Thế hệ thứ Hai (Bài 98): Blogger Suzanne Đặng và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở người trẻ

Suzanne Dang

Suzanne Đặng Source: Neil Woodwards

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Được chẩn đoán bị bệnh rối loạn lưỡng cực, Suzanne Đặng đã sử dụng các kênh truyền thông xã hội và trang blog thời trang của mình để nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần. Cô trở thành người hoạt động về sức khỏe tâm thần với mong muốn mang niềm hy vọng và những ảnh hưởng tích cực đến với những người cùng hoàn cảnh.


Kim Anh: “Suzanne lớn lên ở Úc như thế nào với tư cách là người Việt thế hệ thứ Hai ở Úc?”

Suzanne Đặng: “Lớn lên ở Úc với nguồn gốc Việt, tôi luôn luôn tin tưởng vào việc kết nối với nguồn gốc và di sản của mình. Ông bà tôi đã nuôi dạy tôi sau khi cha mẹ tôi ly hôn, và ông bà đã đóng một vai trò to lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá của tôi. Mặc dù tôi không có nhiều bạn bè người Việt khi tôi còn nhỏ, tôi tin tưởng rằng với sự giúp đỡ của ông bà, tôi đã học được về những giá trị, đạo đức và niềm tin của một người Việt Nam cũng như ngôn ngữ Việt. Tôi đã học được tầm quan trọng của gia đình, cũng những giá trị như cố gắng hết sức mình và không bao giờ bỏ cuộc.

Úc có rất nhiều nền văn hoá và là một quốc gia đa văn hóa, nhưng tôi cũng đã có học hỏi về nền văn hóa cũng như ẩm thực Việt qua các sự kiện văn hóa Việt Nam tại Úc.”

Kim Anh: “Hiện Suzanne đang làm công việc gì? Suzanne học ngành gì?”

Suzanne Đặng: “Năm 2010, khi tôi học năm ba của khóa Cử nhân Y tá, tôi bị cho ngừng học vì những lý do về học thuật. Đây là một trong những thất bại lớn nhất của tôi trong cuộc đời, và mặc dù tôi đã không thể tốt nghiệp, nhưng tôi đã cố gắng tìm việc làm để có cảm giác mình thuộc về cộng đồng này. Thật kỳ diệu là tôi đã tìm được việc làm và làm trợ lý y tá trong 3 năm chuyên chăm sóc cho những người bị tổn thương tủy sống, Khi tôi cảm thấy mình không thật sự thích công việc này nữa, tôi nghỉ việc.

Mặc dù tôi không gặp nhiều may mắn trong chuyện học đại học và công việc của mình như thế, nhưng tôi vẫn nuôi ý tưởng học tập và biến việc học trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của tôi. Tôi đã đăng ký vào những ngành học khác như Thiết kế Thời trang, Nhiếp ảnh và Xã hội học.”

Kim Anh: “Việc rời khỏi trường đại học vào năm 2010 có thể là một cú sốc lớn đối với Suzanne, nhưng Kim Anh nghĩ rằng đó có thể cũng là một bước ngoặc lớn thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Suzanne. Có câu nói rằng 'Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra', điều đó có đúng với Suzanne không?”

Suzanne Đặng: “Đúng là như vậy. Mọi việc xảy ra đều có lý do của nó. Nếu tôi không bị ngừng học ngành Y tá, tôi có lẽ đã không thể khám phá về thế giới thời trang, đặc biệt là lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Tôi đã gặp gỡ nhiều người tuyệt vời đã đến chia sẻ và ủng hộ tôi trong suốt cuộc hành trình này.”
“Với sự giúp đỡ của ông bà, tôi đã học được về những giá trị, đạo đức và niềm tin của một người Việt Nam cũng như ngôn ngữ Việt. Tôi đã học được tầm quan trọng của gia đình, cũng những giá trị như cố gắng hết sức mình và không bao giờ bỏ cuộc.”
Kim Anh: “Tại sao Suzanne lại chọn làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần? Suzanne bắt đầu làm công việc là người hoạt động về vấn đề sức khỏe tâm thần như thế nào?”

Suzanne Đặng: “Tôi chưa từng lên kế hoạch trở thành một người hoạt động về vấn đề sức khoẻ tâm thần. Tôi nghĩ đó là do ân sủng của Đức Chúa trời, và đó là một trong những kế hoạch kỳ diệu mà Thiên Chúa đã dành cho tôi bất chấp tất cả những nỗi đau khổ mà tôi đã nếm trải do những thất bại trong học tập, tôi đã có thể đạt được điều gì đó và giúp đỡ những người khác thông qua năng lực kể chuyện của mình.

