Nuôi con ở Úc: Cha mẹ vượt qua khủng hoảng phong tỏa và dịch bệnh

Cha mẹ đừng cầu toàn, và đòi hỏi quá nhiều từ bản thân mình và các con trong khoảng thời gian này.

Cha mẹ đừng cầu toàn, và đòi hỏi quá nhiều từ bản thân mình và các con trong khoảng thời gian này. Source: Cheney Song from Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Mức lây nhiễm nhanh, phong tỏa kéo dài tại NSW- đặc biệt ở nơi có đông người Việt sinh sống khiến nhiều cha mẹ cảm thấy quá mệt mỏi. Đó là chưa kể sự cộng hưởng lo lắng cho gia đình Việt Nam ở quê nhà khi dịch bệnh ngày một nghiêm trọng hơn. Tác giả sách làm cha mẹ Jerry Lê chia sẻ chiến lược nuôi dạy con cái trong khủng hoảng.


Theo chị Jerry Le, việc sống trong khủng hoảng kéo dài với những thay đổi liên tục, khó lường như vậy có thể ảnh hưởng gì đến mối quan hệ gia đình cũng như sức khỏe của các con?

Trong suốt thời gian COVID, bố mẹ cũng như các con luôn sống trong lo lắng, mệt mỏi và áp lực từ mọi mặt.

Lo lắng đầu tiên là về nguy cơ bản thân và người thân bị nhiễm bệnh. Mình làm việc ở nhà, các con đi học cũng không yên tâm. Nhiều gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, chỉ sợ các con mang bệnh về lây sang ông bà.

Phong tỏa, lúc đóng, lúc mở, làm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là những ngành dịch vụ trực tiếp, nhà máy đóng cửa, nhiều người mất việc. Đây cũng là thời điểm khó khăn để tìm việc mới, chuyển ngành mới. Không phải ai cũng đủ điều kiện được nhận hỗ trợ. Sức ép về tài chính, lo lắng về bệnh tất thường trực khiến nhiều bố mẹ mệt mỏi, cáu giận và không có khả năng tập trung vào những điều con cần.

Với các con độ tuổi đi học, việc đi học rồi nghỉ học trong thời gian dài có ảnh hưởng lâu dài nếu như không có sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhà trường và gia đình. Thiệt thòi nhất là các bạn mới vào lớp prep (vỡ lòng), cần rất nhiều sự hướng dẫn trực tiếp, cầm bút thế nào, học theo các trò chơi nhóm, rất khó để theo chương trình online.  Và không phải trường nào cũng chuẩn bị được chương trình online phù hợp với các trình độ khác nhau.

Các bạn chuẩn bị thi VCE, lớp 11, lớp 12 bình thường đã có nhiều sức ép, sự gián đoạn này càng làm các em khó khăn hơn, lo lắng.

Bố mẹ nào may mắn, vẫn giữ được công việc và làm tại nhà thì cũng gặp khó khăn trong việc vừa làm, vừa trông con nhỏ, dạy con lớn, việc nhà chồng chất. Đúng là nhiều bố mẹ phải đến tối, các con ngủ mới làm được việc, và làm việc 16 tiếng một ngày. Đảm đương nhiều vai trò vậy, mình không có thời gian nào cho bản thân, huống chi là chăm sóc cho các mối quan hệ với bạn đời hay các con.

Cũng có những gia đình may mắn, vẫn giữ được việc, các con đã lớn, tự lập được việc học, làm việc ở nhà lại tiết kiệm được 3 tiếng đi lại, sống chậm lại và có nhiều thay đổi tích cực.
Lo sợ không biết bao giờ mới hết dịch, căng thẳng tài chính để tồn tại, lúng túng trong việc dạy con học ở nhà, cộng hưởng với cảm giác bất lực không làm được gì giúp người thân ở Việt Nam khiến nhiều bố mẹ cảm thấy bế tắc, cạn năng lượng, không hứng thú với niềm vui hàng ngày, và mất đi sự kết nối với chính bản thân và mọi người xung quanh.
Đời sống xã hội cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, cả với bố mẹ và các con. Nhất là với những người hướng ngoại, thích gặp gỡ bạn bè, đi du lịch khám phá. Hoặc những người độc thân, người già, thường tìm niềm vui từ con cháu đến chơi. Mình vẫn là một nhân tố xã hội, nên cảm giác cô lập sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến tinh thần. Cô lập là một trong những lí do của trầm cảm.

