Nuôi con ở Úc: Chưa tham gia thể thao, chưa phải là người Úc

Nhờ thể thao mà Cherry (Lê Tâm Nguyên) hòa nhập và gắn bó với cuộc sống mới tại Úc

Nhờ thể thao mà Cherry (Lê Tâm Nguyên) hòa nhập và gắn bó với cuộc sống mới tại Úc Source: Hoang Le

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trẻ em tại Úc rất đam mê thể thao, có tinh thần thượng võ, có văn hoá thưởng thức và cổ động thi đấu rất văn minh. Trong khi việc chơi banh đánh bóng ở Việt Nam có thể bị coi là không lo học, thì giáo dục thể chất tại Úc được đánh giá cao. Chơi, thi đấu, cổ võ thể thao là một trong những yếu tố để trẻ kết nối, hạnh phúc, tự tin và khỏe mạnh.


Đôi dòng về khách mời:

Anh Lê Sơn Anh Hoàng là phụ huynh của bé Lê Tâm Nguyên (tên tiếng anh là Cherry, 14 tuổi, sống tại tiểu bang Victoria).

Cherry qua Úc để định cư khi bắt đầu vào cấp hai. Em chơi bóng bàn từ năm 6 tuổi khi mới học lớp một. Cherry từng tham gia các giải phong trào cho đến giải vô địch trẻ thanh thiếu niên toàn quốc tại Việt Nam, giải trẻ quốc tế ở Singapore.

Cherry hiện đang tập luyện thường xuyên tại câu lạc bô Loops Table Tennis ở Sunshine, Victoria. Thành tích cao nhất của Cherry tới nay ở Úc là vô địch nội dung đơn nữ U/15, vô địch nội dung đôi nữ U/17 và hạng 2 nội dung đơn nữ U/17 tại giải vô địch bóng bàn bang Victoria mở rộng tháng 4 năm 2021.

Anh Lê Hoàng chia sẻ kinh nghiệm dẫn dắt con đến với thể thao chuyên nghiệp và vai trò của rèn luyện thể chất với sự phát triển toàn diện của trẻ tại Úc. 


SBS: Là một cô bé tuổi teen sinh ra ở Việt Nam, thể thao đã giúp Cherry hòa nhập cuộc sống mới như thế nào tại Úc?

Lê Hoàng: Cherry từ nhỏ luôn là một bé gái hoạt bát, lanh lợi và hoà đồng. Nhờ chơi bóng bàn mà bé tập thêm được tinh thần đồng đội và hay giúp đỡ người khác. Việc hoà nhập cuộc sống mới ở Úc với Cherry lúc đầu cũng có rất nhiều sự bỡ ngỡ về văn hoá và ngôn ngữ giao tiếp.

Thời gian đầu Cherry cũng chưa quen với phong cách tập luyện cũng như môi trường thi đấu giải ở Úc, nhưng cũng nhờ sự kiên trì bền bỉ, phấn đấu không ngừng mà hiện nay Cherry đã được tham gia luyện tập cùng với các bạn thuộc đội tuyển trẻ ở cấp độ quốc gia của Úc. 

SBS: Nếu cha mẹ nhận thấy con có năng khiếu đặc biệt ở một môn thể thao nào đó, họ nên giúp con rèn luyện và bồi dưỡng thêm như thế nào tại Úc?

Lê Hoàng: Nếu để ý sẽ thấy từ nhỏ, trẻ con luôn được khuyến khích vận động và làm quen với các hoạt động thể chất. Khi trẻ đã bắt đầu biết đi, biết chạy, cha mẹ nên cho các con làm quen dần với nhiều trò đơn giản như chơi với banh bóng như đá, quăng, chụp, chạy, nhảy, leo trèo, đi bộ, đạp xe, scooter, bơi lội, tập võ, chơi cờ.

Khi trẻ tới khoảng 5 tuổi trở lên, có thể cho trẻ bắt đầu thử và tham gia nhiều môn thể thao: bóng rổ, footy, cầu lông, bóng bàn, netball, bóng chuyền, hockey, bóng đá… Lựa chọn bộ môn nào tùy khả năng của trẻ, truyền thống gia đình và cha mẹ cần đồng hành nhiều cùng con xuyên suốt chặng đường này.

