Mái ấm gia đình: Tăng nghỉ phép nuôi con có lương cho nam giới?

Kimmy photo_Edited.png

Anh Ninh Trần (trái), cha của bé Bé Kimmy Trần, một nhân viên làm việc cho hội phụ nữ toàn thời gian từ năm 2022, chia sẻ anh được tạo điều kiện nghỉ ở nhà chăm sóc vợ con hai tháng sau khi sinh và nhận lương đầy đủ.

Anh Ninh Trần được nghỉ phép và nhận lương đầy đủ trong vòng hai tháng khi con gái của anh chào đời. Nơi làm việc của anh đang hướng tới chính sách nghỉ phép nuôi con dành cho cha mẹ trung lập về giới tính, cung cấp chế độ nghỉ phép công bằng cho tất cả các bậc cha mẹ. Bạn nghĩ sao nếu người cha được nhận lương để ở nhà nuôi con như người mẹ?


Tại một số nơi làm việc tiến bộ ở Úc, người cha được công ty hoặc chủ lao động cho nghỉ phép nuôi con có lương 'Paid Parental Leave' trong vòng vài tháng sau khi con ra đời, thay vì chỉ hai tuần như theo quy định của chính phủ.

Nam giới đang đưa ra yêu cầu tăng số ngày nghỉ phép thai sản dành cho người cha nhiều hơn, để chia sẻ gánh nặng với người chăm sóc chính- những người mẹ đang đi làm.

Ở Úc, các tổ chức cổ võ bình đẳng giới đang hướng tới chính sách nghỉ phép dành cho cha mẹ trung lập về giới tính, cung cấp chế độ nghỉ phép công bằng cho tất cả các bậc cha mẹ.

Nghiên cứu chỉ ra các công ty cung cấp chương trình nghỉ phép nuôi con có lương cho cha mẹ hiệu quả có nhiều khả năng tuyển dụng và giữ chân nhân viên tốt hơn.

Hội phụ nữ Việt Úc AVWA, có ba văn phòng tại Victoria đang cung cấp các dịch vụ đào tạo, huấn nghệ và an sinh xã hội cho đồng hương gốc Việt là một trong những nơi làm việc tiên phong áp dụng chính sách này.

Anh Ninh Trần, cha của bé Bé Kimmy Trần, một nhân viên làm việc cho hội phụ nữ toàn thời gian từ năm 2022, thuộc bộ phận đào tạo và huấn nghệ, chia sẻ anh được tạo điều kiện nghỉ ở nhà chăm sóc vợ con hai tháng sau khi sinh và nhận lương đầy đủ.

asian-dad-holding-his-baby-up-with-love.jpg
Quan điểm chăm sóc trẻ em là công việc của phụ nữ dẫn đến sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Credit: Pixaby/rawpixel
“Tôi đã nghỉ nuôi con từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 và được nhận lương đẩy đủ. Tôi có thời gian chăm sóc cho gia đình, mà không lo đến tài chính, vì tôi là nguồn thu nhập chính và duy nhất của gia đình.”

Điều này giúp anh có thời gian gắn kết với con, đồng thời hiểu được sự khó khăn của người mẹ sau sinh.

“Người mẹ sau khi sinh rất cần hỗ trợ về thể chất lẫn tinh thần. Vợ của tôi ở nhà suốt trong thời kỳ mang thai nên rất buồn. Khi sinh con xong, tôi ở nhà nên hiểu được khó khăn của vợ, mỗi đêm phải thức dậy mỗi lần 3 tiếng để cho con bú.
Tôi có thể đi chợ búa để giúp vợ. Tôi nhận thấy vợ bị trầm cảm sau khi sinh, do đó việc người chồng gần gũi, giúp đỡ vợ rất quan trọng.
Anh Ninh Trần
Vợ của tôi sau khi sinh rất mệt mỏi, do vậy cần có người chồng suốt mấy tháng sau khi sinh.

Nam nữ muốn bình đẳng thì người cha phải được nghỉ để nuôi con và tham gia vào việc chăm con phụ vợ. Tôi nghĩ chính sách này nên được áp dụng rộng rãi ở nhiều công ty khác”, anh Ninh nói với SBS.

