Mái ấm gia đình: Con cái chúng ta cần điều gì nhất?

ngoc 3.jpg

"Vai trò của cha mẹ và thầy cô là hiểu gọi tên được cảm xúc và nhận thức của chính mình, truyền thông cho con hiểu", Coach Anna Ngoc Le.

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cha mẹ 'cày cuốc' cho con vào trường tư, nhưng đó có phải điều con muốn? Cha mẹ vất vả dành dụm cho con một căn nhà, những chuyến nghỉ mát cuối năm xa hoa, nhưng đó có phải điều con cần? Vậy con thật sự muốn gì? Coach Anna Ngoc Lê đi tìm câu trả lời bằng cách nhìn vào tháp nhu cầu của Maslow.


Trong tuần trước, Coach Anna Ngọc Lê đã chia sẻ con đường để lắng nghe trẻ đúng cách.

Quá trình lắng nghe là để ta đi đến mục tiêu cuối cùng, thấu hiểu con? Liệu cha mẹ có thật sự hiểu nhu cầu của con chưa, hay chỉ cho rằng mình đang cho con cái con cần? Con trẻ cần điều gì? Cùng Coach Anna Ngọc Lê tìm lời giải trong tập tuần này.

Con cần vật chất cảm thấy được tôn trọng?

Thông thường cha mẹ cho con vật chất như ăn uống ngủ nghỉ quần áo sách vở, trường học tốt, đi chơi những nơi tốt. Đó là thỏa mãn nhu cầu vật chất. 

Cha mẹ không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu vật chất cho các con của mình. Vật chất có thể hữu hạn, nhưng những gì phi vật chất, có thể cho đi vô hạn. Những nụ cười, những cái ôm, những lời nói ghi nhận, tin yêu và khích lệ, có thể cho đi vô hạn.

Cha mẹ đặc biệt có thể cho thời gian lắng nghe, vui đùa bên con để con được cảm nhận mình là người quan trọng, được yêu thương và được tôn trọng. 

Bản thân Anna lớn lên trước những năm 1980, nhiều ngày không có cơm ăn, một năm vài ba bộ quần áo, má phải khâu vá lại nhiều chỗ. Tết mới được thêm một bộ đồ mới và đôi dép nhựa. Nhưng Anna rất vui vẻ, vì cái Anna cần nhất là biết mình được thương. Anna không sợ nghèo, mà sợ không được yêu thương và sợ không được tự do chọn sống theo cách của mình. 

Anna nhớ lúc mình 8, 9 tuổi gì đó, ba má quyết định một việc rất lớn. Mình nhỏ xíu, mà được hỏi ý kiến về chuyện lớn như vậy, Anna nhớ ba má nói: con nói có lý. Sau đó ba má ra quyết định có cân nhắc ý kiến của mình. Chuyện đó ghi sâu trong ký ức của Anna. Anna có cảm giác mình rất quan trọng vì ý kiến của mình được ba má tôn trọng. 
Cha mẹ đều đã từng làm con, từng khó chịu khi bị áp đặt, từng cảm giác cha mẹ không lắng nghe và thấu hiểu mình. Có khi mình từng nghe cha mẹ nói những câu gây tổn thương đến sự tự tin và tự trọng, rất khó chịu. Vậy mà khi làm cha mẹ, nhiều khi ta lại lặp lại vết xe đổ của cha mẹ mình.
Thường cha mẹ cho rằng con cần đủ đầy vật chất, mà bỏ quên nhu cầu tình cảm và tinh thần của con, như là nhu cầu được yêu thương và tôn trọng. Sự tôn trọng thường được thể hiện qua việc dành thời gian chất lượng trò chuyện, lắng nghe con.

Nói về nhu cầu, tuy có vẻ rất nhiều, nhưng nhà tâm lý học người Mỹ, Maslow đã nhóm lại thành 6 nhóm nhu cầu của con người mà ai ai cũng có. 

Có nhóm nhu cầu vật lý cơ bản, nhu cầu an toàn, nhu cầu được kết nối yêu thương, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu được thể hiện hết tiềm năng bản thân và nhu cầu phụng sự có ích cho xã hội. 

