Nuôi con ở Úc (18) Con bị quấy rối, làm nhục và bắt nạt trên mạng

eSafety Commissioner

ESafety Commissoner, eSafety.gove.au Source: eSafety

“Con tôi gửi ảnh nhạy cảm cho cậu bạn trai khi hai đứa đang hẹn hò, rồi khi chúng nó bỏ nhau, cậu này lại lan truyền mấy tấm ảnh khỏa thân của nó cho bạn bè”. eSafety Commissoner, một tổ chức của chính phủ Úc, chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của công dân ở trên mạng có thể can thiệp để giúp đỡ thanh thiếu niên Úc.


Vấn nạn bắt nạt qua mạng đang ngày càng trở nên phổ biến và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn các bậc phụ huynh có thể hình dung. Tại Úc, cha mẹ và giới trẻ có thể tìm đến sự giúp đỡ của eSafety Commissioner, một tổ chức của chính phủ Úc, duy nhất trên thế giới, chuyên trách về việc bảo vệ sự an toàn của công dân ở trên mạng.

Trước khi chúng ta cùng tìm hiểu về Esafety Commissioner, Văn phòng Ủy viên An toàn Mạng, mời quý thính giả cùng nghe câu chuyện của hai phụ huynh sau đây, chia sẻ việc con cái của họ trở thành nạn nhân của các vụ bắt nạn, tiếp cận không mong muốn và bị lan truyền ảnh khỏa thân trên mạng.

Đây là tài liệu Việt ngữ do tổ chức Esafety Commissioner sản xuất.
Câu chuyện của hai bậc phụ huynh vừa rồi cho chúng ta một bức tranh tương đối đầy đủ về những gì mà giới trẻ có thể gặp phải trong thời đại kỹ thuật số.

Theo đà phát triển hiện nay, bắt nạt qua mạng (cyber bullying), bị lan truyền ảnh khỏa thân sau khi kết thúc một mối quan hệ tình cảm (sexting), hay bị tiếp cận bởi kẻ xấu ở trên mạng cũng dần trở thành vấn nạn xã hội phổ biến, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Để tìm hiểu thêm vai trò của eSafety Commissioner trong việc hỗ trợ cha mẹ giúp đỡ con cái an toàn ở trên mạng, SBS Việt ngữ đã có cuộc phỏng vấn với bà Cố vấn Giáo dục Cao cấp cho tổ chức chính phủ eSafety Commissioner.

Xin được chào bà Kellie Britnall, bà có thể chia sẻ cho thính giả của SBS vai trò của tổ chức eSafety Commissioner tại Úc được không?

eSafety Commissioner là một tổ chức của chính phủ Úc đã hoạt động được 4 năm qua. Chúng tôi là tổ chức duy nhất trên thế giới, chịu trách nhiệm về sự an toàn của người dân.

Vai trò quan trọng nhất và cũng đặc biệt nhất của eSafety Commissioner là chịu trách nhiệm về tình trạng bắt nạt qua mạng, xảy ra với thanh thiếu niên, những người trẻ dưới 18 tuổi.

Nếu một người trẻ là nạn nhân của một vụ bắt nạt, đe dọa hay ức hiếp một cách nghiêm trọng ở trên mạng. Nếu các em thấy mình là nạn nhân của những trường hợp này, trong vòng 48 tiếng sau khi xảy ra những các vụ bắt nạt trực tuyến, hãy liên lạc ngay với eSafety Commissioner.

Công việc của chúng tôi là đại diện cho những người trẻ, thay họ báo cáo những trường hợp này ngay lập tức với các trang mạng xã hội như Facebook, Snapchat, Instagram.

Chúng tôi sẽ cùng phối hợp với các trang mạng xã hội này để đưa những nội dung gây hại, có tính bắt nạt khỏi các trang mạng xã hội này. Đó là chức năng chính của tổ chức này.
cyberbullying_0.jpg?itok=g1hFjW2r
Một trong những nhiệm vụ chính của eSafety Commissioner mà tôi nghĩ nhiều cha mẹ Việt khá quan tâm. Chắc hẳn quý vị đã nghe đến sexting, một hình thức gửi hình khỏa thân, hay nhạy cảm của mình cho người khác. Một số người khi yêu nhau, hoặc trong một mối quan hệ tình cảm thường gửi ảnh khỏa thân cho bạn khác giới, với sự đồng ý của cả hai. Thế nhưng có người lại đăng tải những hình ảnh khỏa thân của bạn tình lên mạng.

Chúng tôi có một đội ngũ chuyên trách về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng hình ảnh. Họ sẽ làm việc với các trang mạng xã hội để xóa bỏ những hình ảnh này. Trong một số trường hợp, chúng tôi có thể tìm ra danh tính của những người đăng tải hình ảnh này.

Như vậy là vai trò của eSafety Commissioner không chỉ giới hạn ở Úc, mà còn có thẩm quyền ở nước ngoài? Ví dụ như yêu cầu Facebook gỡ bỏ các nội dung không lành mạnh, hoặc gây ảnh hưởng đến người khác?

Hầu hết văn phòng của các công ty quản lý các trang mạng xã hội không nằm ở Úc, mà ở Hoa Kỳ. Mặc dù họ là những công ty ở nước ngoài, nhưng hoạt động tại Úc, họ phải tuân theo luật pháp Úc và chúng tôi vẫn có thẩm quyền.

Điều quan trọng chính là nạn nhân, những thanh thiến niên đó phải sống ở Úc.

Nếu một phụ huynh hay thanh thiếu niên Úc nào bị bắt nạt trên mạng, bị đe dọa, hay lan truyền ảnh khỏa thân, thì họ có thể nhờ eSafety Commissioner hỗ trợ bằng cách nào?

