá cầu kì, với nhiều hình ngộ nghĩnh cùng ít rau xanh, vài miếng thịt, đủ để hút ánh mắt của bé”.

Sau khi thay đổi chiến thuật, con gái út Nina của chị chiều nào cũng mang hộp cơm không về tặng mẹ.
“Nhờ biết ngừng lại suy nghĩ ăn no, ăn đủ mà bé mình đã không còn chê bai món mẹ làm. Không còn sợ giờ ăn trưa với hộp cơm đầy ắp. Ngược lại, bé luôn vui khi khoe bữa cơm của mình với các bạn cùng lớp”.
Những hộp cơm kiểu Nhật với hình thù dễ thương, bắt mắt, “mới nhìn đã chảy nước miếng” của Nina khiến bạn bè cùng lớp vô cùng ngưỡng mộ.

“Nhờ biết ngừng lại suy nghĩ ăn no, ăn đủ mà bé mình đã không còn chê bai món mẹ làm. Không còn sợ giờ ăn trưa với hộp cơm đầy ắp. Ngược lại, bé luôn vui khi khoe bữa cơm của mình với các bạn cùng lớp”, chị Anh Đào kể lại.

“Là bà mẹ bình dân không cần lời ngọt như rót mật vào tai. Chỉ cần con vui với bữa trưa mình chuẩn bị. Nhìn con ăn hết trong sự thích thú cũng đủ làm mình vui khôn xiết.”
Bé Nina và hộp cơm xinh xắn của mẹ Lâm Anh Đào
Bé Nina và hộp cơm xinh xắn của mẹ Lâm Anh Đào Source: Lam Anh Dao
Nhờ những hộp cơm ngộ nghĩnh của mẹ, Nina luôn được các bạn “xin thử một miếng” trong giờ ăn trưa. Nổi tiếng đến độ cô giáo chụp hình những hộp cơm của Nina để gửi email cho các phụ huynh khác và mời chị Lâm Anh Đào đến trường chia sẻ cách chuẩn bị lunch box cho con.

“Mình cảm thấy rất vui khi vài bữa sau, các bạn cùng lớp đã có hộp cơm rất đẹp mắt và ngon lành giống Nina”, chị Anh Đào kể lại với SBS.

Cơm trưa cho con, tấm lòng của mẹ

Tại Úc, khi trẻ bước vào lớp vỡ lòng, chuẩn bị vào lớp 1, nhà trường thường khuyến khích các bậc cha mẹ tự chuẩn bị cho con các phần ăn trưa và ăn nhẹ tại trường. Mặc dù các trường học tại Úc luôn có canteen phục vụ thức ăn cho các bé không mang theo cơm trưa (lunch box), nhưng hầu hết phụ huynh đều chủ động mang theo thức ăn cho con.

Giờ ăn trưa thường kéo dài nhanh chóng trong 30 phút và ở ngoài trời. Các bé cùng thưởng thức đồ ăn do cha mẹ chuẩn bị mang theo từ nhà, rồi quay trở lại các hoạt động trong lớp.

Đây là một trong những nét văn hóa đẹp của Úc, khi cha mẹ được dự phần vào bữa ăn trưa của con tại trường. Điều này hoàn toàn khác biệt với môi trường học đường ở Việt Nam, khi các phụ huynh được yêu cầu đóng một khoản tiền để nhà trường chuẩn bị các phần ăn giống nhau cho tất cả các bé.
 Các món cơm cuộn, cơm trộn được chị Anh Đào khéo léo nặn thành hình con voi, bông hoa, phi cơ, con gấu
Các món cơm cuộn, cơm trộn được chị Anh Đào khéo léo nặn thành hình con voi, bông hoa, phi cơ, con gấu Source: Lâm Anh Đào
Úc là đất nước đa văn hóa, do đó nhu cầu về ẩm thực cũng vô cùng đa dạng. Sự khác biệt có thể dến từ việc ăn chay, một số gia đình Hồi giáo chỉ sử dụng thịt Halal, không ăn thịt heo, hoặc do tiền sử dị ứng mà một số bé phải tránh các loại thực phẩm gây kích ứng.