Đối với các con, nhu cầu vật chất không quan trọng như cha mẹ tưởng. Đôi khi việc phải cho con vào trường tư là cha mẹ đang thỏa mãn nhu cầu được tôn trọng của chính mình, chứ chưa chắc là con cần điều đó. Điều con cần trong mỗi thời điểm mỗi khác. Có thể ngay lúc này, con cần thời gian được lắng nghe để biết mình được yêu thương và quan trọng trong lòng cha mẹ mình. 

Có câu nói này rất hay mà Anna học được: 'Lắng nghe để có trí tuệ. Khi có trí tuệ, dùng trí tuệ để lắng nghe'.

Cha mẹ có thể học tập để trở thành người có đủ sức vượt thoát vấn nạn của chính mình, học cách lắng nghe để nhận biết và thấu hiểu các nhu cầu của bản thân và của của con. Cha mẹ cùng con đáp ứng nhu cầu của nhau và của cả gia đình trên tinh thần tôn trọng, lắng nghe, chập nhận và thấu hiểu. 

Cha mẹ có thật sự muốn học cách lắng nghe để thấu hiểu, kết nối và yêu thương con đúng cách thì sẽ có chỗ để học. 

Cha mẹ có mong muốn tột cùng và tin tưởng cải thiện, dù là vấn đề đang ở mức trầm trọng cỡ nào, cũng đều có cách. 

Mối quan hệ sâu sắc nhất nhì trên đời mỗi người chính là mối quan hệ cha mẹ và con cái. Vậy nên vấn nạn trong mối quan hệ với con cái cũng chính là nỗi đau lớn nhất trong gia đình, dẫn đến quan hệ hôn nhân cũng bị ảnh hưởng. Nỗi đau ở một chỗ này sẽ ảnh hưởng đến chỗ khác…

Cha mẹ nào thật sự lắng nghe, ghi nhận và tôn trọng con cái của mình đúng cách thì kết quả gắn kết đã có – không cần phải nghe tiếp thêm nữa. Còn nếu cha mẹ đã tin rằng mình lắng nghe và tôn trọng con rồi, mà kết nối vẫn chưa có, thì có lẽ là cần học hỏi cách lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của nhau sao cho hiệu quả.
ngoc.jpg
Coach Anna Ngoc Le cùng chồng và con gái.
Có câu nói này Anna tâm niệm xuyên suốt: Mọi việc bắt đầu từ kết quả. Biết mục tiêu cuối cùng, thì mới đi tìm cách đạt được. 
Khi muốn ta tìm mọi cách để làm cho được. Khi chưa biết mình muốn gì, ta viện lý do, đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Ước muốn trong các mối quan hệ của gia đình, thật ra không nằm ngoài mong muốn được yêu thương, kết nối, thấu hiểu, tôn trọng và chấp nhận nhau để giúp nhau cùng phát triển trong vui vẻ hòa thuận.

Nếu mỗi thành viên đều cảm thấy mình rất quan trọng, được yêu thương, thấu hiểu, gia đình là nơi mỗi thành viên mong muốn trở về để được ôm ấp, chia sẻ chân thật nhất, được thể hiện chính mình nhiều nhất, thì gia đình đó thật sự rất hạnh phúc. Gia đình là cái nôi cho những nhân tài của xã hội.

Cha mẹ và con cái hiểu nhu cầu của nhau

Có một lần Anna ngạc nhiên về con gái lúc đó mới 4 tuổi. Con nói không mặc áo lạnh trước khi đi ra đường đâu. Trời bên ngoài đưới 10 độ C. Mà mình nói sao con cũng không chịu mặc áo ấm vào. Lúc này nhu cầu của mình là cho con được an toàn, giữ ấm để con khỏe, và bản thân Anna cũng an tâm và không phải thức khuya dậy sớm những lúc con cảm. 

Tự nhiên thuyết phục hoài, con không chịu mặc cái áo đó, Anna sực nhớ, à mình có hỏi cho rõ lý do của con chưa?  Nhu cầu của con là gì ta? Lý do gì mà con từ chối mặc chiếc áo đó? Mình đang đưa ra nhiều lý do của mình để thuyết phục con mà thôi.

