197 đại biểu COP26 đồng ý với Hiệp ước Khí hậu Glasgow sau sự thay đổi từ ngữ “giảm dần than đá” chứ không “loại bỏ than đá”

Glasgow Climate Pact

The Glasgow Climate Pact has been struck, with all 197 parties of the United Nations making the pledge. Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Sau hàng giờ đồng hồ thảo luận từng điều khoản một và hai tuần đàm phán, các quốc gia tham gia các cuộc đàm phán của Liên Hiệp Quốc nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu đã đạt được một thỏa thuận, đồng ý ban hành Hiệp ước Khí hậu Glasgow. Dù cho trước đó có nhiều ý kiến trái chiều, thất vọng và tranh cãi vào phút cuối xung quanh từ ngữ về than đá trong các điều khoản, tất cả 197 thành viên của Liên Hiệp Quốc đã ký kết Hiệp ước.


Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Scotland đã kết thúc với một thỏa thuận toàn cầu nhằm mục đích cứu vãn hy vọng loài người có thể kiềm hãm sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, duy trì cơ hội cứu thế giới khỏi những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu.

Chủ tịch hội nghị Alok Sharma đã tỏ ra rất xúc động khi gõ búa để báo hiệu không ai phủ quyết trong số gần 200 phái đoàn các quốc gia đang có mặt tại Glasgow.

Hội nghị có mặt đầy đủ các nhà thương thuyết đại diện từ khắp nơi, từ các siêu cường sử dụng than và khí đốt, đến các nước sản xuất dầu mỏ và cả các đảo quốc ở Thái Bình Dương, vốn đang bị nuốt chửng bởi mực nước biển gia tăng.

Dự kiến diễn ra trong 2 tuần, các cuộc đàm phán kéo dài kiến Hội nghị phải mở rộng thêm một ngày mới có thể kết thúc.

Hội nghị COP26 là hội nghị lần thứ 26 nhưng là hội nghị đầu tiên kêu gọi cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

Phát ngôn nhân về khí hậu Mỹ ông John Kerry nói các nhà đàm phán đã dũng cảm đưa ra thỏa thuận và ký kết hiệp ước.

Tất cả chúng ta đều biết câu ngạn ngữ cổ về đàm phán: Bạn đừng để sự cầu toàn phá hỏng những thành tựu. Và thành tựu này thật tốt, Hiệp ước này là một tuyên bố mạnh mẽ. Chúng ta sẽ phê chuẩn vấn đề này, chấp nhận điều khoản này, để chúng ta có thể bảo đảm với con cháu của chúng ta, với các thế hệ tiếp theo rằng chúng ta đã làm tròn công việc của mình.

Nhưng có một kịch tính vào phút cuối khi Ấn Độ đưa ra phản đối vào giây cuối đối với phần "loại bỏ dần than đá" của thỏa thuận.

Bộ trưởng Môi sinh và Khí hậu Ấn Độ Bhupender Yadav đã kêu gọi thay đổi cách diễn đạt của dự thảo, yêu cầu thay đổi văn bản thành "giảm dần" thay vì "loại bỏ".

Ông Yadav nói Ấn Độ là một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào than đá.

Các nước đang phát triển có quyền được chia sẻ công bằng trong ngân sách carbon toàn cầu và được quyền sử dụng có trách nhiệm các nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi này. Trong tình hình như vậy, làm sao bạn có thể đòi hỏi các nước đang phát triển hứa hẹn về việc loại bỏ dần than và trợ cấp dùng nhiên liệu hóa thạch? Các nước đang phát triển vẫn đang phải thực hiện các chương trình phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Điều khoản này đã được sửa đổi một cách vội vã nhằm thúc đẩy “nỗ lực giảm dần điện than và loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”.

Sự thay đổi đã tạo ra nhiều thất vọng cho các nước giàu có trong Liên minh Âu châu và Thụy Sĩ cũng như Quần đảo Marshall - một trong những quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương mà sự tồn tại đang bị đe dọa do mực nước biển dâng cao.

Nhưng tất cả đều nói rằng họ sẽ chấp thuận sự thay đổi này vì lợi ích chung.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói thế giới phải chuyển sang chế độ khẩn cấp về biến đổi khí hậu, vì thỏa thuận này không đủ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ông Guterres thừa nhận nó thiết lập các nền móng quan trọng để bước tiếp.

