Trẻ sinh năm 2020 gánh chịu thiên tai gấp nhiều lần so với thế hệ trước

Before Pope Francis visits Tacloban and Palo, Leyte, some

Source: LightRocket

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Từ lâu, trẻ em được tin là sẽ phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu do các thế hệ trước tạo ra. Và một phúc trình mới của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em vừa đưa ra con số thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu mà trẻ em sinh ra ngày nay sẽ phải gánh chịu. Số liệu cho thấy trung bình trẻ em một tuổi hiện nay phải đối mặt với một tương lai với hỏa hoạn, lũ lụt, mất mùa, hạn hán và sóng nhiệt cao gấp 24 lần so với thế hệ ông bà của các em.


Khi một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận - bão Haiyan - tàn phá Philippines vào năm 2013, cậu bé Chatten Abrera chỉ mới 9 tuổi.

Chatten phải chịu cảnh mất điện trong nhiều tháng, và phải nghỉ học nhiều tuần.

"Hàng ngàn ngôi nhà, có cả nhà của chúng tôi, đã bị sập vào thời điểm đó. Nước ngập lụt khắp nơi. Xác động vật chết khắp nơi. Cây cối ngãđổ hết. Mọi thứ rất hỗn loạn."

Chatten tin rằng Phillippines đang gặp phải thiên tai thường xuyên. Bây giờ ở tuổi 15, Chatten nhận thấy tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra hàng ngày đối với đất nước của mình, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân.

"Hạn hán nghiêm trọng, rồi mưa lớn dẫn đến mất an ninh lương thực, sạt lở đất, chết người, suy dinh dưỡng. Từ đó tỷ lệ đói nghèo cũng tăng lên. Hàng ngàn gia đình, hàng ngàn người mất việc làm."

Những gì mà Chatten trải qua tương tự những điều được mô tả trong một phúc trình mới của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.

Phúc trình mang tên "Sinh ra trong khủng hoảng khí hậu", sử dụng mô hình cho 178 quốc gia để dự đoán biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em sinh năm 2020 trong suốt cuộc đời của các em.

Phúc trình cho biết, thế hệ này hiện đã một tuổi, đang gặp phải các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do khí hậu gây ra nhiều gấp 24 lần so với thế hệ sinh vào những năm 1960.

Tác giả chính của phúc trình là Erin Ryan cho biết:

"Một em bé sinh năm ngoái ở Papua New Guinea sẽ phải đối mặt với số lượng sóng nhiệt gấp mười lần và nguy cơ hỏa hoạn cao gấp đôi so với những đứa trẻ lớn hơn. Còn trẻ em ở Vanuatu vốn đang hồi phục sức khỏe sau trận lốc xoáy tàn khốc trong vài năm qua sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, bao gồm số lượng hạn hán nhiều gấp ba lần."

Phúc trình phát hiện ra rằng các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ bị ảnh hưởng không tương xứng, mặc dù họ ít gây ra khí thải toàn cầu.

Các thảm họa thiên nhiên không chỉ sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở các quốc gia này mà còn làm kéo dài những bất bình đẳng hiện có như đói nghèo, phân biệt đối xử, tiếp cận với y tế và giáo dục, suy dinh dưỡng và bóc lột.

Trong khi đó, trẻ em Úc cũng  không tránh khỏi tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tại Úc, phúc trình cho thấy trẻ em sinh ra vào năm 2020 có thể trải qua nhiều đợt nắng nóng gấp 4 lần, hạn hán gấp 3 lần, cũng như tỷ lệ chịu tác động của cháy rừng tăng 30% theo các cam kết thỏa thuận Paris không đầy đủ của chúng ta.
Ella Simons, một  học sinh trung học Melbourne vừa tròn 15 tuổi, là Đại biểu Thanh niên của Úc tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Milan trong tuần này.

Hội nghị diễn ra trước cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu COP-26 của Liên hợp quốc tại Glasgow vào tháng 11, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đề ra cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ.

Ella Simons nói rằng em và các bạn đồng lứa đang mong đợi tiếng nói của các em được lắng nghe.

"Tôi nghĩ thế hệ của tôi đang rất tức giận và thất vọng. Quý vị không thể chỉ ngồi đó và xem như không có gì xảy ra... Tôi muốn thấy sự thay đổi mạnh mẽ và tiếng nói của những người trẻ được chia sẻ tại sự kiện này. Và có những thay đổi thực sự từ hội nghị này."

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Glasgow, Úc đã chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cam kết không phát thải ròng vào năm 2050 cũng như cải thiện các mục tiêu năm 2030 phù hợp với cộng đồng quốc tế.

Erin Ryan từ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết phúc trình của cô phát hiện rằng việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ sẽ giảm đáng kể hậu quả khí hậu nghiêm trọng cho các thế hệ tương lai.

Erin Ryan nói rằng trẻ em phải là trung tâm của các giải pháp khí hậu trên thế giới.

"Phúc trình mới này thực sự khẳng định rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em ở mức cao nhất. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng trong tương lai, nó là một cuộc khủng hoảng đang xảy ra ngaybây giờ và mỗi ngày nó càng trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi thực sự đang chiến đấu cuộc sống của mình và Chính phủ Úc cần hành động ngay. Không phải trong 30 năm nữa, mà là ngay bây giờ."

Share