Lo sợ không biết bao giờ mới hết dịch, căng thẳng để lo tài chính tồn tại, lúng túng trong việc dạy con học ở nhà, lại cộng hưởng với cảm giác bất lực không làm được gì giúp người thân ở Việt Nam nơi dịch khó kiểm soát khiến nhiều bố mẹ cảm thấy bế tắc, cạn năng lượng, không hứng thú với những niềm vui hàng ngày, và mất đi sự kết nối với chính bản thân và mọi người xung quanh.
Jerry Le, tác giả của cuốn sách nuôi dạy con TIME OUT for TIME IN
Jerry Le, tác giả của cuốn sách nuôi dạy con TIME OUT for TIME IN, hiện là sách bán chạy trên Amazon, thể loại làm cha mẹ. Source: Jerry Le
Rất nhiều phụ huynh người Việt chia sẻ họ cảm thấy quá nản và áp lực trước cuộc sống tù túng, cha mẹ và các con đều phải học và làm việc tại nhà quá lâu. Chị Jerry Le có chia sẻ gì về việc cha mẹ tự chăm sóc chính bản thân mình để có năng lượng tích cực dành cho con?

Đúng là nhiều khi mình thấy mọi việc tồi tệ xảy ra cùng một lúc, và ngoài tầm kiểm soát của mình.  Mất người thân do COVID, mất việc, nguồn thu nhập chính để nuôi gia đình, kinh doanh sụp đổ là một trong nhiều điều khiến mọi người sốc, chán nản và thấy bế tắc, bất lực.

Là bố mẹ, hàng ngày mình vẫn cần chăm sóc con cái, giúp con học, thực sự không có thời gian để đau buồn với những mất mát đó.

Đợt lockdown thứ 4 ở Melbourne mình cũng rơi vào khủng hoảng, doanh thu cũng giảm một nửa nhưng thời gian làm việc thì gấp 3 lần, vừa làm online vừa chăm con nhỏ ốm hết lần này đến lần khác, lây sang ông bà, bố mẹ; dạy con lớn học, con lại là đứa rất khó thích nghi với thay đổi. Mình cũng phải mất một thời gian và học cách chăm sóc bản thân mình để lấy lại cân bằng.
Cố gắng đừng cầu toàn, và đòi hỏi quá nhiều từ bản thân mình và các con trong khoảng thời gian này.
Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp lấy lại cân bằng và có được năng lượng tích cực để đưa ra những quyết định tốt hơn, rất cần thiết vào thời điểm này.