Nếu quý vị vào trang mạng của chúng tôi, , một người trẻ có thể trình báo về trường hợp của mình mà không nhất thiết cần đến cha mẹ.

Trong  4 năm hoạt động của chúng tôi, hầu hết những trường hợp tìm kiếm sự giúp đỡ là những người trẻ. Tuy nhiên chúng tôi cũng đề nghị với những em nhỏ dưới 14 tuổi, các em có thể cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ, hoặc người chăm sóc, thậm chí ủy quyền cho một người nào đó đại diện cho mình để trình báo trường hợp của các em.

Sau khi quý vị báo cáo trường hợp của mình trên trang mạng của chúng tôi, các viên chức của eSafety Commissioner sẽ giải quyết các trường hợp này ngay lập tức. Nếu như hồ sơ có đầy đủ bằng chứng, đội ngũ của chúng tôi có thể làm việc liền với các trang mạng xã hội.

Trong một số trường hợp, nạn nhân không cung cấp đủ thông tin cho chúng tôi. Do đó tôi muốn nhấn mạnh rằng hãy gửi càng nhiều thông tin cho chúng tôi càng tốt, nếu như quý vị có ảnh chụp màn hình, địa chỉ trang mạng.

Việc quý vị cung cấp càng nhiều thông tin cho chúng tôi, thì tiến trình đưa những thông tin đó khỏi mạng Internet càng nhanh chóng.

Bà có thể cho chúng tôi biết một vài con số về các trường hợp mà eSafety Commissioner đã giải quyết?

Chúng tôi nhận được hơn 1000 trường hợp bắt nạt qua mạng từ ngày thành lập.

Trong khi đó đội ngũ chuyên trách về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng hình ảnh khỏa thân chỉ vừa ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, nhưng vô cùng bận rộn với hơn 1000 hồ sơ cần giúp đỡ.

Điều quan trọng là chúng tôi muốn mọi người biết rằng eSafety Commissioner có mặt để giúp đỡ họ, và khi họ cần giúp đỡ, họ biết tìm đến đâu để nhận được trợ giúp.

Cha mẹ nên dựa vào những dấu hiệu nào để biết rằng con của họ đang bị bắt nạt hay gặp nguy hiểm ở trên mạng?

Khi chúng ta nói về việc bắt nạt qua mạng, có rất nhiều hình thức cho việc này. Đó có thể là những tin nhắn xúc phạm, hay những đoạn phim, hình ảnh gây tổn thương hoặc những đoạn trò chuyện có nội dụng thô tục, gây khó chịu.

Chúng ta có rất nhiều cách, với nhiều trang mạng xã hội khác nhau để trêu ghẹo, khiến cho một người cảm thấy xấu hổ.

Những người trẻ, thanh thiếu niên thường sẽ không kể cho cha mẹ mình nghe về việc các em đang là nạn nhân của các vụ bắt nạt trên mạng.

Bởi vì nhiều em suy nghĩ rằng nếu mình kể cho ba mẹ nghe, ba mẹ sẽ tịch thu điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính của mình.

Có một thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến các phụ huynh đó là, hãy cho con cái họ biết rằng cha mẹ sẽ không bao giờ lấy đi các thiết bị kỹ thuật số của con cái, mà khi con cái họ có chuyện không hay, chúng có thể tìm đến cha mẹ để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Hoặc cha mẹ có thể nhận ra một số dấu hiệu con cái của mình bị bắt nạt, như con khó chịu khi nhìn vào điện thoại, giấu điện thoại khi bạn bước vào phòng hoặc đến gần, tỏ ra cô đơn, buồn bã.

Đó là dấu hiệu cho thấy có chuyện gì đó xảy ra với con, nhưng con không dám kể cho quý vị nghe.

Trong một số trường hợp, các em còn không dám đến trường, bởi vì e sợ người bắt nạt. Hoặc nếu kết quả học tập của con quý vị ở trường đột nhiên đi xuống một cách đột ngột, thầy cô phàn nàn rằng bé không chú tâm học hoặc không chăm chỉ như trước, đó là các dấu hiệu.

Được biết eSafety Commissioner vừa thực hiện một khảo sát về vai trò của phụ huynh trong thời đại kỹ thuật số. Xin bà trình bày một vài điểm chính được phát hiện trong nghiên cứu này?

Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát với 3500 phụ huynh ở Úc. Một trong những kết quả bất ngờ mà chúng tôi phát hiện ra là  81% cha mẹ cho con của mình sử dụng điện thoại từ khi còn rất nhỏ, chỉ mới 2 tuổi. Điều đó có nghĩa là việc giáo dục con sử dụng các thiết bị kỹ thuật số phải bắt đầu từ sớm.

75% cha mẹ nỗ lực giúp con cái của mình an toàn trên mạng, bằng cách giúp con mình thiết lập các quyền riêng tư trên các trang mạng xã hội. Rất nhiều cha mẹ cảm thấy không tự tin khi giải quyết vấn đề bắt nạt trên mạng hoặc những ảnh hưởng xấu của các trang mạng xã hôi gây ra, khi con cái liên lạc với những người lạ. 25% trẻ em Úc đang bị bắt nạt hoặc không an toàn khi ở trên mạng.

Để giúp cha mẹ trang bị những kiến thức để giúp con cái mình, chúng tôi cung cấp các ở trên trang mạng, với nhiều ngôn ngữ khác nhau, hữu ích cho phụ huynh sử dụng trong việc giúp đỡ con mình an toàn trên mạng.

Share