Anna bèn hỏi con, điều gì khiến con không chịu mặc áo này? Con nói áo làm con bị khó chịu ở dưới cánh tay, cái áo đó tròng qua đầu, sẽ làm cho cái hoa cài trên tóc bị lệch đi không đẹp nữa.

Nhu cầu chính đáng mà, cái kẹp xinh như thế, rất quan trọng, con thể hiện rất rõ. Cái áo làm khó chịu, lúc này Anna kỹ lật bên trong ra mới thấy có chỗ may cộm rất cứng mà mình chưa biết trước đó. 

Anna bèn hỏi vậy con chọn lấy áo khác, không tròng qua đầu, giữ cho con ấm, mà không có chỗ cộm nhé, sau đó hai má con cùng chọn áo ấm khác. Con vui vẻ mặc vào rồi hai má con đi ra ngoài.

Ra ngoài cảm thấy lạnh, con nói con muốn mặc áo ấm. Anna nói, 'đúng rồi má thương con, nên muốn giữ ấm cho con. Cảm ơn con nói cho má rõ lý do con không mặc áo kia, má sẽ sửa chỗ cộm, lần khác có thể mặc nếu không có kẹp tóc'.
 
Lắng nghe chỉ là một trong nhiều cách để đạt được điều mình muốn, chứ lắng nghe không phải là điều mình thật sự muốn làm.

Kỹ năng hỏi, lắng nghe, phản hồi, giúp con tự gọi tên làm rõ vấn đề rồi giúp con tự tìm giải pháp, thì con học được bài học của chính con sâu sắc hơn rất nhiều. Quá trình hỏi, lắng nghe, phản hồi cho rõ và giúp con nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau để tự tìm giải pháp, là một quá trình truyền thông thấu hiểu và kết nối thường xuyên.
Nếu cho rằng vai trò của cha mẹ là dạy dỗ thì ngay lập tức mất đi sự khiêm tốn và kiên nhẫn trong mối quan hệ với con cái liền.
Thật ra, dù con nhỏ xíu, nhưng con biết điều mà mình không biết, ví dụ như con biết cái áo cộm ở cánh tay, mình đâu có biết. Con biết rằng cái kẹp đó làm con vui thích. Trước khi hỏi và lắng nghe con, Anna đâu có biết cái kẹp tóc quan trọng như thế đối với con đâu.
377745942_10159429477637097_7780489603247140940_n.jpg
Family coach Anna Ngọc Lê
Anna kể một câu chuyện, không nêu tên dù đã được sự cho phép của hai mẹ con trong câu chuyện.

Mẹ con chị ấy sống xa nhau, người mẹ mỗi ngày yêu cầu con nhắn tin gọi điện để mình yên tâm. Con gái đâu có hiểu nhu cầu được yên tâm của mẹ. Mỗi lần nói chuyện là nghe mẹ dặn dò nọ kia, nên không có gì vui, quên nhắn gọi vào giờ yêu cầu. Mỗi lần con không gọi nhấn tin đúng như giờ hẹn, người mẹ cảm giác lo lắng và tức giận, nên khi gọi cho nhau được thì cuộc trò chuyện không vui, nhắc nhở không được thì la mắng qua điện thoại… Mẹ luôn cảm giác con không tôn trọng lời dặn dò của mình.

Đôi bên rất khó chịu, không ai nghe ai, không ai hiểu nhu cầu của ai, nên các cuộc gọi càng thường xuyên bị bỏ qua, người mẹ càng bực tức vì biết con cố tình hay vô tình vô tư không biết mình lo lắng như thế nào, trách con không hiểu chuyện, không biết thương mẹ… 

Có thể hiểu cảm giác của cả đôi bên trong câu chuyện này, năm tháng trôi qua, hai mẹ con càng ngày càng xa cách cả địa lý lẫn trong trái tim.

Rất may mắn là người mẹ trong câu chuyện không chấp nhận, mà đi tìm giải pháp. Cả hai mẹ con được học tập, được coach.