  • Chăm sóc sức khỏe thể chất của bản thân: Ngoài việc ăn uống đều đặn, đủ chất, uống nhiều nước, 2 điều quan trọng để giúp cho sức khỏe tinh thần là đừng quên vận động và ưu tiên giấc ngủ.
  • Vận động sẽ tạo hóc-môn endorphines, giúp giảm những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Lockdown, gym và các lớp học đóng cửa, nhưng vẫn có thể đi bộ, bật tivi tập theo. Nếu mới, hãy bắt đầu 10, 15 phút đến 1 tiếng. Nhiều khi bật nhạc mấy mẹ con nhảy, cũng giúp ích nhiều.
  • Giấc ngủ: trong thời gian khủng hoảng, có rất nhiều lo âu, khó ngủ, có thể có trợ giúp: uống bổ sung vitamin, hoặc trà trợ giúp giấc ngủ, thuốc ngủ từ đơn bác sĩ. Vì thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng điều chế cảm xúc, khả nắng suy nghĩ và đưa ra quyết định sáng suốt.
  • Lắng nghe những suy nghĩ của mình để có thể xem xét liệu những suy nghĩ đó, nhất là suy nghĩ tiêu cực, có hoàn toàn đúng không. Ví dụ như mình mất việc, là nguồn lương chính để nuôi gia đình, thì sẽ rơi vào tình trạng rất khó khăn để duy trì. Suy nghĩ này là đúng. Nếu vậy thay bằng việc than trách tại sao lại rơi vào mình, tại sao dịch lâu vậy, mình tìm cách làm thế nào để tồn tại qua thời gian khó khăn này.
  • Nếu có những suy nghĩ như, mình sẽ không bao giờ tìm được việc khác, cả nhà sẽ mãi mãi khó khăn, dịch bệnh sẽ luôn ở đó, mọi thứ với mình đều tồi tệ thì bạn cần xem lại, điều đó không đúng. Vì khi mình suy nghĩ vậy sẽ dẫn đến bế tắc và không muốn làm gì.
  • Nếu mình nghĩ có rất nhiều công việc và đây có thể là thời gian bạn xem lại kĩ năng, kinh nghiệm, hoặc thậm chí đổi môi trường làm việc tốt hơn. Ai cũng biết dịch bệnh rồi sẽ qua. Và nếu bạn nhìn thật sâu thì bạn sẽ thấy vẫn may mắn có sức khỏe, có gia đình, bạn bè và người thân bên cạnh, không phải mọi thứ đều tồi tệ. Thay đổi suy nghĩ vậy sẽ làm bạn thấy lạc quan hơn và tìm cách khắc phục, ví dụ đâm 10 lá đơn xin việc một ngày, gọi điện cho bạn bè, các mối quạn hệ mình biết và nói mình đang cần việc.
  • Sức khỏe tinh thần, tâm linh: Bạn chăm sóc đời sống tinh thần, tâm linh của bạn thế nào? Ví dụ như bạn có thể tập thói quen viết nhật kí: trước khi đi ngủ, hoặc sáng dậy, viết 3 điều mình thấy biết ơn, nhỏ bé thôi, biết ơn trái tim mình hoạt động ngày đêm khi mình được ngủ. Hoặc bạn có thể thiền: 15, 20 phút tĩnh tâm, tập trung vào hơi thở. Ví dụ mình hay tập bài thở của thầy Thích Nhất Hạnh. Hít vào, mình biết mình đang lo sợ, thở ra: buông bỏ lo sợ.  Hoặc nếu bạn theo tôn giáo, bạn có thể dành nhiều thời gian để cầu nguyện, để có những giây phút tĩnh tâm, giảm bớt lo lắng.
  • Với những bạn không có sức nặng về tài chính, có thể lấy cơ hội này để sống chậm lại, dành thời gian cho bản thân và gia đình, sắp xếp lại cuộc sống theo ý muốn, thử những niềm vui mới, chăm sóc vườn, xếp lại đồ đạc.
  • Một điều quan trọng nữa là tập trung vào việc mình có thể làm, và giảm bớt trách nhiệm và suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực cho những việc ngoài khả năng, kiểm soát của mình. Ví dụ như nếu có bố mẹ ở Việt  Nam, có thể gọi điện thường xuyên hơn, hỗ trợ kinh tế nếu cho phép, nhờ tìm người giúp đỡ. Đừng để những cảm giác có lỗi, bất lực, tự trách mình bao trùm, sẽ làm mình khó tập trung vào giây phút quý giá hiện tại.
  • Dạy con họ ở nhà cũng vậy. Mình hiểu rằng mình không được huấn luyện làm giáo viên nên giúp con trong mức có thể, khi các con quay lại trường sẽ có các sự giúp đỡ để các con quay lại nhịp độ bình thường.
  • Đời sống xã hội: Không được gặp nhau thì chăm gọi điện, Facetime, Zoom, tham gia các nhóm học, tập tành trên mạng.
Nếu mình đã làm đủ mọi cách mà vẫn thấy có nhiều suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực trong thời gian dài hơn hai tuần, mình có thể gặp chuyên gia tâm lý. Mình có thể tìm trên mạng những người nói được tiếng Việt. Trong thời gian COVID, ngoài 10 buổi gặp hàng năm theo tiêu chuẩn, bạn được thêm 10 buổi nữa. Bạn hoàn toàn không cô đơn trong thời gian khủng hoảng, khó khăn này.
Cha mẹ nên dành mỗi ngày 10-15 phút cho bản thân.
Cha mẹ nên dành mỗi ngày 10-15 phút cho bản thân. Source: Jerry Le
Chiến lược nuôi dạy con cái như thế nào để vượt qua khủng hoảng đại dịch, nhất là trẻ con phải học online trong thời gian dài?

Mấy tuần vừa rồi mình nói chuyện với bố mẹ học sinh ở trung tâm và nghe bố mẹ than phiền về việc học online ở nhà, mình có một số gợi ý này:

1.Bố mẹ lo lắng các con sẽ không theo kịp các bạn.

Đây là lo lắng nhiều nhất đấy và đúng là có nhiều lí do. Các con tự học ở nhà, có trường đưa bài đầy đủ và hợp lí, có trường không có điều kiện làm vậy. Bố mẹ bận việc và khó khăn về ngôn ngữ và kiến thức để hỗ trợ con.

Cố gắng đừng cầu toàn, và đòi hỏi quá nhiều từ bản thân mình và các con trong khoảng thời gian này. Mình giúp được bao nhiêu trong khả năng mình thì mình giúp, các con học được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu.

Nếu cần giúp đỡ, thầy cô ở trường sẽ là người đầu tiên liên lạc. Còn nếu không được thi BỎ QUA nhé! Các con thích nghi rất nhanh, và không phải mình con mà rất nhiều bạn khác cũng trong hoàn cảnh vậy. Trường sẽ có những phương án phù hợp, hỗ trợ sau khi quay lại trường học.

