Sức khỏe là Vàng: Phòng ngừa viêm phổi

pexels-shvetsa-4225923.jpg

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Viêm phổi có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Tiêm phòng, giữ vệ sinh và lối sống lành mạnh là điều quan trọng để phòng ngừa viêm phổi.


Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi phổ biến, do virus, vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai lá phổi. Phổi bị viêm và có thể chứa đầy mủ hoặc chất lỏng, cản trở luồng không khí đi qua phổi, khiến người bệnh khó thở và có nguy cơ dẫn tới tử vong.

Viêm phổi hay xảy ra khi thời tiết lạnh, nhiễm lạnh đột ngột, môi trường ô nhiễm, sau khi bị cúm, sởi...

Có nhiều loại viêm phổi, một trong những loại phổ biến và đe dọa tính mạng nhất là viêm phổi do phế cầu khuẩn, do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae gây ra. Loại vi khuẩn này là gây ra khoảng 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.

Ai có nguy cơ bị viêm phổi?

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn, nhưng những người có nguy cơ cao hơn là:
  • Người trên 70 tuổi,
  • Những người mắc các bệnh như tiểu đường, ung thư hoặc bệnh mãn tính ảnh hưởng đến phổi, tim, thận, gan,
  • Người hút thuốc lá,
  • Người Thổ dân và dân đảo Torres Strait,
  • Trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Điều đáng chú ý là cho dù khỏe mạnh đến đâu thì nguy cơ mắc bệnh viêm phổi vẫn tăng theo tuổi tác, khi hệ thống miễn dịch suy yếu một cách tự nhiên khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và bệnh tật hơn.

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi

Một số triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể bao gồm: thở dốc, khó thở, thở khò khè, ho, sốt, mệt mỏi, đau ngực, lạnh run.

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi phụ thuộc vào độ tuổi của người bệnh, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng cũng như bất kỳ vấn đề nào về khả năng miễn dịch.

Hãy đi gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm phổi.

Viêm phổi được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh viêm phổi dựa trên các triệu chứng, có thể yêu cầu xét nghiệm máu và chụp X-quang ngực.

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và loại nhiễm trùng.

Làm thế nào để phòng ngừa viêm phổi?

Có thể phòng ngừa bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn bằng cách tiêm phòng, giữ vệ sinh tay và nhà cửa để giảm thiểu sự lây lan của vi trùng, tránh tiếp xúc môi trường ô nhiễm, bỏ hút thuốc hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc.

Một trong những loại viêm phổi do vi khuẩn phổ biến nhất là viêm phổi do phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae. Hiện có vắc-xin chống lại chủng này.

Theo Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, các nhóm sau đây đủ điều kiện được tiêm vắc xin miễn phí để ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn:
  • Trẻ dưới 5 tuổi.
  • Người mắc một số bệnh lý nhất định khiến họ có nguy cơ cao hơn.
  • Người Thổ dân và người dân đảo Torres Strait từ 50 tuổi trở lên.
  • Người từ 70 tuổi trở lên.
Vắc-xin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất để giảm sự lây lan của bệnh viêm phổi. Những ai không đủ điều kiện tiêm phòng miễn phí vẫn nên nói chuyện với bác sĩ gia đình để được khuyến nghị về tình trạng sức khỏe cá nhân.

Ngoài ra, việc tiêm vắc-xin cúm cũng có thể giúp ngăn ngừa cúm và tránh dẫn tới bệnh viêm phổi.

Mời quý vị vào phần Audio hoặc xem Video để nghe Bác sĩ Brian Cung trình bày về phòng ngừa viêm phổi.

Lưu ý: Thông tin trong bài chỉ mang tính tổng quát, có thể không phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của quý vị. Hãy liên lạc với chuyên viên chăm sóc y tế của quý vị để được tư vấn rõ ràng cho trường hợp của quý vị.

Share