Nuôi con ở Úc: Con đường có được quốc tịch và hòa nhập thành công

Chị Mỹ Lan (ngoài cùng bên trái) và con gái Annie

Chị Mỹ Lan (ngoài cùng bên trái) và con gái Annie Source: Lilian Tran

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Đến Perth để học thạc sĩ khi đã 42 tuổi, chị Mỹ Lan được phép đưa theo hai con học miễn phí tại trường tiểu học và trung học công lập ở Tây Úc. Sau 5 năm nỗ lực, chị đã có được thường trú, hòa nhập vào xã hội Úc và giúp các con trở thành những cá nhân hoàn toàn khác so với cách đào tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam.


Lộ trình 5 năm có quốc tịch

Chị Mỹ Lan (Lilian Tran) đã sống tại Perth được gần 5 năm. Con trai lớn của chị (Evin, 21 tuổi) đang theo học đại học và con gái nhỏ (Annie, 12 tuổi) đang học tại một trường trung học cho trẻ có năng khiếu về quần vợt.

Năm 2017 là cột mốc lớn với cả gia đình, khi chị Mỹ Lan cùng chồng quyết định tìm cách cho con tiếp cận với cơ hội giáo dục tốt hơn tại Úc.

“Lúc đó mình cảm thấy xót ruột khi thấy con trai chịu áp lực học tập, đồng thời phương thức giáo dục và môi trường ở bậc tiểu học không đáp ứng mong đợi và tương ứng với quan điểm về giáo dục của mình.”

Sau khi tham dự một hội thảo du học, chị Lan đứng trước 2 lựa chọn: cho con trai lớn đi du học ở Úc, cha mẹ ở Việt Nam làm việc và hỗ trợ học phí cho con; hoặc cha mẹ đi học thạc sĩ tại Tây Úc và hai con được đi theo học miễn phí tại trường công lập.

Sau nhiều cân nhắc, gia đình chị quyết định các con sẽ qua Úc học theo visa sinh viên của mẹ. Đồng thời chị Mỹ Lan cũng lên lộ trình để có được thường trú và lấy quốc tịch cho cả gia đình trong thời gian này.

Với mục tiêu có được thường trú trong vòng 5 năm, trước khi bước qua tuổi 45, là mức tuổi không còn được tiểu bang Tây Úc bảo trợ, chị Mỹ Lan nhanh chóng thực hiệc các bước thẩm định tay nghề, thi tiếng Anh và nộp hồ sơ xin visa 190, dưới sự bảo trợ của chính phủ Tây Úc.

Chị theo học thạc sĩ quản lý nhân sự và xin ngành nghề định cư là dạy tiếng Anh cho người nước ngoài. Tháng 4 năm 2019, chị nhận được công việc toàn thời gian giảng dạy tiếng Anh cho người nhập cư và đủ điều kiện nộp hồ sơ. Tháng 11 năm 2019, chị có được thường trú và vừa làm bài thi quốc tịch cách đây vài ngày.

Mẹ và con cùng nỗ lực thích nghi và hòa nhập

Gia đình của chị Mỹ Lan là một ví dụ về sự nỗ lực trong quá trình định cư và hòa nhập tại Úc,  khi các con đều sinh trưởng ở Việt Nam và có quãng thời gian dài ảnh hưởng bởi hệ thống giáo dục áp lực, nặng nề về thi cử và còn nhiều lỗ hổng.

Từ bỏ vị trí quản lý chuyên môn cho một trung tâm Anh ngữ lớn tại Sài Gòn, con trai đang học lớp 10, con gái học lớp 3, chị Mỹ Lan và các con đứng trước sự thay đổi lớn về nếp sống, văn hóa và hệ thống giáo dục.

