Mái ấm gia đình: Yêu con tỉnh thức tạo ra một thế hệ giàu sức bật

1.jpg

TS Cường Lã chia sẻ cách xây dựng sức bền ở trẻ bằng cách khuyến khích trẻ chơi thể thao, tham gia nghệ thuật hoặc cống hiến cho cộng đồng.

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

'Cha mẹ thường tự cho mình quyền được kiểm soát con cái, đến khi nào cha mẹ mới chịu nhường sân để con cái tự quyết cuộc đời của mình. Hãy soi rọi lại em bé trong chính mình. Nhiều khi ngày xưa mình mặc cảm vì học kém, nay muốn con ‘rửa nhục’ cho mình. Ngày xưa mình nhút nhát, nay muốn con phải ‘mạnh mẽ’ để thành phiên bản mà ngày xưa mình không đạt được. Ngày xưa mình có cuộc sống hôn nhân sóng gió, gẫy đổ, nên con không được phép phạm phải sai lầm...'


Trong tuần trước, chúng ta đã thảo luận về những điểm khác biệt giữa các thế hệ, đồng thời nhấn mạnh thực tế gen Z (những bạn trẻ sinh từ 1997-2012) thường có sức khỏe tâm thần yếu, là thế hệ dễ bị lo âu và trầm cảm. Tuần này, mời quý vị gặp lại tiến sĩ Cường Lã từ Đại học La Trobe để cùng tìm lời giải cho câu hỏi: 'Vì sao yêu con đúng cách sẽ tạo ra một thế hệ giàu sức bật?'

Xây dựng sức bền, ý chí và khả năng phục hồi cho con

Mô hình ở Đan Mạch là một ví dụ để cha mẹ học hỏi:

Trẻ học mẫu giáo tới 6 tuổi. Phần lớn thời gian trẻ tự chơi với nhau ở ngoài trời: trèo cây, cưa cây ghép thành nhà, đào đất nghịch cát…Tất cả giúp trẻ gần thiên nhiên, phát triển khả năng tự chơi và chơi với nhau.

Đến tuổi thiếu niên, chính phủ có chương trình cho trẻ được sống chung (như đi trại dài ngày), trẻ được phân ra theo từng “gia đình” do chính các em làm chủ. Các em tự đề ra chương trình, không có giáo trình, không có thầy giáo, chỉ có mentors để chỉ dẫn khi cần thiết. Thanh thiếu niên tham gia các chương trình gap-year sau khi tốt nghiệp phổ thông được chính phủ hỗ trợ 50% kinh phí.

Những trải nghiệm này giúp các bạn trẻ định hình 'tôi là ai trên thế giới này, tôi muốn làm chủ cuộc đời mình ra sao'. Các em dự những khóa huấn luyện này khi trưởng thành cho rằng đây là quãng thời gian ý nghĩa nhất trong đời.
LISTEN TO
Gen Z image

Mái ấm gia đình: Muốn hiểu con, hãy tìm về các biến động thời đại mà con đang đối mặt

SBS Vietnamese

22/05/202423:44
Vì vậy mà tạo ra môi trường giao tiếp tự do thể hiện cảm xúc (không bị gò bó, phán xét), được lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ là điều quan trọng khi làm cha mẹ Gen Z.

Điều này cũng đồng nghĩa, cần phải tránh áp đặt, hoặc gò ép Gen Z tuân thủ theo luật lệ hay quy định quá chặt chẽ trong gia đình. Điều này lợi bất cập hại về sức khỏe tâm lý.

Nhiều bạn trẻ Gen Z tại Việt Nam có xu hướng né tránh về ăn cơm nhà với cha mẹ. Một trong những nguyên do là áp lực phải đối diện với những câu hỏi chất vấn, soi mói của phụ huynh trong bữa ăn. Điều này khiến người trẻ phải gồng lên chịu đựng, hoặc nói dối cho qua chuyện.