Kết quả của COP26 là một sự thỏa hiệp. Nó phản ánh lợi ích, mâu thuẫn và thực trạng quan điểm chính trị trên thế giới ngày nay. Chúng ta phải đẩy mạnh việc bảo vệ khí hậu để duy trì mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ. Tôi muốn gởi một thông điệp đến thế hệ trẻ, các cộng đồng Thổ dân, các nhà lãnh đạo phụ nữ và tất cả những thủ lĩnh trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu, tôi biết các bạn thất vọng nhưng con đường tiến bộ nhanh nhất không phải lúc nào cũng là một đường thẳng.

Chủ tịch COP26, ông Sharma có nhiệm vụ khó khăn là cân bằng nhu cầu của các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, các cường quốc kỹ nghệ lớn, và những quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia mà việc tiêu thụ hoặc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của họ.

Giọng ông đầy cảm xúc sau khi nghe các quốc gia dễ bị tổn thương bày tỏ sự tức giận về những thay đổi vào phút chót.

Tôi chỉ có thể nói với tất cả các đại biểu rằng tôi xin lỗi vì cách mà quá trình này đã diễn ra và tôi vô cùng xin lỗi. Tôi cũng hiểu sự thất vọng sâu sắc nhưng tôi nghĩ như các bạn đã lưu ý, điều quan trọng là chúng ta đã Hiệp ước này. Cảm ơn quý vị. Cảm ơn các bạn. Chúng ta cần tiếp tục. Cảm ơn mọi người rất nhiều.

Thỏa thuận, một khi có hiệu lực, thừa nhận rằng các cam kết được thực hiện cho đến nay nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm nóng hành tinh là chưa đủ và yêu cầu các quốc gia đưa ra các cam kết khắt khe hơn về khí hậu vào năm tới, thay vì 5 năm một lần.

Một ủy ban của Liên Hiệp Quốc sẽ báo cáo trong năm tới về tiến độ cung cấp 136 tỷ Úc kim hàng năm, trong tổng tài trợ khí hậu mà các quốc gia giàu có đã hứa vào năm 2020 nhưng không thực hiện được.

Và các chính phủ sẽ được triệu tập để họp vào các năm 2022, 2024 và 2026 nhằm thảo luận vấn đề tài chánh khí hậu.

Giám đốc điều hành Tổ chức Hòa Bình Xanh Jennifer Morgan cho biết mặc dù chiếc cốc đã đầy một nửa, nhưng kỷ nguyên của than đang kết thúc.

Về tổng thể, tôi nghĩ đó là một thỏa thuận yếu ớt, không phù hợp với thời điểm khẩn cấp về khí hậu. Nó giữ cho cam kết 1,5 độ C tồn tại, nhưng vô cùng yếu ớt và tôi không nghĩ rằng các nhà hoạt động thanh niên và người Thổ dân sẽ lại chấp nhận được một hiệp ước COP khác như thế này nữa. Nó không đáp ứng đòi hỏi của họ và giúp họ bớt trăn trở, tôi mong đợi điều tốt hơn từ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.

Nước Úc không phản đối văn bản gốc trong dự thảo xoay quanh việc bỏ than đá hoặc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Một phóng viên của Đài số Bảy đã bám theo đại sứ Úc suốt các cuộc họp tại COP26 để xin bình luận nhưng đại sứ từ chối nói chuyện với truyền thông.

Cố vấn của Hội đồng Khí hậu Úc Simon Bradshaw nói với SBS News rằng:  

Mục đích của Úc khi đến Glasgow luôn là điều hoàn toàn không thể đạt được và chúng ta  là quốc gia phát triển duy nhất đến đây mà không có mục tiêu mạnh mẽ hơn cho năm 2030. Về căn bản, chúng tôi đã được yêu cầu thu dọn hành lý và quay trở lại vào năm tới với một cam kết mạnh mẽ hơn. Nó cũng giống như cách mà bạn thấy trong Hiệp ước này của Liên Hiệp Quốc, vì vậy rất rõ ràng đó là những gì Úc cần phải làm bây giờ.


Share