“Mình bị trầm cảm trong thời gian đầu đến Perth. Mình nhớ nhà, nhớ gia đình, người thân, bạn bè, công việc, đồng nghiệp. Nếp sống ở Việt Nam và Úc quá khác biệt.
"Môi trường lớp học lành mạnh. Bạn bè trong lớp tốt bụng, thân thiện, sẵn sàng và nhiệt tình giúp đỡ bạn khi cần."
"Môi trường lớp học lành mạnh. Bạn bè trong lớp tốt bụng, thân thiện, sẵn sàng và nhiệt tình giúp đỡ bạn khi cần." Source: Lilian Tran
Ở Việt Nam, cuộc sống bận rộn, nhịp sống nhanh, hoạt động giải trí đa dạng, mình có đời sống xã hội phong phú. Mình chơi thể thao thường xuyên, đi ăn tối với gia đình, tiệc tùng cũng nhiều, về quê thăm má, thăm anh chị mỗi tháng một lần, đi du lịch 3 đến 4 lần mỗi năm. Trong khi Perth thì quá yên tĩnh, chưa gặp ai quen. Cảm giác bị cô lập với thế giới bên ngoài, cộng thêm áp lực học tập, lo việc nhà, đi chợ nấu cơm, vốn là những việc mình không làm ở Việt Nam. Khi đó chỉ có mình và con trai lớn ở đây, chồng và con gái vẫn ở Việt Nam”.
Từ những trải nghiệm con có trong lớp, ngoài xã hội, giúp con trưởng thành rất nhiều. Con có nhận thức tốt về bản thân, về xã hội và tính cách con thay đổi theo hướng tích cực.
Mọi khủng hoảng tâm lý dần được giải tỏa khi chị Lan được đoàn tụ cùng chồng và con gái. Chị có được công việc dạy Anh ngữ cho người nhập cư AMEP.

Việc chuyển tiếp với con trai lớn của chị Lan là Evin, tương đối dễ dàng khi bé đã được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ nhiều năm và đạt được chứng chỉ IELTS 7.5 trước khi qua Úc.

"Chương trình học tại Úc nhẹ nhàng hơn, thầy cô hoàn toàn không la rầy mà chỉ khuyến khích học sinh, nên Evin rất thích môi trường mới", chị Lan chia sẻ với SBS.

Giúp con giao tiếp và trở thành một phần của xã hội

Tuy nhiên, với con gái nhỏ của chị, bé Annie lúc đó đang học lớp 3, tiếng Anh và áp lực tâm lý là rào cản khá lớn.

“Con chỉ hiểu bài giảng của cô khoảng 50%. Mấy ngày đầu đi học, bé rất sợ, vì ở Việt Nam không hiểu bài, không làm bài sẽ bị cô la, cô đánh. Khi mới qua đây, bé khá lo là không ai chơi với mình vì không nói được tiếng Anh nhiều. Cũng may trong lớp có 2 bạn mới vào, cũng là dân nhập cư, các bạn cùng hoàn cảnh sáp lại chơi với nhau”.

Đồng hành cùng con, chị Mỹ Lan lên kế hoạch để giúp con thích nghi và làm quen với môi trường văn hóa mới.

“Ngày nào tan học mình cũng tới hỏi cô bé học như thế nào. Cô giáo ở đây rất giỏi, hiểu tâm lý trẻ, có tâm lý sư phạm, cô lúc nào cũng trấn an mẹ là bé học bình thường. Bé chỉ cần thời gian để thích nghi thôi.

Về mặt học tập, mình không nắm chương trình học của bé. Nhưng mình mua các tài liệu NAPLAN (Chương trình thẩm định quốc gia về khả năng Đọc viết và Làm toán) cho bé làm thêm ở nhà trong suốt các năm học. Việc này đảm bảo con theo sát chương trình theo chuẩn quốc gia. Không quan trọng bé phải học nhiều.