Theo một nghiên cứu khác, do thực hiện, có tới 77% Gen Z tin tưởng rằng chính sự cởi mở và chân thành là điều cần thiết trong mối quan hệ với cha mẹ. Giao tiếp cởi mở và tạo ra không gian an toàn để các bạn Gen Z cảm thấy thoải mái nói lên suy nghĩ, cảm xúc của mình. Từ đó tạo được tự tin tưởng và củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

● Làm cha mẹ gương mẫu: Cha mẹ nên thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu, lòng tốt và cả trách nhiệm với xã hội thông qua hành động thay vì lời nói.

● Khuyến khích kết nối với đời sống thật thay vì sống ảo: tạo cơ hội để trẻ bỏ màn hình xuống, chơi thể thao, tham gia nghệ thuật hoặc cống hiến cho cộng đồng. Theo thống kê của Common Sense Media, 57% cha mẹ của các bạn Gen Z cho rằng con mình nghiện điện thoại và máy tính bảng. Vì vậy những hoạt động ngoài đời thực giúp trẻ có thêm kỹ năng xã hội, xây dựng tính linh hoạt, mềm dẻo và tìm được cảm giác mình thuộc về đời sống thật.

● Đặt kỳ vọng hợp lý với con
Chúng ta sống trong thế giới mà thành công được quy đổi bằng sự nổi tiếng và giàu có. Đây một nhận thức chưa đúng đắn và chúng đang áp lực lên Gen Z. Khảo sát của Gallup cho thấy 44% Gen Z cảm thấy họ bị căng thẳng liên tục kéo dài.
Một mặt cha mẹ khuyến khích trẻ theo đuổi tận cùng của đam mê và lao động chăm chỉ, nhưng mặt khác tập cho trẻ biết chấp nhận thất bại và coi thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống.

● Cha mẹ biết cách sống cho bản thân và chăm sóc mình

Làm cha mẹ vô cùng áp lực, đó đó bạn nên học cách chăm sóc bản thân mình. Chăm sóc cả về thể chất, tâm lý, tình cảm. Không thể làm con tằm nhả tơ đến kiệt sức, mà phải cần nạp lại năng lượng khi cần.

● Vinh danh sự khác biệt

Các bạn Gen Z là thế hệ đề cao sự đa dạng và mong muốn được gắn kết, Theo Pew Research Center, 48% Gen Z tin rằng sự đa dạng về chủng tộc và sắc dân là điều tốt cho xã hội.

Là người Việt máu đỏ, da vàng, lại sống trong một xã hội đa sắc tốc như Úc, chúng ta cần đề cao sự tự hào nòi giống 'con Rồng cháu Tiên' của mình và thênh thang hội nhập và xã hội Úc. Tránh tình trạng chúng ta mặc cảm là sắc dân thiểu số khi đi vào chính mạch.

Cha mẹ làm sao để phát triển trong vai trò là người nâng đỡ cho trẻ?

Tiến sĩ Shefali là tác giả cuốn bán chạy nhất theo đánh giá của New York Times – 'The Conscious Parent' (Làm cha mẹ tỉnh thức). Bà Shefali tốt nghiệp ngành tâm lý ĐH Columbia University chuyên về sự đa dạng gia đình và phát triển bản thân.

TS Shefali lật lại cách mà cha mẹ tự cho mình cái quyền được kiểm soát con cái họ, và chất vấn đến khi nào cha mẹ mới chịu nhường sân để con cái tự quyết cuộc sống của chúng theo cách chúng muốn. Lấy ví dụ cha mẹ Việt hay có câu 'Trứng đòi khôn hơn Vịt- Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ, trăm đường con hư' ám chỉ việc con cái phải tuân thủ và vâng lời cha mẹ thì mới có cuộc sống tốt đẹp.

Cha mẹ tự cho mình quyền tối thượng, được dạy dỗ con cái theo cách chúng ta cho là đúng. Nếu phải từ bỏ vai trò truyền thống này, nhiều cha mẹ bối rối, thậm chí sợ hãi. TS Shefali nhấn mạnh việc cha mẹ cần thay đổi bằng cách nhìn sâu vào bên trong để xem mình đã làm gì sai với con, điều gì mình không nên làm sẽ tốt hơn cho con.