Những nơi luyện tập thể thao có thể tìm thấy ở các hội đồng thành phố địa phương, trường các bé theo học, hoặc tìm kiếm thông tin qua mạng.
Từ nhỏ, trẻ nên được khuyến khích vận động và làm quen với các hoạt động thể chất. Khi trẻ đã bắt đầu biết đi, biết chạy, cha mẹ nên cho các con làm quen dần với nhiều trò đơn giản như chơi với banh bóng như đá, quăng, chụp, chạy, nhảy, leo trèo, đi bộ, đạp xe, scooter, bơi lội, tập võ, chơi cờ
Nếu muốn theo chuyên nghiệp lâu dài cho con thì phụ huynh có thể tìm hiểu thêm ở các liên đoàn thể thao cấp bang hay quốc gia. Chẳng hạn như Cherry, con gái của Hoàng hiện được biết rộng rãi ở liên đoàn bóng bàn Victoria (TTV) hay liên đoàn bóng bàn Úc (TTA).
Anh Lê Sơn Anh Hoàng luôn đồng hành cùng con trong các giải thi đấu.
Anh Lê Sơn Anh Hoàng luôn đồng hành cùng con trong các giải thi đấu. Source: Hoang Le

SBS: Nếu con có năng khiếu, phụ huynh có nên gửi con vào một trường chuyên về thể dục thể thao? Anh Hoàng có ý định cho con gái mình theo con đường vận động viên chuyên nghiệp không?

Lê Hoàng: Các trường ở Úc rất coi trọng các môn thể thao và rèn luyện thể chất. Các trường thường tổ chức thành các đội để thi đấu với nhau trong vùng, hoặc thậm chí trao học bổng cho các bé nào có năng khiếu thể thao đặc biệt và đóng góp cho thành tích ở tầm quốc gia hay quốc tế chẳng hạn.

Cũng sẽ có những trường chuyên về thể thao, đào tạo cho các vận động viên thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên với Cherry thì ở lứa tuổi nhỏ đang hình thành nhân cách và còn có thể học hỏi nhiều thì là phụ huynh, mình luôn muốn con giữ được sự cân bằng giữa việc chơi thể thao và học tập văn hoá cũng như nhiều những kỹ năng khác trong cuộc sống.

SBS: Anh nhận thấy Úc nhìn nhận thể thao như thế nào trong hệ thống giáo dục?

Lê Hoàng: Theo thì ở Úc hiện có khoảng 40% trẻ từ 5 - 14 tuổi không tham gia bất cứ hoạt động thể thao nào, mà thay vào đó là dành thời gian nhiều hơn cho một hoặc vài hoạt động khác như làm bài tập về nhà và học thêm, chơi điện tử, sử dụng internet, xem tivi.

Thể thao học đường hiện nay đang rất được chú trọng ở Úc vì rất nhiều lợi ích cho các bé như:

Giảm nguy cơ béo phì; nâng cao sức khỏe tim mạch; phát triển tốt xương, cơ, khớp, gân.

Tăng cường khả năng cân bằng và phối hợp giữa các bô phận cơ thể (ví dụ tay chân, mắt và não trong bóng bàn).

Thư giãn đầu óc cho trí tuệ minh mẫn, giảm đau đầu và đau lưng.

Giúp ngủ ngon hơn.

Lợi cho sức khỏe tâm thần, giúp tự tin hơn.

Mở rộng các mối quan hệ xã hội.

Nâng cao các kỹ năng phát triển bản thân như khả năng làm việc nhóm và tố chất lãnh đạo.
Ở Úc các gia đình có truyền thống thể thao thì cha mẹ thường đồng hành và hỗ trợ con cái, cũng như tạo ra sự gắn kết qua nhiều thế hệ. Tham gia các hoạt động thể thao giúp cho trẻ và cả phụ huynh có thêm nhiều mối quan hệ xã hội và hoà nhập cộng đồng tốt hơn.
Do trẻ ở Úc lớn lên từ nhỏ được tiếp xúc với nhiều môn thể thao như vậy nên phần lớn người dân Úc rất yêu thích, thậm chí đam mê thể thao, có tinh thần cao thượng, tôn trọng nhau khi chơi thể thao, có văn hoá thưởng thức và cổ động thi đấu rất văn minh.

Cơ sở vật chất cho thể thao ở Úc được đầu tư khá tốt cũng tạo môi trường cho các tài năng trẻ phát huy.