Về mặt xã hội mình tìm cách tạo cơ hội cho con hòa nhập với cộng đồng bên này. Mình đăng ký cho  bé học tennis ở câu lạc bộ. Cho bé tham gia các giải đấu đồng đội để bé tiếp xúc và tương tác với các bạn Úc. Bé tập banh khoảng 3 ngày mỗi tuần, mình chơi với con, đồng thời kết nối với  phụ huynh của các bé khác trong đội, tổ chức tập banh cho các bé.
Mình đăng ký cho bé học tennis ở câu lạc bộ. Cho bé tham gia các giải đấu đồng đội để bé tiếp xúc và tương tác với các bạn Úc.
Mình giúp con kết nối với các ba mẹ của bạn học trong lớp. Cha mẹ thay phiên nhau tổ chức những ngày 'play day' hoặc 'sleep over', tổ chức cho các bé đi ăn chung. Mình tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động xã hội càng nhiều càng tốt. Bản thân làm tình nguyện viên cho câu lạc bộ quần vợt và bóng đá của cộng đồng người việt ở Tây Úc, mình luôn mang Annie theo để con sinh hoạt chung với các bạn người Việt khác", chị Lan tâm sự với SBS.

Điều tuyệt vời nhất mà chị Mỹ Lan nhận thấy trong 5 năm sống tại Úc là có nhiều thời gian và gần gũi con hơn rất nhiều so với lúc ở Việt Nam.  Theo chị, đây là yếu tố quyết định trong việc hỗ trợ con thich nghi với môi trường mới, cuộc sống mới.

“Khi có thời gian, mình có thể phát triển thói quen tốt cho con và có những can thiệp, uốn nắn tính cách của con. Từ những trải nghiệm bé có trong lớp, ngoài xã hội, giúp con trưởng thành rất nhiều. Bé có nhận thức tốt về bản thân, về xã hội và tính cách bé thay đổi theo hướng tích cực.
Annie (giữa) đang học tại một trường trung học cho trẻ có năng khiếu về quần vợt.
Annie (giữa) đang học tại một trường trung học cho trẻ có năng khiếu về quần vợt. Source: Lilian Tran
Cộng thêm với môi trường lớp học lành mạnh. Bạn bè trong lớp rất tốt bụng, thân thiện, luôn sẵn sàng và nhiệt tình giúp đỡ bạn khi cần. Đó cũng là những cái gương trước mắt cho bé".

Hiện tai Annie đang học lớp 7, theo học ở trường trung học có chương trình năng khiếu về tennis. Annie rất hạnh phúc và thích cuộc sống ở Úc.

Giáo dục Việt Nam răn đe, giáo dục Úc bình đẳng và tôn trọng cá nhân

Làm việc trong lĩnh vực giáo dục và có con thụ hưởng hai nền giáo dục Việt- Úc, chị Mỹ Lan chia sẻ giáo dục của Úc song hành với những giá trị của gia đình chị.

“Mình nhận thấy giáo dục Việt Nam nặng răn đe, phạt nhiều hơn thưởng, nhiều áp lực học tập không đáng có. Annie làm toán sai bị khẽ tay. Rèn thi vở sạch chữ đẹp, cô cho là viết xấu chưa đạt, con mình đánh. Lớp trưởng lợi dụng quyền lực và là “tai mắt” của cô giáo, báo cáo lại bạn nào nói chuyện trong lớp, chưa làm xong bài. Các bạn trong lớp sợ lớp trưởng và các bạn sao đỏ. Quên mang tập bị mời phụ huynh. Quên làm bài bị chép phạt 100 lần.

Với con trai mình Evin học cấp 3, trường quá nặng về thi cử, bắt buộc phải học thêm toán, nếu không điểm thi dưới trung bình. Trong khi qua đây, con nhận được giải thưởng học sinh dẫn đầu về lịch sử hiện đại và phương pháp toán học, được giáo viên giới thiệu học lớp chuyên toán.
Trẻ em từ cấp mẫu giáo đã được thực hành bắt tay khi nhận giấy khen. Trẻ cũng được mời phát biểu khi tham gia thi đấu và nhận giải.
Giáo dục Việt Nam dựa trên triết lý Phương Đông của Khổng Tử, nhấn mạnh tôn tri trật xã hội, kính trên nhường dưới, kiến thức và sư uyên thâm về học vấn, học vị mới quan trọng, sự sáng tạo không quan trọng, muốn có kiến thức phải học chăm, khổ luyện.

