Nuôi con ở Úc: Biết đếm biết chữ chưa đủ để vào lớp một

Cùng con học chơi, chơi học tại bàn để làm quen với bàn học.

Cùng con học chơi, chơi học tại bàn để làm quen với bàn học. Source: Ha Trang

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Một đứa trẻ chưa biết chữ, chưa biết số, vẫn có ngày rộng tháng dài trước mặt để học. Nhưng nếu con không được trang bị một số kỹ năng năng cần thiết trước khi vào lớp một, cơ hội tốt sẽ vụt mất. Một buổi phỏng vấn giữa một phụ huynh gốc Việt và hiệu phó một trường tiểu học Sydney tiết lộ nhiều điều bất ngờ.


Dạy chữ chạy số cho con trước khi đi học, bao nhiêu là đủ, liệu đây có phải là điều quan trọng nhất, yếu tố quyết định cho con ung dung bước vào học đường hay không?

Khách mời Hà Trang, một giáo viên dạy tiếng Việt tại Sydney, mẹ của hai bé trai tuổi tiểu học và vỡ lòng chia sẻ trải nghiệm của chị từ buổi phỏng vấn với nhà trường, trước khi con trai lớn vào lớp vỡ lòng.

Bích Ngọc SBS: Hà Trang có thể chia sẻ buổi phỏng vấn đầu tiên với trường, trước khi con trai lớn Subi vào lớp vỡ lòng? 

Hà Trang: Subi bắt đầu đi học cách đây hai năm. Buổi phỏng vấn diễn ra vào một ngày mùa xuân tháng 9. Phỏng vấn Subi là thầy hiệu phó của trường. Thầy đưa cho con một tờ giấy trắng, yêu cầu con vẽ một bức tranh và viết họ tên con lên đó.

Khi con vẽ xong, thầy chỉ vào tên con trên giấy, nhờ con nói tên con và nhờ con gọi tên các chữ cái có trong tên của con (nếu con biết). Thầy hỏi con về bức tranh. Con nói cho thầy nghe điều con gửi gắm vào bức tranh. Con gọi tên các màu sắc có trong tranh.

Cuối cùng, trước khi ra về thầy ngồi xuống cùng tầm đứng của con, hỏi con liệu có thể đếm cho thầy 1-10. Khi con đếm xong, thầy hỏi: “Sau 10 là gì nhỉ? Liệu con có thể đếm tiếp 10 số nữa cho thầy không?”. Cứ thế con đếm đến 30.

Trong lúc con vẽ tranh, thầy nói chuyện với bố mẹ để hiểu sơ về con và tâm tư của gia đình. Trong cuộc phỏng vấn, thầy có chia sẻ: Năm vỡ lòng đầu tiên của các con là năm học để các con làm quen với trường lớp và việc học, để các con hình thành kỹ năng cơ bản cho việc học. Năm vỡ lòng này, thầy cô sẽ dạy các con học chữ cái, chữ số trong phạm vi 30 và các phép cộng trừ đơn giản, đặc biệt là làm quen với sách và xây dựng thói quen đọc cho các con.

Vì vậy, nếu con bạn biết chữ và số trước khi đi học thì đó là sự nên vui, nhưng nếu con chưa biết thì cha mẹ cũng không có gì phải lo lắng và điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến việc học ở trường hay kết quả học.

Vì sao có năm học vỡ lòng? Vì vỡ lòng là năm bước đệm tiền tiểu học để các con làm quen, trước khi chính thức bước vào con đường học tập 12 năm trước mắt.

Điều quan trọng không phải là con chúng ta có thuộc bảng chữ cái, chữ số hay không mà là các con đã được chuẩn bị những kỹ năng gì để tự tin, vui vẻ đến trường.

Bích Ngọc SBS: Chia sẻ của Hà Trang làm Ngọc nhớ đến một câu chuyện thú vị đọc được gần đây, trong một diễn đàn nuôi dạy con, một người mẹ đưa con đến buổi phỏng vấn tại một ngôi trường cấp 1, nơi mà con sẽ vào lớp vỡ lòng, chị dành rất nhiều thời gian trước đó để dạy con bảng chữ cái, số đếm từ 1-100, màu sắc, hình thù, bảng cửu chương.

Chị khá tự tin khi trang bị cho con những kiến thức này và tin rằng con sẽ khiến giáo viên phỏng vấn hài lòng. Tuy nhiên, buổi phỏng vấn không hề diễn ra như chị dự tính, cô giáo đưa cho con trai của chị một quyển sách và hai cô trò cùng ngồi xuống đọc sách.