2.Quản lý các con suốt ngày dùng máy điện thoại, Ipad.

Ngồi nói chuyện với các con xem nên dùng các thiết bị điện tử bao lâu trong một ngày, thời điểm nào dùng, và với những lí do gì. Ghi ra tờ giấy nếu cần thiết. Các con sẽ phản đối, giận dữ, khóc lóc. Không sao, nhìn lại ‘bản hợp đồng’ nhé.

Nếu bạn có những cuộc họp quan trọng, có thể để con sử dụng thiết bị điện tử với thời gian giới hạn, chương trình mình kiểm soát được, phù hợp với lứa tuổi và có tính chất giáo dục.

3.Các con rất dễ nổi cáu, không ngủ ngon vào buổi đêm.

Các con không tiêu hao được năng lượng như chạy nhảy, vui chơi và phải ở lì trong nhà nên rất khó chịu. Đôi khi sự giận dữ, khóc là bề nổi thôi. Thực ra là các con có thể thấy sợ hãi trước các tin về bệnh tật, chết chóc mà không có ai chia sẻ. Hoặc các con cảm thấy bài online quá khó mà không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu. Chưa kể, các con có thể thấy cô đơn, không có bạn bè chơi, và cảm giác bị bỏ rơi khi bố mẹ bận việc.

Cố gắng nói chuyện với các con để tìm hiểu xem thực sự con đang giận dữ vì chuyện gì? Chia sẻ với các con về cảm giác cô đơn, hoặc sỡ hãi và  cha mẹ thường làm gì khi cảm thấy vậy. Đưa ra kế hoạch làm một hoat động gì cùng nhau.

Cho các con facetime, messenger kids với bạn bè mà mình kiểm soát được.

4.Bố mẹ cảm thấy rất mệt mỏi, có quá nhiều thứ để làm. Vừa làm việc kiếm tiền, vừa dạy con lớn học, lai trông con bé,  thăm nom gia đình nội ngoại, rất dễ cạn năng lượng.

Giao việc, giao việc và giao việc. Thường bố mẹ nghĩ các con còn bé, không làm được nhiều việc. Nhưng thật ra các con làm được rất nhiều. Nếu cả hai vợ chồng cùng làm việc ở nhà thì chia sẻ công việc nhà. Nhiều người cha nấu ăn rất ngon và hút bụi sạch lắm, các mẹ đừng ngại giao việc!

Quan trọng nhất là dành thời gian cho bản thân, 15 phút một ngày cũng được để làm việc mình thích. Nghe nhạc, viết lách, đọc sách, đi bộ với bạn, trò chuyện, chơi đàn, vẽ vời. Với những mẹ nào ham thích nâu ăn, đây cũng là thú vui tốt để rủ con cùng tham gia, chồng rửa bát.

Đây chỉ là một giai đoạn rất khó khăn, và giai đoạn này sẽ đi qua. Mình hỗ trợ lẫn nhau, để sau khi dịch qua, mình trở nên gắn bó và mạnh mẽ hơn. Mình cầu mong sự bình an đến với mọi người.  


Đôi dòng về khách mời:

 là mẹ của hai bé gái, một nhà giáo dục, một người truyền cảm hứng về việc nuôi dạy con cái, một tác giả sách và một người coi học hỏi là sự nghiệp suốt đời.

Cô đam mê nghiên cứu về con người và các mối quan hệ từ nhỏ. Khi trưởng thành, Jerry Le trở thành tiếng nói cho trẻ em. Cô là tác giả của cuốn sách nuôi dạy con 

Jerry Le điều hành một trung tâm giáo dục thành công trong năm năm qua. Cô đã hoàn thành Chứng chỉ Tham vấn và khóa đào tạo về Nuôi dạy con có ý thức cùng nhiều khóa học về nuôi dưỡng mối quan hệ.

Cô hy vọng có thể chia sẻ những câu chuyện, kiến ​​thức, kinh nghiệm nuôi dạy con cái từ hai nền văn hóa Đông và Tây với tất cả các bậc cha mẹ đang gặp khó khăn, tuyệt vọng trong việc tái kết nối với những giá trị quan trọng nhất đối với chúng ta. Là cha mẹ, ta có thể chữa lành những nỗi sợ hãi, tổn thương trong quá khứ của mình để sống cuộc đời nhiều màu sắc, nhân ái và dành tặng cho con cái thời gian, sự quan tâm, chỉ dẫn và tình yêu thương mà chúng xứng đáng có được.


Share