Sức khỏe là Vàng: Chứng tiểu đêm làm sao khắc phục?

Nocturia

Source: Pixabay

Giấc ngủ bị gián đoạn nhiều hơn một lần mỗi tối do chứng tiểu đêm là tình trạng khá thường gặp ở người cao tuổi, dù cũng có thể xuất hiện ở những nhóm tuổi khác. Tiểu đêm có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng nào và làm sao để khắc phục?


Giấc ngủ ban đêm rất quan trọng để giúp cơ thể phục hồi sức khoẻ sau một ngày dài làm việc. Nhưng khi giấc ngủ bị ngắt quãng do phải thức dậy đi tiểu và tình trạng kéo dài thì sẽ khiến cho nhiều người khó chịu, mệt mỏi và lo lắng về sức khỏe. 

Một người bình thường sẽ đi tiểu 6 – 8 lần/ngày và 1 lần vào ban đêm, mỗi lần bài tiết khoảng 300ml nước tiểu. Nếu đi tiểu nhiều hơn một lần trong giấc ngủ đêm là điều khác thường, là triệu chứng của tiểu đêm. 

Một số nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm, chẳng hạn như do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh bao gồm thuốc lợi tiểu, glycoside tim, demeclocycline, lithium, methoxyflurane, phenytoin, propoxyphen ... Các loại thuốc như vậy thường được kê toa cho bệnh nhân uống trước khi ngủ nhiều giờ để tránh ảnh hưởng giấc ngủ.

Người đang được điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị hoặc người từng được xạ trị đều có thể bị viêm bàng quang nhẹ, dẫn đến tiểu đêm nhiều.  

Việc sử dụng các thức uống có chất lợi tiểu như rượu, bia, cà phê đều dễ có nguy cơ đi tiểu đêm nhiều lần. 

Bên cạnh đó, nếu uống nhiều nước vào buổi tối cũng gây ra tiểu đêm nhiều.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) cũng có thể gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần. Người bị nhiễm trùng có thể cảm thấy đau rát khi tiểu, cũng có thể đau ở vùng bụng dưới và có sốt kèm theo. 

Tình trạng viêm bàng quang hoặc bàng quang dễ bị kích ứng cũng gây ra chứng tiểu đêm. 

Ngoài ra còn có một số bệnh lý gây ra tình trạng tiểu đêm như phì đại tuyến tiền liệt ở nam, u xơ tử cung ở nữ, bệnh tim mạch, sỏi thận, viêm niệu đạo ở cả nam lẫn nữ... 

Điều trị tiểu đêm

Cần xác định đúng nguyên nhân gây tiểu đêm mới có thể cải thiện được tình trạng bệnh. Các bệnh mãn tính hoặc viêm nhiễm cần được tầm soát và điều trị tận gốc mới có thể giảm chứng tiểu đêm.

Ngoài những nguyên nhân bệnh lý, người bị tiểu đêm cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp hơn. Không nên uống nhiều nước, rượu bia, cà phê hoặc trà vào buổi tối. 

Bên cạnh đó, người bệnh có thể tập luyện cho bàng quang dần dần điều chỉnh giảm bớt số lần đi tiểu để giảm tình trạng tiểu đêm.

Phụ nữ lớn tuổi  có phần cơ ở tầng sinh môn bị yếu, co thắt kém, dễ gây ra cảm giác thường mắc tiểu. Việc tập luyện động tác co thắt cho phần cơ của tầng sinh môn sẽ giúp giảm tình trạng mắc tiểu nhiều lần trong ngày. 

Việc dùng thuốc để điều trị giảm tiểu đêm là giải pháp sau cùng, bởi vì các loại thuốc như vậy thường có nhiều phản ứng phụ như chóng mặt, táo bón... nhưng nếu cần thiết để cho người bệnh ngủ an giấc thì bác sĩ sẽ chỉ định. 

Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Michael Dũng Cao trình bày chi tiết về chứng tiểu đêm trong chương trình Sức khỏe là Vàng. 

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share