Trong tiếng Anh cùng chữ 'Parenting' để nói về việc cha liên tục phải học cách thay đổi mình, chứ không phải là từ 'Childing' ám chỉ thay đổi trẻ.

TS Shefali có nêu ra một vế của một câu nói và yêu cầu các bậc cha mẹ hoàn thành câu nói đó: Tôi có con bởi vì…. Phần lớn cha mẹ trả lời: … bởi vì tôi yêu trẻ ; bởi vì tôi luôn mơ ước về một gia đình hạnh phúc; bởi vì tôi sẽ là người mẹ/cha tuyệt vời…

Tóm lại các đáp án đều xuất phát từ cái TÔI to đùng của cha mẹ, mà hiếm thấy xuất phát từ những đứa trẻ. Nói cách khác – việc đẻ con ra là biến chúng thành công cụ hoàn thành cái giấc mơ của cha mẹ; chúng là công cụ để tôi thể hiện tình yêu trẻ; để tôi hoàn thành giấc mơ gia đình; để tôi được làm cha/mẹ…
cuong la 1.jpg
Tiến sĩ Cường Lã hiện đang làm việc tại Đại học Latrobe. Anh có nhiều nghiên cứu học thuật, với hơn 30 năm kinh nghiệm quản lý dự án trong lĩnh vực y tế công và phát triển cộng đồng.
Bỏ đi cái tôi trong quá trình nuôi dạy trẻ

Cha mẹ không mong cầu con sau này báo hiếu, không kiểm soát trẻ - đó là nghệ thuật, tất nhiên thực hành làm cha mẹ luôn đi kèm với những sai lầm và chúng ta học đứng lên từ sai lầm.

Mỗi khi chúng ta đưa ra một lời nói, hành động, quyết định liên quan tới con cái hãy tự hỏi: liệu chúng ta có làm tiêu cực hóa cảm xúc của trẻ như phê phán, hạ nhục con, rồi đưa ra các cảnh báo nguy hiểm gắn với những việc con đang làm.
Cha mẹ phải soi rọi lại em bé trong chính mình. Nhiều khi ngày xưa mình mặc cảm vì học kém, nay muốn con ‘rửa nhục’ cho mình. Ngày xưa mình nhút nhát, nay muốn con phải ‘mạnh mẽ’ để thành phiên bản mà ngày xưa mình không đạt được. Ngày xưa mình có cuộc sống hôn nhân sóng gió, gẫy đổ, nên con không được phép phạm phải sai lầm xưa của mình.
Nói tóm lại, cha mẹ cần phải tự vấn mình để tránh áp đặt lên con cái. Cha mẹ cũng nên bình tĩnh, chấp nhận, thậm chí tạo cơ hội cho con được mắc sai lầm (trong giới hạn) giúp trẻ có thêm bài học, trải nghiệm sống và kỹ năng chống đỡ trước khó khăn. Ví dụ gặp con nổi loạn tuổi Teen-nên bình tĩnh coi đó là một phần trong quá trình phát triển thành người lớn ở trẻ. Đó là quá trình trẻ tự khám phá bản thân mình và muốn chứng tỏ khả năng độc lập.

Tất nhiên mỗi một trẻ một khác. Không có công thức nào đúng cho mọi trẻ, nên cần phải chọn lựa.

Cha mẹ đôi lúc đổ lỗi – tại chúng làm tôi tức giận, tại chúng hỗn láo không nghe lời, tại chúng phạm lỗi, chúng thất hứa… để rồi đưa ra những hình thức trừng phạt. Hãy cẩn thận với những dấu hiệu này. Bạn đang để cái TÔI của bản thân điều khiển và kiểm soát con, thay vì lắng nghe, thấu hiểu và cùng con giải quyết vấn đề.

Nên nhớ vấn đề của con cũng là vấn đề của cả gia đình. Nếu cùng chung tay với con sẽ giúp tháo gỡ vấn đề tốt hơn. Không có cha mẹ nào hoàn hảo. Chúng ta cũng phạm sai lầm trong dạy con cái. Vì vậy, hãy tập cách tha thứ cho bản thân mình. Học cách chấp nhận sự không hoàn hảo và tiến lên phía trước.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với khách mời.

Share