Sau 10 phút đọc sách và trò chuyện, chơi một vài trò chơi, cô đặt câu hỏi với chị rằng chị có đọc sách ở nhà cho bé không? Người mẹ cảm thấy khá bất ngờ. Cô giáo gợi ý chị có thể đọc sách cho con nhiều hơn nữa, dùng ngón tay chỉ vào từng chữ cái của sách và đọc to, đồng thời hướng dẫn con đọc từ trái qua phải, từ trên xuống dưới để con hình dung được cách đọc.

Chị trở về nhà sau buổi phỏng vấn và cảm thấy khá lo lắng, dù con thể hiện rất tốt, tự hỏi vậy là những điều mà mình đã nỗ lực dạy cho trước khi đi học là công cốc hay sao?
Mỗi đứa trẻ đều có những lúc vui vẻ quá giới hạn, nhưng điều quan trọng là khi được nhắc nhở trẻ cần biết cách dừng lại.
Mỗi đứa trẻ đều có những lúc vui vẻ quá giới hạn, nhưng điều quan trọng là khi được nhắc nhở trẻ cần biết cách dừng lại. Source: Ha Trang
Những kỹ năng nào khác mà cha mẹ nên tập trung dạy cho con, thay vì chỉ tập trung vào chữ và số?

Hà Trang: Với tư cách là một phụ huynh đã có con đi học và là một cô giáo, mình thấy 8 nguyên tắc dưới đây vô cùng quan trọng giúp các con tự tin đi học:

BIẾT TUÂN THỦ QUY TẮC

Ở đâu cũng có nguyên tắc riêng. Bước vào một môi trường mới nếu con không quen với việc tuân thủ quy tắc chung, tự con sẽ đẩy mình vào nhiều tình thế khó khăn. Vô hình chung con tự đặt mình xa với mọi người. Tự do và tôn trọng không đồng nghĩa với thích làm gì thì làm.

BIẾT LÀM THEO HƯỚNG DẪN

Đây là kỹ năng không thể thiếu giúp con tự phát triển bản thân. Khi đã được trang bị kỹ năng này con dễ dàng chớp được nhiều cơ hội hơn trong môi trường lớp học.

DÁM THỬ SỨC VỚI THỬ THÁCH

Khó khăn luôn có, thử thách mới luôn ở phía trước, nếu con không ngại ngần, sợ sệt và dám bước về phía trước, tự con mở ra rất nhiều cánh cửa cơ hội cho chính mình. Thử thách là một phần của học tập và cuộc sống. Một đứa trẻ dám thử sức với thử thách sẽ từng bước trưởng thành lên rất nhiều. 

Điều này cần sự động viên và khích lệ của cha mẹ từ khi con bé để con tự tin vào bản thân, tin tưởng rằng chẳng có việc gì khó, chỉ cần mình luôn dám và luôn cố gắng.
Hà Trang hiện là giáo viên dạy tiếng Việt tại Sydney, mẹ của hai bé trai tuổi tiểu học và vỡ lòng.
Hà Trang hiện là giáo viên dạy tiếng Việt tại Sydney, mẹ của hai bé trai tuổi tiểu học và vỡ lòng. Source: Ha Trang
CHẤP NHẬN MÌNH SAI và LUÔN CÓ Ý THỨC MUỐN SỬA SAI

Đây chính là cách để con đối đầu với những điều không như ý khi ở trường. Trẻ thường dễ nản lòng khi mọi thứ không như ý. Cha mẹ xây dựng thói quen nhìn nhận cái sai một cách nhẹ nhàng sẽ giúp các con rất nhiều khi đến trường.

KỸ NĂNG SỬ DỤNG NHỮNG TỪ “THẦN KỲ”, NÓI CẢ CÂU VÀ BIẾT HỎI Ý KIẾN

“Cảm ơn”, “xin lỗi”, “... có được không ạ?” (Ví dụ: “Cô ơi, cô cho con đi vệ sinh được không ạ?”, “Cô giúp con một chút được không ạ?”) là những cụm từ cha mẹ nên thường xuyên sử dụng với con.

Đồng thời với đó, thói quen nói cả câu cũng là kỹ năng giao tiếp quan trọng để trẻ tự tin đến trường. Không chỉ ta, mà Tây cũng đặc biệt chú ý đến sự lễ phép, lịch sự trong giao tiếp của trẻ nhỏ.