Việc này với mình Không phải không tốt, nhưng một mặt áp đặt, đưa trẻ vào khuôn khổ, kỳ vọng quá lớn là rào cản cho sự phát triển của trẻ.
Gia đình của chị Mỹ Lan là một ví dụ về sự nỗ lực trong quá trình định cư và hòa nhập tại Úc, khi các con chịu ảnh hưởng lớn nền giáo dục ở Việt Nam.
Gia đình của chị Mỹ Lan là một ví dụ về sự nỗ lực trong quá trình định cư và hòa nhập tại Úc, khi các con chịu ảnh hưởng lớn nền giáo dục ở Việt Nam. Source: Lilian Tran
Cộng với thầy cô và người lớn hay dùng quyền của mình để áp dặt lên trẻ. Trẻ muốn là con ngoan, trò giỏi thì phải nghe lời và không dám đáp trả lại thầy cô, người lớn dù người lớn có sai. Trẻ được giáo dục trong môi trường sợ sai, sợ bị phạt giống như con ốc co rút trong vỏ, lâu ngày mất đi sự tự tin, chỉ sống và cư xử trong khuôn khổ cho phép.

Trong khi đó, giáo dục Úc dựa trên giá trị bình đẳng, tôn trọng, và phát triển cá nhân. Thưởng được chú trọng hơn là phạt.

“Khi Annie mới qua Úc, con ngạc nhiên vì cô giáo quá ‘hiền’, không la rầy ai. Cô có chính sách thưởng tạo động lực cho các em. Khi đã học qua vài thầy cô, bé mới biết đây là cách dạy của thầy cô bên này.

Bé kể một bạn trong lớp phát biểu không liên quan gì đến bài các bạn đang làm, các bạn khác tham gia tranh luận. Giáo viên cũng tham gia tranh luận và không đưa ý kiến ai đúng ai sai. Trong khi ở Việt Nam, phải ngồi im răm rắp nghe cô nói.

Khi có bạn nào đặt câu hỏi, cô thường khen là câu hỏi rất hay. Trẻ được lắng nghe và được tôn trong khi đưa ra ý kiến nhận xét.

Trẻ em từ cấp mẫu giáo đã được thực hành bắt tay khi nhận giấy khen. Trẻ cũng được mời phát biểu khi tham gia thi đấu và nhận giải. Việc này rèn cho trẻ sự tự tin khi nói chuyện. Các trẻ em mình từng tiếp xúc trong trường Annie hay trong câu lạc bộ tennis có độ chững chạc trong cách nói chuyện mà mình ít thấy ở trẻ em Việt Nam.

Cách đào tạo và khuyến khích khả năng lãnh đạo rất khác ở Việt Nam. Lớp trưởng tại Úc phải tự ra ứng cử và thuyết trình về các giá trị và năng lực của mình, rồi các bạn trong lớp bình chọn. Vai trò lớp trưởng là phụ giúp giáo viên và hỗ trợ các bạn trong lớp.

Khi con vào lớp 4, trường phát cho mẹ một quyển sách nhỏ về giáo dục giới tính, yêu cầu phụ huynh phải đọc qua và trả lời tất cả các câu hỏi của con về chủ đề này một cách rõ ràng và thẳn thắn.

Ở lớp 5 bé được học về tư duy cố định ‘fixed mindset’ và tư duy cầu tiến ‘growth mindset’. Mục tiêu của cô giáo là đến cuối năm học các bạn phát triển và có một tư duy cởi mở hơn.

Mình không đặt nặng về việc phải tiếp thu kiến thức thật nhiều, hay phải có điểm cao, thành tích tốt ở bậc tiểu học và trung học. Quan điểm của mình là nếu học tập vì trách nhiệm, vì yêu cầu thì kiến thức chỉ tăng theo cấp số cộng, nhưng nếu học tập vì đam mê thì kiến thức sẽ tăng theo cấp số nhân. Mình chỉ cần con mình có đam mê ở một mảng nào đó, theo đuổi đam mê và sống vui, hạnh phúc", chị Mỹ Lan nói với SBS.

Mời quý vị nghe phỏng vấn với khách mời trong audio.

Share