Mặc dù được chẩn đoán là bị rối loạn lưỡng cực loại I, tôi đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn, không chỉ về mặt tinh thần, mà cả về mặt cảm xúc nữa, và chỉ thông qua sức mạnh của Thiên Chúa, tôi mới có thể có mối quan tâm đến vấn đề sức khoẻ tâm thần.

Trải qua gần 8 lần ở phòng khám sức khỏe tâm thần, tôi đã nhìn thấy những người với những cảnh sống khác nhau và tôi muốn thấy liệu tôi có thể làm được gì để giúp đỡ họ, mang đến cho họ niềm hy vọng rằng họ có thể phục hồi từ các vấn đề về sức khoẻ tâm thần bằng câu chuyện của chính mình. Tôi tin rằng những người bị bệnh tâm thần cũng có thể hồi phục.”

Kim Anh: “Suzanne vừa nói rằng bạn được chẩn đoán là bị rối loạn lưỡng cực loại 1. Bệnh này là như thế nào? Suzanne cảm giác ra sao khi phát hiện ra mình bị bệnh này? Suzanne có lo sợ rằng mình sẽ bị bạn bè hay những người khác trong cộng đồng xa lánh không?”

Suzanne Đặng: “Thành thật mà nói, tôi được chẩn đoán là mắc nhiều chứng bệnh tâm thần như trầm cảm lâm sàng và tâm thần phân liệt, nhưng tôi cảm thấy chẩn đoán hiện thời là đúng với tình trạng của tôi nhất. Tôi cảm thấy vẫn còn rất nhiều sự kỳ thị tồn tại trong cộng đồng, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt. Tôi cố gắng hết sức để đưa ra một ví dụ, một câu chuyện là một người Úc gốc Việt như tôi gặp phải những vấn để này để gửi đi thông điệp rằng mọi việc đều sẽ ổn. Và mặc dù tôi đã mất rất nhiều bạn bè trên cuộc hành trình này, nhưng những người tốt hơn đã ở lại và ủng hộ tôi.”
Suzanne Dang
Suzanne Đặng (ngoài cùng bên trái) tham gia sự kiện thời trang Mercedes-Benz Fashion Weekend ở Sydney (Getty Images) Source: Getty Images
Kim Anh: “Tại sao Suzanne chọn các kênh truyền thông xã hội cho công việc của mình?

Suzanne Đặng: “Ban đầu thì tôi xem đó như một lời kêu cứu. Tôi bắt đầu sử dụng các kênh truyền thông xã hội như tiếng kêu cứu giúp đỡ khi chia sẻ câu chuyện của mình với những người khác. Tôi sử dụng truyền thông xã hội để lên tiếng cho những người khác nữa. Và từ đó, tôi đã mở rộng bằng cách sử dụng các kênh này để chia sẻ những thông tin về sức khỏe tâm thần an toàn, đặc biệt là trên trang blog của tôi, bởi vì không phải tất cả các thông tin về sức khoẻ tâm thần trực tuyến đều an toàn và hiệu quả trong việc giúp đỡ những người khác.”

Kim Anh: “Là một người làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, những triệu chứng phổ biến nào về sức khỏe tâm thần mà Suzanne thường hay gặp, đặc biệt là với những người trẻ?”

Suzanne Đặng: “Tôi không phải là bác sĩ hay chuyên gia về sức khoẻ tâm thần, nhưng những người trẻ tuổi có rất nhiều áp lực từ cuộc sống hiện nay, tôi đã gặp những người trẻ trong phòng chăm sóc sức khoẻ tâm thần, những người giống như tôi, họ có những triệu chứng bệnh lý nhưng không thể nhận biết nó đủ sớm và nhận được sự trợ giúp cần thiết. Những chi tiết nhỏ nhặt đối với một người trẻ tuổi như khó có thể thức dậy, rời khỏi giường, không ngủ đủ và không liên lạc với các nhóm xã hội của họ là những dấu hiệu mà tôi có thể nhận ra.”

Kim Anh: “Được biết Suzanne còn là blogger về thời trang và thẩm mỹ. Liệu có mối liên hệ nào giữa vấn đề sức khỏe tâm thần và thời trang và thẩm mỹ trong công việc của Suzanne không?”

Suzanne Đặng: “Tôi đã không đề ra mục tiêu trở thành một blogger có nhiều mối quan tâm khác nhau, đặc biệt là trở thành blogger về sức khoẻ tâm thần. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là luôn luôn cởi mở với những điều khác nhau trong cuộc sống, sử dụng và biến nó thành phương thức mà bạn có thể giúp đỡ những người khác.