Do đó, cha mẹ là người hiểu rõ yêu cầu ẩm thực cũng như sức khỏe của con mình để chuẩn bị thức ăn hợp lý và chu đáo nhất, mang lại cho con bữa ăn ngon miệng và phù hợp với văn hóa gia đình.
“Nhiều cha mẹ thương con, chuẩn bị thật nhiều thức ăn cho con vì sợ con đói. Nhưng cha mẹ quên là thời gian ăn trưa thường rất ngắn, chỉ vỏn vẹn trong 30 phút. Nhiều bé bỏ cơm vào thùng rác nếu không ăn hết, hoặc mang về. Do đó mình phải cân bằng lượng thức ăn cho phù hợp với thời gian ăn trưa ở trường."
Thức ăn của canteen có thể không tươi mới, bảo đảm được chất lượng như thức ăn của gia đình. Với mình, yếu tố quan trọng cần lưu ý để chuẩn bị một hộp thức ăn trưa cho con là quan tâm đến sở thích của con, thời tiết và lượng thức ăn vừa đủ với thời gian ăn trưa của con”, chị Anh Đào chia sẻ với SBS.
Chị Anh Đào chú trọng vào sở thích của con và luôn chuẩn bị bữa trưa theo yêu cầu của con gái.
Chị Anh Đào chú trọng vào sở thích của con và luôn chuẩn bị bữa trưa theo yêu cầu của con gái. Source: Lam Anh Dao
“Nhiều cha mẹ thương con, chuẩn bị thật nhiều thức ăn cho con vì sợ con đói. Nhưng cha mẹ quên là thời gian ăn trưa thường rất ngắn, chỉ vỏn vẹn trong 30 phút. Nhiều bé bỏ cơm vào thùng rác nếu không ăn hết, hoặc mang về. Do đó mình phải cân bằng lượng thức ăn cho phù hợp với thời gian ăn trưa ở trường.

Tâm lý của con nhỏ thường cảm thấy vui và tự hào khi có thể hoàn thành hết hộp cơm mà mẹ chuẩn bị. Chị Anh Đào cho biết chị từng chứng kiến nhiều bé đổ thức ăn vào thùng rác tại trường, khi thầy cô không chú ý, vì sợ mẹ buồn lòng khi mang quá nhiều thức ăn thừa về nhà.

Bắt đầu từ câu hỏi Con thích ăn gì?

Văn hóa ẩm thực của người Việt thường nổi bật với các món mặn với cơm, hoặc phở, hủ tiếu, mì nước. Thế nhưng, chị Anh Đào cho rằng những món ăn nước thường không phù hợp cho lunchbox. Vì bé có nguy cơ bị bỏng, và cha mẹ phải chịu trách nhiệm về việc này.

Nhiều cha mẹ Việt phàn nàn chung rằng con của họ không chịu ăn trưa, hôm nào đi học về cũng còn cả hộp. Lý giải cho việc này, chị Anh Đào chia sẻ: “Cha mẹ nên tâm lý một chút. Con nít ăn bằng mắt. Đẹp một chút bé sẽ chịu ăn. Nếu quá nhiều, lộn xộn trong hộp, khi bé mở ra sẽ cảm thấy ngán”.
Chị Anh Đào gợi ý cha mẹ có thể mua các loại khuôn làm cơm kiểu Nhật có sẵn hình con cá, xe lửa, mặt cười… để nặn hình, kèm theo các loại rau củ, trái cây tươi theo mùa.
Chị Anh Đào gợi ý cha mẹ có thể mua các loại khuôn làm cơm kiểu Nhật có sẵn hình con cá, xe lửa, mặt cười… để nặn hình, kèm theo các loại rau củ, trái cây tươi Source: Lam Anh Dao
Chị Anh Đào chú trọng vào sở thích của con và luôn chuẩn bị bữa trưa theo yêu cầu của con gái.