Cá nhân mình thấy thông qua các môn thể thao, cha mẹ sẽ có cơ hội dạy cho con các đức tính như tinh thần thượng võ, tôn trọng luật lệ, tôn trọng đối thủ, kiên trì bền bỉ không bỏ cuộc...

Mình thấy ở Úc các gia đình có truyền thống thể thao thì cha mẹ thường đồng hành và hỗ trợ con cái cũng như tạo ra sự gắn kết qua nhiều thế hệ. Tham gia các hoạt động thể thao cũng giúp cho trẻ và cả phụ huynh có thêm nhiều mối quan hệ xã hội và hoà nhập cộng đồng tốt hơn.
Nếu muốn con theo đuổi chuyên nghiệp thì phụ huynh có thể tìm hiểu thêm ở các liên đoàn thể thao cấp tiểu bang hay quốc gia.
Nếu muốn con theo đuổi chuyên nghiệp thì phụ huynh có thể tìm hiểu thêm ở các liên đoàn thể thao cấp tiểu bang hay quốc gia. Source: Hoang Le

SBS: Điều này rất khác với Việt Nam khi cha mẹ ở Việt Nam chưa coi trọng thể thao đúng mức, con mà ra đường đá banh, chơi bóng thì nói là hư hỏng, không lo học. Chơi thể thao giỏi không bằng học toán giỏi. Nhưng ở Úc thì thể thao giỏi có thể là năng khiếu được ưu tiên, là một con đường-sự nghiệp mới.

Lê Hoàng: Đúng vậy. Sự khác biệt về môi trường văn hoá và đầu tư cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ cho các môn thể thao cũng khác nhau ở Úc và Việt Nam. Vì vậy mà cha mẹ trung lưu ở các thành phố lớn ở Việt Nam có thể thấy là cho con cái chơi thể thao không có tương lai và đánh đổi quá lớn.

Trong khi đó ở Úc, trẻ em được khuyến khích chơi thể thao từ nhỏ, nếu giỏi được hỗ trợ để đóng góp cho nền thể thao của Úc, đại diện thi đấu quốc tế nhưng vẫn có thể theo đuổi những nghề nghiệp chuyên môn khác.

Một điều dễ dàng nhận thấy là cơ sở vật chất thể dục thể thao ở Úc được đầu tư tốt và đầy đủ hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, theo mình thì thể dục thể thao học đường hầu như chỉ để giúp trẻ em làm quen với các môn này ở mức cơ bản nhất có thể, giúp tạo ra và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động thể dục thể thao thôi.

Vì môi trường học thuật nên là tự do theo đuổi và phát huy, cho nên quan trọng vẫn là sự lựa chọn và theo đuổi của trẻ cũng như sự hỗ trợ từ phụ huynh là chính.
Cherry (phải) và em trai (trái) tham gia các hoạt động thể thao cùng nhau.
Cherry (phải) và em trai (trái) tham gia các hoạt động thể thao cùng nhau. Source: Hoang Le

SBS: Chia sẻ của anh Hoàng trong vai trò là phụ huynh về việc giúp con rèn luyện thể chất, dấn thân vào thể thao nếu có năng khiếu?

Lê Hoàng: Theo mình thì phụ huynh có vai trò đi cùng để hỗ trợ và việc này rất quan trọng trong quá trình trẻ làm quen và theo đuổi các môn thể thao.

Việc phải tốn kém đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức và năng lượng để theo con cái chơi thể thao là rất lớn.

Riêng mình thì luôn đồng hành cùng Cherry khi con chơi bóng bàn, từ lúc tập luyện đến thi đấu, trao đổi với các huấn luyện viên, phụ huynh khác cũng như giao lưu và điều phối các mối quan hệ xã hội có liên quan tới môn thể thao này. 

Theo quan điểm của mình thì thể thao còn là cơ hội để gia đình gắn kết và cha mẹ dành thời gian nhiều hơn. Cha mẹ đồng hành cùng con trong cả quá trình tập luyện lẫn thi đấu, cho dù là phong trào hay đỉnh cao. Đây là những hoạt động hết sức lành mạnh về thể chất giúp trẻ học tập tốt hơn.

Tìm hiểu thêm hỗ trợ của chính phủ về thể thao cho trẻ qua hình thức nhận voucher tại đây.

Mời quý vị nghe phỏng vấn với khách mời trong phần audio.

Share