Khi tôi tham dự các sự kiện thời trang, tôi luôn tự giới thiệu bản thân mình là một blogger về sức khoẻ tâm thần và thời trang, nhấn mạnh vào phần sức khoẻ tâm thần và cũng nói rằng thông qua cuộc hành trình bị rối loạn lưỡng cực của tôi, tôi hy vọng mang lại niềm hy vọng và ánh sáng cho những người cũng đang phải trải qua những điều tương tự giống như tôi.”
“Tôi muốn thấy liệu tôi có thể làm được gì để giúp đỡ họ, mang đến cho họ niềm hy vọng rằng họ có thể phục hồi từ các vấn đề về sức khoẻ tâm thần bằng câu chuyện của chính mình. Tôi tin rằng những người bị bệnh tâm thần cũng có thể hồi phục.”
Kim Anh: “Làm việc và tiếp xúc với những trường hợp về sức khỏe tâm thần, có bao giờ Suzanne cảm thấy căng thẳng?”

Suzanne Đặng: “Có chứ. Tôi đã từng tham dự một hội thảo về sức khoẻ tâm thần cho thanh niên và tôi cảm thấy căng thẳng đến nỗi phải đến phòng khám sức khỏe tâm thần vài ngày sau đó. Nhưng tôi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ trong và sau buổi hội thảo, cùng với nhiều cuộc điện thoại và thư từ của tổ chức sức khoẻ tâm thần trẻ tuổi đó, thật là tuyệt vời.

Tôi đã học được rất nhiều từ lần trải nghiệm đó, tôi đã học được rằng không phải bạn mạnh mẽ đến mức nào để có thể bắt đầu làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần mà hơn thế nữa là bạn hiểu được chính bản thân mình, và nhận biết những giới hạn của bản thân khi mọi việc trở nên bất lợi (chẳng hạn như tôi đã gọi cho bộ phận sức khỏe tâm thần ở bệnh viện và đường dây nóng Lifeline khi tôi cần sự giúp đỡ). Đó là những bước đi nhỏ ban đầu để nhận được sự giúp đỡ mà bạn cần.”
Kim Anh: “Được biết rằng Suzanne đã được đề cử cho Giải thưởng Best Bupa Blog Awards. Đồng thời, bạn cũng được mời làm người tư vấn cho hội nghị tại Hội nghị Sức khỏe Tâm thần Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 12. Suzanne có thể kể thêm về hai sự kiện này được không?”

Suzanne Đặng: “Tôi may mắn khi có được những cơ hội và cách thức khác nhau để quảng bá những việc mình đang làm. Tôi đã được đề cử cho Giải thưởng BUPA Blog Award chuyên mục Sức khoẻ, và lần đầu tiên tham gia một hội nghị về sức khỏe tâm thần với vai trò là Tư vấn viên Hội nghị. Nhưng không may là tôi đã không thể tham gia cả 3 ngày của sự kiện vì vài vấn đề về sức khỏe và tôi phải nhập viện lúc đó. Tôi chỉ giúp được việc chia sẻ thông tin về hội nghị thông qua các kênh truyền thông xã hội của tôi mà thôi.”

Kim Anh: “Suzanne có kế hoạch nào sắp đến không? Chẳng hạn như mở rộng công việc của mình?”

Suzanne Đặng: “Tôi dự định sẽ điều trị để hồi phục hoàn toàn. Tôi muốn hồi phục hẳn các vấn đề về sức khoẻ tâm thần của tôi, và mặc dù tôi cảm thấy tốt hơn, tôi nghĩ rằng lúc nào cũng cần phải cải thiện. Tôi rèn luyện về sự tự trắc ẩn, tự biết ơn, biết yêu bản thân mình và bước đi từng bước nhỏ trong cuộc sống hằng ngày và nhìn nhận mọi việc một cách nhẹ nhàng.”

*Quý vị có thể tìm kiếm sự trợ giúp về các vấn đề sức khỏe tâm thần tại các tổ chức sau:

Veterans and Veterans Families Counselling Service:  1800 011 046 - http://www.vvcs.gov.au/
Lifeline: 13 11 14 - http://www.lifeline.org.au
MensLine Australia: 1300 789 978 - http://www.mensline.org.au/
Suicide Call Back Service: 1300 659 467 - https://www.suicidecallbackservice.org.au/
Beyond Blue: 1300 22 46 36 - https://www.beyondblue.org.au/
Headspace: 1800 650 890 - https://headspace.org.au/



Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


 

 


Share