Thử nghĩ xem, một đứa trẻ luôn trả lời đầy đủ câu với một đứa trẻ luôn nói trống không, đứa trẻ nào sẽ dễ được thiện cảm của thầy cô giáo và những người xung quanh? 

KHẢ NĂNG TẬP TRUNG

Một lớp 20-50 học sinh, nếu con luôn bận rộn với cái bút, cái ghế, loay hoay với đủ thứ xung quanh, khó lòng tập trung, thì vô vàn thứ trong lớp học sẽ trôi qua. Cô giáo vẫn cần duy trì buổi học. Đừng để giáo viên phải làm quá nhiều việc. Bố mẹ hoàn toàn có thể xây dựng khả năng tập trung cho con từ 2-3 năm trước khi đến trường. Mỗi ngày một chút, tích tiểu ắt sẽ thành đại.

Có rất nhiều con đường đơn giản để bồi đắp khả năng tập trung cho con, như: cho con làm việc nhà, cùng con làm thủ công, vẽ, cùng con học chơi, chơi học tại bàn (để làm quen với bàn học).

Những nguyên tắc để bồi đắp khả năng tập trung cho con: 1. Tay bận, não tập trung: Tay càng bận thì các con càng dễ tập trung, 2. Thay đổi hoạt động liên tục, 3. Thời gian tăng dần từ ngắn đến dài. Như vậy con sẽ dễ dàng thích nghi và khả năng tập trung sẽ dễ dàng được nâng cấp dần dần.
Bài văn bằng tiếng Việt của bé Subi, 7 tuổi, đang sống tại Sydney với đề bài của mẹ.
Bài văn bằng tiếng Việt của bé Subi, 7 tuổi, đang sống tại Sydney với đề bài của mẹ. Source: Ha Trang
CÓ ĐIỂM DỪNG

Mỗi đứa trẻ đều có những lúc vui vẻ quá giới hạn, nhưng điều quan trọng là khi được nhắc nhở trẻ cần biết cách dừng lại. Một tập thể không thể chờ một cá nhân quá lâu. Do đó, việc luyện tập để trẻ hiểu về giới hạn là vô cùng cần thiết.

THÓI QUEN ĐỌC SÁCH

Sách là con đường tự học tốt nhất và bền vững nhất. Một đứa trẻ không tự nhiên thích sách, niềm yêu thích đó cần được gieo vào trẻ từ trong gia đình.

Những năm đầu học đường ở Úc, nhà trường dành phần lớn thời gian để xây dựng kỹ năng đọc sách cho trẻ nhỏ. Các con phải đọc sách trên lớp, chia thành từng nhóm nhỏ để luyện đọc. Các con cần mượn sách ở trường để đọc sách mỗi ngày ở nhà.

Muốn con đọc tốt, cần đọc nhiều. Muốn con đọc hiểu tốt, cần đọc nhiều. Muốn con viết tốt, cần đọc nhiều. Muốn con là người học tự chủ, cần yêu đọc. “The more that you read, the more things you will know” – Dr. Seuss.


Mỗi người sẽ có một khái niệm khác nhau về thành công. Với mình con thành công là khi con tự tin, con vui vẻ, khỏe mạnh trưởng thành trong thu hoạch ở môi trường mà con gắn bó ngoài gia đình. Mà ở độ tuổi của con mình, đó là môi trường học đường.

Một đứa trẻ chưa biết chữ, chưa biết số, vẫn luôn có ngày rộng tháng dài trước mặt để biết số, biết chữ, nắm tốt số, nắm tốt chữ, học tốt Toán, Tiếng Anh. Nhưng, nếu con bạn không được trang bị kỹ năng giao tiếp, ứng xử và kỹ năng biết chấp hành nguyên tắc và làm theo hướng dẫn thì con bạn sẽ dễ đánh mất đi nhiều cơ hội tốt mà đáng lẽ con sẽ có được.  

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe chi tiết phỏng vấn với khách mời.


Đôi dòng về khách mời

Đoàn Phạm Hà Trang là mẹ của hai bé Subi và Subo, hiện sống tại Sydney.

Cô là một  có nhiều bài viết chia sẻ quan điểm nuôi dạy con cái, nhận được sự đồng cảm từ độc giả.

Hà Trang đang theo đuổi hành trình ươm mầm tiếng Việt và kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo và cấp một tại Úc. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Chính trị Thế giới và Thạc sĩ Luật tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.

Là một người mẹ di dân tại Úc, cô tin tưởng việc đồng hành cùng con, trao cho con chìa khóa của sự độc lập, tự tin đòi hỏi nỗ lực bền bỉ của cha mẹ.

Share