Thực đơn cả tuần được chị thiết kế phong phú, theo phong cách sushi, bento kiểu Nhật. Các món cơm cuộn, cơm trộn được chị Anh Đào khéo léo nặn thành hình con voi, bông hoa, phi cơ, con gấu… Kết hợp với các món ăn măn như thịt bò xào, cà rốt, rau củ, phô mai, trái cây để bé ăn tráng miệng.

Việc chuẩn bị những món ăn này không hề mất thời gian, hay cầu kỳ như các cha mẹ tưởng tượng. Chị Anh Đào gợi ý cha mẹ có thể mua các loại khuôn làm cơm kiểu Nhật có sẵn hình con cá, xe lửa, mặt cười… để nặn hình, kèm theo các loại rau củ, trái cây tươi theo mùa.

“Thời tiết ở Úc thay đổi thường xuyên, lúc thì quá nóng, lúc thì quá lạnh, các mẹ có thể mua hộp giữ nhiệt để giữ độ ấm cho cơm của con.
“Cha mẹ nên tâm lý một chút. Con nít ăn bằng mắt. Đẹp một chút bé sẽ chịu ăn. Nếu quá nhiều, lộn xộn trong hộp, khi bé mở ra sẽ cảm thấy ngán”.
Vào mùa đông, mình xếp những miếng cơm vào hộp giữ nhiệt nên khi bé ăn, cơm vẫn còn ấm, không bị khô, rất dễ ăn. Khi trời nóng, việc xếp cơm vào hộp giữ nhiệt giúp cơm không bị ướt, ẩm hơi.

Với sushi không nên làm nhân quá nhão, luộc rau củ quá chín, bé sẽ không thích ăn”, chị Anh Đào nói.
Sách Món ngon tình mẹ do chị Lâm Anh Đào là tác giả sẽ ra mắt vào tháng 7/2019
Sách Món ngon tình mẹ do chị Lâm Anh Đào là tác giả sẽ ra mắt vào tháng 7/2019 Source: Lam Anh Dao
Việc chuẩn bị cơm trưa cho con cũng nên chú ý đến thời tiết. Vì mùa hè nhiệt độ cao thức ăn thường dễ hư. Mùa đông trời lạnh con cần những đồ ăn làm ấm cơ thể.

Một trong những chi tiết mà cha mẹ lưu ý là hạn chế dùng nước mắm chế biến thức ăn cho con. Bởi các trẻ khác có thể nhạy cảm với mùi này và khiến con bạn cảm thấy lúng túng với bạn bè.

“Nhiều khi con mang cơm và cá kho, vừa mở hộp đồ ăn ra, các bé xung quanh rất ngây thơ và bình luận một cách tự nhiên, mùi gì hôi quá vậy, khiến bé cảm thấy mắc cỡ và không dám tiếp tục ăn”.
Một vài ý tưởng để cha mẹ chuẩn bị bữa trưa cho con:

Thứ hai: sushi

Thứ ba: cơm trộn với trứng, lạp xưởng, thịt gà hoặc thịt heo.

Thứ tư: cháo đặc với thịt gà, giữ ấm trong hộp giữ nhiệt, phù hợp với thời tiết mùa đông.

Thứ năm: sandwich, hạn chế sử dụng ham vì quá mặn cho trẻ, có thể thay thế bằng thịt gà chiên, kết hợp với salad.

Thứ sáu: mì xào/ hủ tiếu xào với thịt và rau củ.

Sách "Món ngon tình mẹ" do chị Lâm Anh Đào thực hiện sẽ ra mắt tại Việt Nam vào đầu tháng 7. Chị Lâm Anh Đào dành tặng một số sách cho các phụ huynh tại Úc. Để nhận sách, vui lòng gửi email về cho ban Việt ngữ qua địa chỉ , với tiêu đề Sách Món ngon tình mẹ.

Share