Qantas tuyên bố cắt giảm ít nhất 6,000 việc làm

Qantas CEO Alan Joyce

Qantas CEO Alan Joyce Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hãng hàng không Qantas vừa tuyên bố cắt giảm ít nhất 6,000 việc làm, thuộc mọi lĩnh vực kinh doanh của hãng này. Đây là một phần trong kế hoạch của Qantas nhằm tiết kiệm 15 tỷ đô la trong vòng ba năm tới. Trong khi đó, khoảng 15,000 nhân viên của Qantas tiếp tục bị ngưng việc làm tạm thời, và phải sống không lương trong vài tháng tới. 100 chiếc phi cơ thuộc hãng này nay vẫn tiếp tục nằm một chỗ tại các phi trường, dự định không cất cánh trong vòng một năm.


Thêm một cú đấm vào lĩnh vực hàng không, khi Qantas tuyên bố cắt giảm ít nhất 6,000 việc làm, tại khắp các lĩnh vực kinh doanh của hãng.

Đây là một phần của kế hoạch ứng phó lâu dài với coronavirus, được biết là 15,000 nhân viên Qantas vẫn tiếp tục nghỉ ở nhà không lương trong vài tháng tới.

Giám đốc điều hành của Qantas, ông Alan Joyce nói mặc dù hãng hàng không này có vị trí tốt hơn nhiều hãng khác, nhưng cũng bị đại dịch gây thiệt hại nặng nề.

‘Chúng ta đều biết là ai cũng đang phải sống chung với Covid-19 cùng những hậu quả của nó, tuy nhiên các sự kiện mới đây nhất đã cho thấy dù tỉ lệ lây nhiễm thấp vẫn chưa đủ để ngành này có thể vực dậy. Rõ ràng là du lịch quốc tế sẽ bị đình hoãn trong thời gian dài sắp tới. Cơ quan quản lý hàng không IATA nói sẽ mất tới hơn 3 năm thì du lịch quốc tế mới quay trở lại thời điểm năm 2019. Điều này có nghĩa rằng mọi hãng hàng không, trong đó có Qantas, cần phải hành động ngay lập tức’.

Khoảng 100 chiếc máy bay của Qantas sẽ phải nằm chờ trong bãi trong 12 tháng tới. Một số chiếc sẽ bị ngưng sử dụng lâu hơn.

Hãng hàng không cũng đã cho ngưng bay vĩnh viễn đối với sáu chiếc Boeing 747, từ trước khi kế hoạch này được tung ra. Cũng như hãng đã hủy bỏ đơn hàng vận chuyển hai chiếc phi cơ mới là Airbus A321-Neo và Boeing 7879.

Ông Joyce nói biện pháp trước mắt là cần thiết, nhằm bảo đảm cho các công việc còn lại vẫn sống sót trong thời gian dài sắp tới.

‘Khoảng một nửa số nhân viên đang tạm nghỉ không lương sẽ quay lại bay các chặng nội địa, chúng tôi hy vọng là vào cuối năm nay. Số còn lại là những nhân viên chuyên phục vụ các chuyến bay quốc tế, có thể sẽ từ từ quay lại làm việc sau’.

Thủ tướng Scott Morrison mô tả tuyên bố cắt giảm của Qantas là “một nỗi đau”. Ông nói chính phủ nhận ra rằng lĩnh vực hàng không sẽ cần thêm sự trợ giúp.

Nhưng ông chưa có một phác đồ rõ rệt về các biện pháp giúp đỡ của chính phủ sẽ như thế nào.

‘Sức mạnh và sự đoàn kết của chúng ta đang bị thử thách hầu như mỗi ngày, và những người dân Úc đã chứng tỏ sức mạnh của mình. Nhưng chúng ta cần sự mạnh mẽ hơn nữa, để có thể kéo dài trong nhiều tháng tới, chắc chắn ngày hôm nay, tất cả thành viên trong gia đình Qantas đã bị tổn thương một cách tồi tệ. Tôi xin bày tỏ sự tiếc nuối và chia sẻ sâu sắc nhất đối với tuyên bố hôm nay’.

Trong khi đó Nghiệp đoàn Nhân viên ngành Vận tải chỉ trích phản ứng của ông Morrison, họ khiển trách chính phủ đã không cung cấp đủ sự hỗ trợ cho ngành hàng không trong cuộc khủng hoảng.

Tổng thư ký nghiệp đoàn ông Michael Kaine nói Qantas nên thu hồi bất kỳ quyết định cắt giảm việc làm nào vừa tuyên bố, cho đến khi chính phủ hoàn tất xem xét chương trình trợ cấp lương cho nhân viên.

‘Thủ tướng đã nói với các nhân viên của Qantas rằng “tôi xin lỗi và rất lấy làm tiếc”. Nhưng, thưa ông thủ tướng, các nhân viên không cần ông bày tỏ sự tiếc nuối, mà họ rất cần ông hãy gia hạn thêm chương trình JobKeeper. Đó là việc thủ tướng nên làm lúc này. Chúng tôi biết thủ tướng sắp sửa ngồi xuống với Tổng trưởng Ngân khố. Và thủ tướng cần phải làm ngay việc này. Đó là tất cả những gì chúng tôi mong đợi ở ông’.

Trong khi đó Ủy hội các Nghiệp đoàn Thương mại Úc (ACTU) cũng phê bình thủ tướng vì đã để cho xảy ra tình trạng cắt giảm việc làm tồi tệ này.

Chủ tịch của Ủy hội Michele O'Neil nói việc ông Morrison từ chối không gia hạn thêm tài trợ JobKeeper cho các nhân viên hàng không, sẽ khiến hàng ngàn người sắp tới không còn một sự tài trợ nào nữa.

‘Chính phủ cần phải tuyên bố ngay hôm nay rằng JobKeeper sẽ được gia hạn tới tháng 9. Chúng tôi biết nước Úc sẽ không thể đi qua đại dịch, cũng như vượt qua khủng hoảng kinh tế, và đổ vỡ thị trường lao động trước tháng 9. Chúng tôi cần một tuyên bố chắc chắn ngay hôm nay. Và chúng tôi cần ông Alan Joyce hãy thu hồi quyết định. Hành động của ông thật sự gây shock, vì ông đã không tham vấn với đại diện của nghiệp đoàn. Ông chưa hề ngồi xuống với các đại diện nghiệp đoàn Qantas để hỏi chỉ một câu rằng: Liệu chúng ta còn cách nào khác nữa không?’

Hãng Qantas lập kế hoạch mở lại các chặng bay quốc tế vào tháng 7 năm sau, 2021.

Trong khi đó ông Alan Joyce vẫn giữ vai trò giám đốc điều hành để đưa hãng này đi qua kế hoạch chuyển giao kéo dài ba năm.

Và quý vị có thể cập nhận tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.

Share