Hội phụ nữ Việt Úc đang gửi đi thông điệp ủng hộ bình đẳng giới, nhân viên có gia đình được coi trọng, và thừa nhận tầm quan trọng của cả cha và mẹ trong việc nuôi dạy con cái.

Bé Kimmy Trần nay đã được 4 tháng tuổi, rất quấn quýt với cha, luôn nhận ra cha khi cha đi ngang qua. Bé đã biết lật, anh Ninh cho rằng nhờ gần gũi với cha trong những tháng đầu giúp bé dù ở xa nhưng luôn nhận ra cha và gắn kết với cha.

Ngoài việc mang lại sự gắn kết giữa người cha với con sơ sinh và nâng cao vai trò của nam giới trong việc nuôi dạy con cái, chính sách cho phép nam giới nghỉ nuôi con có lương cũng hướng tới việc rút ngắn khoảng cách về phân biệt giới tại nơi làm việc.

Những người phụ nữ đi làm vẫn phải chịu tình trạng phân biệt đối xử ở Úc vì lý do mang thai và sinh con.

Bà Helen Dalley-Fisher làm việc cho Liên minh về Quyền bình đẳng, nói rằng ở các nơi làm việc vẫn còn quan điểm rằng chăm sóc trẻ em là công việc của phụ nữ, dẫn đến sự phân biệt đối xử trở thành một thái độ vô thức.
Vấn đề lớn mà chúng tôi gặp phải với phụ nữ là họ thường bị coi là thừa thải hoặc gặp phải một số bất lợi khác khi đang trong giai đoạn chăm sóc một đứa trẻ.
Bà Helen Dalley-Fisher
Liên minh về Quyền bình đẳng cho biết luôn có nguy cơ tiềm ẩn, sự thiên vị vô thức ảnh hưởng đến quyết định xem ai là người mất việc trong quá trình tái cơ cấu hoặc cắt giảm nhân viên. Người mẹ đang ở nhà nuôi con không thể chứng tỏ bản thân. Các nhà quản lý thường đưa ra quyết định về việc người nào trong một nhóm nhân viên cụ thể nên được coi là thừa thải.

Họ có thể trải qua những tác động của sự thiên vị vô thức, các chủ lao động nghĩ rằng hiệu quả công việc từ một người phụ nữ thực sự không tốt như một người đàn ông. Đó là một quá trình vô thức."

Bà Dalley Fisher nói rằng giải pháp cho vấn đề nằm ở nam giới.
Một trong những cách để đối phó với vấn đề thiên vị vô thức đó là bắt đầu giải quyết suy nghĩ rằng chăm sóc trẻ em là việc của riêng người phụ nữ. Chúng ta cần nhiều nam giới nhận ngày nghỉ thai sản hơn vào lúc này, chỉ 12% trong số người nghỉ việc nuôi con hưởng lương là nam giới, chúng ta cần thay đổi điều đó.
Bà Helen Dalley-Fisher
Bởi vì nếu không, các nhà tuyển dụng sẽ luôn coi phụ nữ là một phần trách nhiệm, bởi vì họ có con cái để chăm sóc. Thành thật mà nói, vấn đề này như điệu nhảy tango, nam giới cần phải nâng đỡ bạn nhảy của mình."

Chủ tịch Hội đồng Nghiệp đoàn Úc, Michele O'Neil nói rằng hệ thống nghỉ phép nuôi con dành cho cha mẹ ở Úc cần hoạt động hiệu quả hơn. Có những ví dụ ở các quốc gia khác cho thấy rằng khi nam giới nghỉ nhiều thời gian như nữ giới, thì sẽ ít bị phân biệt đối xử và thiên vị hơn. 

"Những gì chúng ta không có là một hệ thống mà nam giới và phụ nữ chia sẻ ngày nghỉ phép thai sản như nhau. Ở các quốc gia trên thế giới, nơi có quyền bình đẳng, việc này thực sự giúp giải quyết vấn đề phân biệt đối xử vì nam giới cũng được hưởng chế độ nghỉ phép.

Việc chăm sóc con được chia sẻ bình đẳng hơn giữa phụ nữ và nam giới, và kết quả là ít phân biệt đối xử với phụ nữ hơn."

Share