Khi cả hai hiểu ra là muốn gắn kết yêu thương tôn trọng nhau, cả hai muốn được con xem nhau như là người bạn thân thiết nhất. Chị rất muốn con tin cậy và tìm đến chị trò chuyện. Con cũng muốn mẹ hiểu và tin vào con. Chị nhận ra, cách chị ép con gọi điện như xưa, thì có tiếp tục thêm 10 năm sau, chị cũng không bao giờ được con chia sẻ tâm sự mọi việc.

Bây giờ mối quan hệ của hai mẹ con đã cải thiện rất nhiều. Con gái đã chủ động gọi cho mẹ khi xin lời khuyên hoặc bàn về các dự định tương lai, các kế hoạch ở trường và các mối quan hệ của con.

Chị bây giờ đã biết lắng nghe, biết cách hỏi và đưa ra các góc nhìn, biết cách phản hồi sao cho đôi bên thật sự hiểu ý nhau. Chị hiểu nhu cầu của chị, nên hiểu nhu cầu của con.

Con gái sắp vào đại học, con luôn chủ động về thăm mẹ, rủ mẹ đi chơi trong các kỳ nghỉ lễ hay nghỉ giữa kỳ. Chị và con dù vẫn xa địa lý nhưng đã rất gần trong trái tim.

Mỗi lần con chủ động gọi điện về, chị thường nhắn tin khoe rằng: mình không hề nhắc hay đòi con làm nữa, con đã tự ý gọi trò chuyện hơn 2 tiếng đồng hồ.

Muốn con thành người thế nào, hãy nuôi như thế ấy

Có một cách Anna học được từ một đồng nghiệp mà Anna rất tâm đắc. Chị ấy bảo rằng khi chị xác định kết quả cuộc sống mơ ước của chính mình và của các con, tự nhiên chị đủ kiên nhẫn để lắng nghe các con sâu sắc hơn. 

Chị nói: Nếu Anna muốn nuôi con trở thành những lãnh đạo cao cấp, hay thành doanh nhân thành đạt, thì tự nhiên sẽ đối xử với con khác ngay. Giống như ngồi im lặng lắng nghe, nuốt từng lời các lãnh đạo cấp cao nói chuyện, cha mẹ có thể lắng nghe một cách tôn trọng con của mình như vậy. 

Cha mẹ làm được như vậy, sẽ xây dựng sự tự tin của con. Con biết việc học tập là vì con có vai trò rất lớn đối với bản thân, gia đình và xã hội sau này. Lắng nghe sẽ đơn giản xảy ra khi cha mẹ có niềm tin nuôi con thành người có giá trị trong xã hội. 

Anna biết rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc lắng nghe con gái, Anna rất tin tưởng vào điều này, nên hàng ngày tập áp dụng vào lắng nghe con gái của mình.

Bé rất tự hào khi những câu chuyện của bé được lắng nghe. Anna thường hỏi đi hỏi lại cho rõ, gợi mở tư duy cho con tự có giải đáp cho những quyết định của con. 

Đúng là nhiều lúc mình cũng dễ bỏ qua lắm. Những lúc vội, mình dễ dàng la nạt con kêu con đi làm gì khác đi, để Anna làm việc của mình. Cũng may, Anna đã định tâm nuôi một cô gái có giá trị trong xã hội.

Anna may mắn được ở trong môi trường rất nhiều cha mẹ có cách nghĩ và tầm nhìn rất lớn cho họ và cho con cái của họ, nên Anna được nhắc nhớ thường xuyên.

Lắng nghe con cái là việc làm trọn đời, không phải một ngày một bữa.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với khách mời.
1.jpg
Khóa học Thấu hiểu bản thân.
Đôi dòng về khách mời:
là mẹ của một công chúa 8 tuổi. Coach Anna theo đuổi con đường kiến tạo môi trường thành công cho những lãnh đạo hướng tới cuộc sống như ý về mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Tốt nghiệp thạc sĩ Master of Development Planning tại University of Queensland, nhưng cô tìm thấy niềm hạnh phúc trong việc kinh doanh với mục đích đào tạo dành cho các nhà lãnh đạo và các cá nhân muốn phát triển bản thân toàn diện.

Share